Nhân kết thúc chuyến thăm chính thức Maroc, Pháp; thăm và làm việc với EP, dự IPU - 140 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chuỗi kết nối liên tục và hiệu quả thực chất

- Thứ Tư, 10/04/2019, 08:49 - Chia sẻ
Sáng qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta đã kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Maroc, Pháp, Bỉ và Qatar. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại NGUYỄN VĂN GIÀU nhấn mạnh, còn nhiều việc phải tiếp tục triển khai sau thành công của chuyến công tác để đem lại sự cho sự lan tỏa chung cho mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước chứ không phải chỉ trong phạm vi của QH. Với riêng QH, các hoạt động hợp tác, trao đổi Đoàn tới đây sẽ đi vào cụ thể và thực chất hơn, tạo ra chuỗi kết nối liên tục, hiệu quả thực sự trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Maroc lên tầm cao mới

- Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta vừa kết thúc chuyến công tác có lẽ là dài nhất, phạm vi trải rộng nhất và nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay. Ông đánh giá như thế nào về kết quả chuyến công tác này?

- Chuyến công tác của Chủ tịch QH diễn ra trong hơn 10 ngày với điểm đến tại 4 quốc gia ở 3 châu lục, Maroc ở châu Phi; Pháp, Bỉ ở châu Âu và Qatar ở Tây Á. Tính chất chuyến công tác tại mỗi nước cũng khác nhau. Với Maroc và Pháp, Chủ tịch QH thăm chính thức sau nhiều năm. Với Nghị viện châu Âu (EP), Chủ tịch QH thăm và làm việc để thúc đẩy việc sớm ký kết, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Với Bỉ, dù lần này, Chủ tịch QH không thăm chính thức nhưng Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện của Bạn đã dành cho Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta sự đón tiếp trọng thị và sắp xếp một chương trình làm việc rất hiệu quả. Với Qatar, Chủ tịch QH tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140 (IPU - 140) cũng là Đại hội đồng có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu tròn 130 năm thành lập tổ chức này. Với gần 50 hoạt động, các chuyến thăm và làm việc đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng và mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước và cũng như giữa QH nước ta với Nghị viện các nước.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm thành phố Toulouse, Pháp Ảnh: Trọng Đức

- Maroc, quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch QH và Đoàn đến thăm sau 14 năm. Chủ tịch QH Bạn đã ra tận sân bay để đón Chủ tịch QH và trong những ngày làm việc tại Maroc, các nhà lãnh đạo của Bạn luôn dành cho Chủ tịch QH và Đoàn sự đón tiếp hết sức trọng thị. Đây cũng là minh chứng sinh động cho mối quan hệ Việt Nam - Maroc đang phát triển rất tốt đẹp, thưa ông?

- Đúng vậy. Các nhà lãnh đạo Maroc rất mong đợi chuyến thăm của Chủ tịch QH nước ta. Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua sự đón tiếp hết sức trọng thị, tình cảm nồng ấm của các nhà lãnh đạo Maroc. Các nội dung làm việc trong khuôn khổ chuyến thăm đã được 2 nước phối hợp chuẩn bị rất kỹ lưỡng để thúc đẩy quan hệ hợp tác lên tầm cao mới một cách thực chất.

Chủ tịch QH nước ta và các nhà lãnh đạo của Bạn đều nhất trí cho rằng, mặc dù trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước được thúc đẩy rất nhanh chóng nhưng nhìn vào tiềm năng, vào mong muốn của cả hai Bên thì sự phát triển như vậy vẫn còn chậm. Chủ tịch QH và các nhà lãnh đạo Bạn thống nhất rất cao về việc: Maroc chọn Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN còn Việt Nam chọn Maroc là cửa ngõ để vào châu Phi. Đây là thành công lớn của chuyến thăm, là cơ sở để từ đó các bộ ngành hai nước triển khai các kế hoạch hợp tác cụ thể.

