Đánh giá lại quy mô GDP

“Chúng tôi không chịu sức ép nào”

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 08:02 - Chia sẻ
Tại tọa đàm đối thoại chính sách “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế - những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức sáng 31.10, một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là độ tin cậy của con số GDP tăng bình quân 25,4% cũng như tính độc lập của ngành thống kê. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, con số thống kê hoàn toàn khách quan và cơ quan thống kê “không chịu bất kể sức ép nào”.

Không tác động đến mục tiêu tăng trưởng trong kế hoạch

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, thông lệ quốc tế đều đánh giá lại quy mô GDP, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Đức, Canada… Việc đánh giá lại quy mô GDP theo thông lệ quốc tế được thực hiện khi có nguồn thông tin tốt hơn, có những quy định mới về lý luận, phương pháp luận thống kê.

Thực tế, từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan. Chẳng hạn, tháng 7.2013, Mỹ công bố kết quả tính lại GDP năm 2012 đã tăng 3,6%, tương đương 560 tỷ USD so với số liệu đã công bố. Canada sau khi đánh giá lại quy mô GDP năm 2011 tăng thêm 2,4% tương đương 36,4 tỷ USD… Song, có những nước sau khi đánh giá lại quy mô GDP đã làm tăng hàng chục % như Bulgaria (31,2%), Ghana (60%), Nigeria (59,5%)... Còn tại Việt Nam, kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2011 - 2017 tăng bình quân 25,4%. Một trong những nguyên nhân làm tăng GDP là do bổ sung 76.000 doanh nghiệp vào quá trình tính toán lại GDP.


Toàn cảnh tọa đàm Ảnh: Đan Thanh

Nhìn nhận về tác động của việc đánh giá lại quy mô nền kinh tế lần này (trước đó chúng ta đã đánh giá lại quy mô song không toàn diện, không đầy đủ khi chỉ đánh giá ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản), đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, sự thay đổi quy mô GDP tạo ra mức tăng đáng kể về GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Điều này không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu tài chính/tài khóa thấp hơn so với số liệu đã công bố như tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP, tỷ lệ thuế so với GDP, tỷ lệ dư nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP… “Sự thay đổi của các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có thể dẫn tới khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và đi vay của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật, do đó khả năng tác động của việc thay đổi này tới mở rộng dư địa cho thu ngân sách, chi tiêu và vay của Chính phủ là thấp”, đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận.

“Hầu như rất ít nước đặt mục tiêu tăng trưởng. Chẳng hạn ở Mỹ cứ làm đi, nếu thấy tăng trưởng thấp thì chính sách sẽ phải thúc đẩy tăng trưởng. Còn ở nước ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng do cố gắng phấn đấu tăng trưởng nhanh. Nhưng điều này làm cho chính sách tài khóa chu kỳ bị tác động là không tốt. Rất mong các nhà kinh tế cảnh báo sâu sắc điều này để Chính phủ nhận thức được”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Không nên chỉ sử dụng GDP để giám sát nợ công

Cho rằng con số chuẩn xác đóng vai trò quan trọng để các nhà hoạch định chính sách căn cứ, đưa ra quyết sách hợp lý, PGS. TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) tỏ ý băn khoăn về tính chính xác của con số quy mô GDP tăng 25,4% sau khi điều chỉnh. Lý giải về sự băn khoăn này, ông Phạm Thế Anh đi từ thực tế chất lượng dữ liệu thống kê GDP của Việt Nam. Theo đó, chưa bao phủ hết được các hoạt động kinh tế chính thức, việc chỉnh sửa sau đó không được công bố rộng rãi cũng như thiếu giải trình, thiếu nhất quán khi thường xuyên thay đổi phương pháp luận, không có khả năng kiểm tra chéo...

Cùng chung nỗi băn khoăn về tính xác thực của con số thống kê, GS. TS. Hoàng Văn Hoa, Đại học Kinh tế Quốc dân đặt vấn đề: Tổng cục Thống kê có thực sự độc lập không, mức độ độc lập đến đâu để bảo đảm đưa ra các con số khách quan, trung thực? Việc công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP liệu có bị can thiệp không? Nếu không bảo đảm tính độc lập trong thống kê, “chúng tôi nghiên cứu sẽ sai hết”, ông Hoa nói.

Phản hồi về những băn khoăn này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định: “Công tác thống kê và biên soạn số liệu thống kê là hoàn toàn độc lập. Chúng tôi không chịu sức ép của bất kỳ ai”. Phương pháp tính GDP của Việt Nam hoàn toàn theo thông lệ quốc tế, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kiểm tra và công nhận. Mặt khác, Tổng cục Thống kê cũng đã mời chuyên gia độc lập, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đánh giá kết quả đánh giá lại quy mô GDP. Do vậy, “đừng bao giờ nghi ngờ về phương pháp luận của Tổng cục Thống kê. Hãy tin vào tính độc lập, khách quan và kết quả đánh giá GDP của chúng tôi”, ông Lâm nói, đồng thời khẳng định sẽ công bố kết quả đánh giá lại GDP.

Tại tọa đàm, các chuyên gia nhất trí cho rằng phải bảo đảm tính chính xác của con số thống kê cũng như việc sử dụng con số này trong thực tế. Bởi nói như GS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), “nếu không cẩn trọng, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ là cái cớ ru ngủ các nhà quản lý” khi thấy rằng tỷ lệ thâm hụt ngân sách thấp đi nên “có thể yên tâm được rồi”; tỷ lệ vay nước ngoài cũng như tỷ lệ nợ công thấp đi “khiến chi tiêu thoải mái hơn”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh bổ sung, việc sử dụng GDP mới (sau khi đánh giá lại) sẽ làm các chỉ tiêu, giới hạn trần về nợ của Quốc hội không còn hiệu lực. “Có 3 chỉ tiêu tôi muốn lưu ý là nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài. Khi đánh giá lại quy mô GDP thì khoảng cách từ thực tế đến ngưỡng xét lại nhiều, hàm ý nếu Quốc hội vẫn sử dụng trần như cũ thì dư địa để vay nợ, chi tiêu công tăng lên. Do đó, theo tôi, chúng ta cần có chỉ tiêu khác để giám sát như tính nợ công trên tổng thu ngân sách, hay tốc độ tăng nợ công mỗi năm là bao nhiêu (chẳng hạn 5% hay 7%), giám sát chi trả nợ trên tổng thu ngân sách. Bởi tổng thu ngân sách mới là nguồn thu ổn định, đặc biệt là thu từ thuế. Không nên sử dụng thuần túy GDP để giám sát nợ công”, ông Phạm Thế Anh nói.

Đan Thanh