Ngay trong chuyến thăm của Chủ tịch QH, với sự chuẩn bị công phu, đại diện 1 số bộ của nước ta cũng đã ký các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với bộ, địa phương của nước bạn về môi trường và phát triển bền vững; về thương mại và công nghiệp. Đặc biệt là, lần đầu tiên, hai địa phương có nhiều điểm tương đồng của Việt Nam và Maroc là TP Đà Nẵng và TP Tangier thiết lập quan hệ kết nghĩa. Điều này sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác nhanh hơn không chỉ giữa các địa phương mà còn giữa hai nước. Nhân chuyến thăm, Bạn cũng mời Chủ tịch QH và Đoàn đến thăm và nghiên cứu một số mô hình phát triển kinh tế - xã hội của TP Marrakech. Có thể nói rằng, đây là thành phố tiêu biểu cho sự mở cửa của Maroc, cải cách luôn đi trước và lấy trọng tâm là khai thác dịch vụ du lịch. Dù thời gian lưu lại không lâu nhưng cảnh quan, sức sống của Marrakech rất sinh động, rất ấn tượng và gợi mở nhiều điều mà Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng.

Mối quan hệ Việt Nam - Pháp được triển khai cụ thể, rõ ràng

- Với Pháp, tuy đây là chuyến thăm chính thức của Chủ tịch QH nước ta sau 11 năm nhưng tần suất các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong mấy năm trở lại đây có thể nói là liên tục. Chuyến thăm của Chủ tịch QH đã mang lại những kết quả như thế nào, thưa Ông?

- Sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, quan hệ Việt Nam - Pháp đã phát triển rất tốt đẹp. Đặc biệt là chuỗi hoạt động của các nhà Lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2018: tháng 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Pháp; tháng 11, Thủ tướng Pháp thăm chính thức Việt Nam và lần này, Chủ tịch QH nước ta thăm chính thức Pháp. Các nhà lãnh đạo của Bạn đánh giá rất cao chuyến thăm của Chủ tịch QH, nhất là, đặt trong tổng thể các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước như vậy đã làm cho mối quan hệ Việt Nam - Pháp được triển khai cụ thể, rõ ràng và thực chất.

Pháp và Việt Nam không xa lạ gì với nhau vì chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 46 năm. Nhưng Lãnh đạo hai nước đều mong muốn xích lại gần nhau hơn nữa cả về quan hệ chính trị tốt đẹp, quan hệ kinh tế phải mở rộng hơn, hợp tác văn hóa, ngôn ngữ phải thúc đẩy hơn…

Tại Pháp, Chủ tịch Hạ viện và đặc biệt là Chủ tịch Thượng viện khi trao đổi với Chủ tịch QH nước ta đều khẳng định ủng hộ việc ký kết, phê chuẩn EVFTA. Các nhà lãnh đạo Pháp cũng chia sẻ về việc đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy tiến trình này nhưng do tình hình khách quan chung của khối EU trong giai đoạn hiện nay nên việc ký kết, phê chuẩn mới gặp trở ngại và chưa đem lại kết quả như mong muốn. Chủ tịch Thượng viện Pháp nhấn mạnh với Chủ tịch QH nước ta là tuần tới sẽ sang Áo họp với các Chủ tịch QH/ Nghị viện các nước thành viên EU, trong đó, câu hỏi đầu tiên mà ông muốn đặt ra sẽ là về EVFTA, phải có một lộ trình rõ ràng đối với việc ký kết, phê chuẩn Hiệp định quan trọng này. Chủ tịch Thượng viện Pháp nêu rõ mong muốn của ông là làm thế nào để các nhà lãnh đạo hiện tại của EP khi kết thúc nhiệm kỳ này phải có trách nhiệm chuẩn bị và chuyển giao hồ sơ EVFTA, xem đây là hồ sơ ưu tiên hàng đầu để ngay khi EP bắt đầu nhiệm kỳ mới thì sẽ bàn đến việc ký kết, phê chuẩn. Chủ tịch Thượng viện Pháp cũng nhấn mạnh rằng, không thể để kết thúc năm 2019 mà chưa thông qua được EVFTA.


Ảnh: P. Thúy

- Hợp tác kinh tế và hợp tác địa phương cũng là một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm của Chủ tịch QH, thưa Ông?

- Kế thừa các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước trước đây, trong chuyến thăm này, Chủ tịch QH cũng đã có các cuộc làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp Pháp. Mặc dù không có doanh nghiệp nào của Việt Nam tháp tùng Đoàn nhưng phía Bạn quyết tâm chọn 15 doanh nghiệp hàng đầu của Pháp để cùng với một số nghị sĩ của cả Thượng viện và Hạ viện làm việc với Đoàn. Chủ tịch QH và các thành viên trong Đoàn cũng đã trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp về chính sách, về môi trường đầu tư và các tiềm năng hợp tác với Việt Nam. Tôi nhận thấy, các doanh nghiệp này quan tâm rất sâu, rất cụ thể đối với việc đầu tư tại nước ta. Ví dụ, các doanh nghiệp quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, lĩnh vực cấp nước, khoa học công nghệ, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, y tế, những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh. Trong số các doanh nghiệp này, có nhiều doanh nghiệp đã từng hoạt động đầu tư kinh doanh quy mô lớn ở nước ta và đang nghiên cứu để mở rộng hợp tác. Các doanh nghiệp này cũng đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, họ cũng đặt ra một vài vấn đề còn vướng mắc và khuyến nghị với chúng ta đó là, phải tập trung cải cách hành chính triệt để hơn, nhất là phải tuân thủ và thực hiện Chính phủ điện tử càng nhiều, càng nhanh, càng chính xác càng tốt vì điều này sẽ đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư và cũng là lợi ích cho Việt Nam.

Trong chuyến thăm Pháp, Chủ tịch QH còn thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng khác. Một là, gặp gỡ gần 700 kiều bào đang sinh sống ở Pháp nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ thành lập Hội Người Việt Nam tại Pháp. Nhân dịp này, Nhà nước ta đã quyết định trao tặng Huân chương hạng Nhất lần thứ hai cho Hội Người Việt Nam tại Pháp. Chủ tịch QH đã có cuộc gặp gỡ rất xúc động với các kiều bào tại Pháp. Tôi có trao đổi với bà con thì bà con rất hân hoan về cuộc gặp của Chủ tịch QH bởi dù ở rất xa nhưng lúc nào họ cũng hướng về đất nước. Có thể nói rằng, luôn có một sự kết nối giữa đồng bào với Tổ quốc bằng tinh thần, bằng ý chí Việt Nam. Hai là, dự phát biểu tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương hai nước lần thứ 11. Đây là cơ chế hợp tác rất đặc thù giữa Việt Nam và Pháp. Hiện, Pháp có 36 đối tác đang hợp tác với 50 đối tác của Việt Nam với khoảng 335 dự án được triển khai thực hiện. Tôi thấy hình thức hợp tác này rất thành công. Hội nghị dành thời gian để địa phương, doanh nghiệp hai nước đối thoại, bàn định hướng hợp tác về 5 lĩnh vực: văn hóa vật thể và phi vật thể, thách thức đối với phát triển bền vững; vai trò dẫn dắt của các địa phương trong hợp tác giáo dục và y tế; cuộc chiến chống sự nóng lên của khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế bền vững, vị trí của kinh tế xã hội và đoàn kết trong hợp tác Việt - Pháp; từ đô thị hóa đến thành phố bền vững… Trong đó, có nhiều lĩnh vực chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của Bạn. Ví dụ, kinh nghiệm phát triển đô thị hóa theo hướng bền vững hay kinh nghiệm xây dựng chợ đầu mối... Những kinh nghiệm này chính là các “công nghệ” chuyển giao không tốn kém mà Việt Nam đang rất cần hiện nay. 

Phê chuẩn EVFTA là quá cần thiết

- Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, làm việc với Chủ tịch QH, các nhà lãnh đạo EP, Ủy ban châu Âu (EC), Nghị viện Bỉ đều bày tỏ ủng hộ việc sớm ký kết, phê chuẩn EVFTA. Đây cũng là mục đích cốt lõi trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch QH tại EP, EC lần này, thưa Ông?

- Tôi muốn nhấn mạnh đó là sứ mệnh cực kỳ quan trọng trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch QH lần này. Việt Nam mong muốn sớm ký và phê chuẩn EVFTA để triển khai thực hiện. Lãnh đạo EP, EC và các nước thành viên cũng đều ủng hộ vì Hiệp định này đem lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên. Chủ tịch EC nói một câu rất ấn tượng là ông thấy việc ký kết và phê chuẩn EVFTA là quá cần thiết nên ngay cả khi hồ sơ EVFTA chưa hoàn tất quá trình rà soát về dịch thuật ngôn ngữ thì ông đã ký trình lên Hội đồng châu Âu để sớm tiến hành các bước tiếp theo của việc ký và phê chuẩn. Ông cũng nói thêm là vì quá yêu quý Việt Nam - một đất nước đã trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài với quá nhiều đau thương mất mát nhưng việc ủng hộ EVFTA cũng là nhìn vào những lợi ích thiết thực của Hiệp định này.

Các nhà lãnh đạo EP, EC cũng đưa ra một số vấn đề thảo luận với Chủ tịch QH ta. Ví dụ, một số nghị sĩ của Bạn đề nghị chúng ta có tín hiệu mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn xung quanh vấn đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Hay việc hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, phía Bạn khẳng định Luật An ninh mạng là phải làm để bảo vệ an ninh đất nước nhưng đồng thời cũng không làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước. Xoay quanh vấn đề nhân quyền, các nhà Lãnh đạo EP, EC nói rằng, không phải là số đông nhưng cũng có những ý kiến chưa đồng thuận với chúng ta về vấn đề này, cho rằng, chúng ta chưa đưa ra được những tín hiệu rõ ràng, cụ thể. Chủ tịch QH đã trao đổi thẳng thắn và khẳng định rằng, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, Bộ luật Lao động đang được tiến hành sửa đổi theo các cam kết quốc tế; một số khác biệt trong nhận thức về vấn đề nhân quyền thì Việt Nam sẵn sàng đối thoại, cung cấp đầy đủ thông tin để đi đến nhận thức chung. Phía Bạn cũng chia sẻ quan điểm không được lấy nước khác hay châu Âu để áp đặt cho Việt Nam, những điểm còn khác biệt thì tiếp tục đối thoại để hiểu nhau hơn.

Trong quá trình trao đổi, các nhà lãnh đạo, kể cả Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP đều nhìn nhận và đánh giá tích cực đối với Việt Nam; đều mong muốn sớm ký và phê chuẩn EVFTA; đồng thời cũng cho biết sẽ nỗ lực để hồ sơ EVFTA trở thành ưu tiên hàng đầu khi EP bắt đầu nhiệm kỳ mới. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng đang xem xét kỹ lưỡng các khuyến nghị của EU, EP để thể hiện quyết tâm đối với Hiệp định này.

- Lần này, Chủ tịch QH không thăm chính thức Bỉ nhưng có thể thấy là, phía Bạn đã chuẩn bị các hoạt động trao đổi như thăm chính thức với những nội dung phong phú và cụ thể. Điều này cho thấy, mong muốn của cả hai Bên trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, thưa Ông?

- Đúng vậy. Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Bỉ đều dành thời gian tiếp và trao đổi cụ thể với Chủ tịch QH nước ta về các vấn đề hợp tác song phương cũng như hợp tác giữa QH và Nghị viện hai nước. Bạn đánh giá Việt Nam là nước có môi trường đầu tư đang phát triển rất ổn định và ấn tượng khi năm 2018, nước ta đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế lên tới 7,08%; cho rằng, sau khi kết thúc chiến tranh, quá trình đổi mới của Việt Nam đã thành công và được nhiều quốc gia ngưỡng mộ, tin tưởng. Bạn cũng cho rằng, thương mại hai chiều năm 2018 mới chỉ đạt khoảng 2,8 tỷ USD là còn khiêm tốn, phải nâng cao hơn nữa và nhìn nhận rất tích cực về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện

- Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Bỉ, Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta đã tham dự IPU - 140 tại Qatar. Ông đánh giá thế nào về sự tham dự của Chủ tịch và Đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng lần này?

- Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim  Ngân đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng IPU - 140 với chủ đề “Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền”. Chủ tịch QH đánh giá cao vai trò của IPU, các chủ trương, Nghị quyết của IPU được triển khai cũng rất thành công; đồng thời nêu 5 khuyến nghị. Đầu tiên là cộng đồng quốc tế phải tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững, chú trọng giáo dục toàn diện cho mọi người dân nhằm ngăn ngừa các mầm mống xung đột... bởi có ổn định, hòa bình thì sẽ có tất cả. Thứ hai là, phát huy vai trò của các Nghị viện, nghị sỹ trong việc hoàn thiện khung pháp lý trong nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, giám sát thực thi và phê chuẩn ngân sách phù hợp cho các chương trình cải cách, đổi mới giáo dục đào tạo bền vững; bảo đảm thực thi công bằng, bình đẳng giữa mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt đối xử hay kỳ thị để mọi người dân được tiếp cận với giáo dục. Thứ ba là, tiếp tục giám sát triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thứ tư là, IPU cần tiếp tục đổi mới hoạt động, nhằm tăng cường hiệu quả và vai trò đối với các Nghị viện thành viên, thúc đẩy nghị viện thành viên thực hiện các nghị quyết đã được IPU thông qua. Điều này rất quan trọng bởi nếu thành viên này thực hiện, thành viên khác không thực hiện sẽ là không công bằng và không bảo đảm hiệu quả của các nghị quyết. Cuối cùng là tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, tạo nguồn lực hỗ trợ tối đa các quốc gia gặp nhiều hạn chế trong việc triển khai các chương trình giáo dục toàn diện, bao trùm vì sự phát triển bền vững.

Bên lề Đại hội đồng, Lãnh đạo nước chủ nhà cũng dành cho Chủ tịch QH và Đoàn Việt Nam sự đón tiếp rất trân trọng. Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch QH Qatar đều thu xếp thời gian để gặp gỡ Chủ tịch QH và Đoàn. Các nhà lãnh đạo Qatar rất ca ngợi sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là vai trò trong gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Thủ tướng Qatar mong muốn Việt Nam và Qatar sẽ mở ra các lĩnh vực hợp tác mới và đề xuất rất cụ thể. Ví dụ, trước đây chủ yếu là hợp tác về dầu khí và lao động ngành xây dựng thì bây giờ Bạn muốn hợp tác thương mại, y tế, dịch vụ, du lịch… Chủ tịch QH Qatar tiếp Chủ tịch QH với tình cảm rất đặc biệt, ông đặt tay lên ngực khi nói rằng, rất yêu quý Việt Nam vì Việt Nam là một điểm sáng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; mong muốn, Chủ tịch QH và Đoàn Việt Nam hãy coi Qatar như nhà mình. Khi Chủ tịch QH chúc mừng Qatar đã chuẩn bị rất chu đáo cho việc tổ chức Đại hội đồng thì Chủ tịch Qatar nói rằng, thành công đó là vì Bạn đã nghiên cứu cách tổ chức Đại hội đồng IPU - 132 của Việt Nam và đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào việc tổ chức IPU -140.

Tại Qatar, bên lề Đại hội đồng, theo đề xuất của lãnh đạo Nghị viện các nước, Chủ tịch QH cũng đã dành thời gian gặp gỡ Chủ tịch Duma quốc gia Nga, Chủ tịch QH Sri Lanka, Chủ tịch QH Liên bang Micronesia, Chủ tịch QH Iran, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstans, Chủ tịch QH Gruzia; gặp Phó Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc. Các cuộc gặp gỡ này là hoạt động rất quan trọng trong hoạt động đa phương để cập nhật các vấn đề hợp tác trong quan hệ Việt Nam với các nước nhằm thúc hợp tác phát triển và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm để góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

- Một thông điệp chung từ tất cả các cuộc hội kiến, hội đàm, làm việc trong chuyến công tác của Chủ tịch QH là các nước đều mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam và QH Việt Nam. Theo Ông, có những vấn đề gì cần tiếp tục thực hiện sau chuyến công tác để hiện thực hóa những mong muốn này một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa?

- Còn nhiều việc phải tiếp tục triển khai sau thành công của chuyến công tác để đem lại sự cho sự lan tỏa chung của quan hệ giữa Việt Nam và các nước chứ không phải chỉ trong phạm vi của QH. Với riêng QH thì chắc chắn, tới đây sẽ phải tăng cường hợp tác, trao đổi Đoàn các cấp. Tuy nhiên, việc trao đổi Đoàn cũng phải đặt ra mục tiêu, chúng ta thăm Bạn thì phải tập trung vào những vấn đề cụ thể gì và Bạn đến thăm ta cũng phải tương tự như vậy để hợp tác nghị viện đi vào thực chất. Sau một thời gian thì xem lại việc ta làm, bạn làm như thế nào, cần tiếp tục trao đổi, hợp tác như thế nào… Cách thức như vậy chắc chắn sẽ tạo ra chuỗi kết nối liên tục và hiệu quả thực sự trong quan hệ hợp tác giữa QH Việt Nam với Nghị viện các nước và giữa Việt Nam với các nước.

- Xin cảm ơn Ông!

Phạm Thúy ghi