Hướng tới tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân

Chung sức để thành công

- Thứ Tư, 04/09/2019, 09:01 - Chia sẻ
Trong gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội, nhân dân trên địa bàn huyện Thường Tín đã đóng góp 1.069 tỷ đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng và nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân đã tạo nên khí thế sôi nổi trong thực hiện phong trào xây dựng NTM ở miền quê vốn nhiều gian khó.

“Làm nông thôn mới như làm cách mạng”

 Trong năm 2019, huyện Thường Tín cần tập trung mọi nguồn lực đưa 4 xã còn lại về đích, phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020 và sớm hoàn thành huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu; trở thành quận trong tương lai gần. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND thành phố có phương án hỗ trợ, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.

Đó là câu nói khiến chúng tôi ấn tượng mãi khi về thăm diện mạo NTM ở Chương Dương - một trong những xã điển hình trong phong trào xây dựng NTM của huyện Thường Tín. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ thôn Chương Lộc, xã Chương Dương Vũ Ngọc Anh đã ví von rằng: “Những năm 2010, đời sống người dân ở Chương Dương như rơi vào cảnh “nước sôi lửa bỏng”. Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội như một lệnh “tổng động viên”, còn người dân như những “dân công hỏa tuyến” vào cuộc mạnh mẽ. Có vật liệu về ngõ là nhân dân cùng nhau chung tay, người vác cuốc, kẻ cầm xẻng san đất, đắp nền, đổ bê tông, có những đoạn đường chỉ nửa tháng, thậm chí 7 - 10 ngày đã hoàn thành. Làm NTM không khác gì làm cách mạng”.

Khí thế xây dựng NTM ở bất cứ xã nào trên địa bàn huyện Thường Tín cũng luôn sôi nổi như vậy. Không chỉ ủng hộ ngày công, người dân còn tích cực đóng góp tiền của xây dựng nhiều công trình phúc lợi, ít nhiều tùy vào điều kiện kinh tế. Có những người góp đôi ba trăm, cũng có những người đã quyên góp hàng tỷ đồng với mong muốn xây dựng quê hương giàu đẹp. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, trong gần 10 năm, huyện đã huy động người dân đóng góp 187.952 ngày công, hiến 2.820m2 đất thổ cư, 44.039m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; đồng thời, huy động được 1.069 tỷ đồng vốn nhân dân đóng góp xây dựng NTM, chiếm 29% trong tổng số nguồn vốn huy động phục vụ xây dựng NTM toàn huyện (trong khi tỷ lệ bình quân toàn thành phố khoảng 10%). Ông Huy khẳng định: “Đây là những con số không nhỏ đối với một địa phương có xuất phát điểm thấp và kinh tế còn nhiều khó khăn như Thường Tín”.

Thực tế cho thấy, những năm qua Thường Tín luôn là huyện đi đầu trong phong trào “Quân và Dân”, “Kết nối doanh nghiệp” chung sức xây dựng NTM”. Tiêu biểu là xã Hồng Vân kết hợp với Lữ đoàn 239 đầu tư xây dựng các tuyến đường tại địa phương; Công ty Giấy Vạn Điểm chung sức xây dựng tuyến đường tại xã Vạn Điểm với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Không chỉ vậy, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, hay cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các phong trào thi đua đã phát triển sâu rộng và trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiện 215 đoạn đường phụ nữ tự quản, trong đó có 49 tuyến đường “xanh - sạch - đẹp và nở hoa”, chỉnh trang khuôn viên 11 nhà văn hóa thôn “sạch - đẹp - nở hoa”; Đoàn thanh niên phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” với hoạt động bê tông hóa đường giao thông nông thôn, tuyến đường thanh niên tự quản “sáng - xanh - sạch - đẹp”; Hội Nông dân với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu;… Việc các tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều phong trào khác nhau đã góp sức lớn trong việc huy động được nhân dân tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM. 


Trong 10 năm UBND huyện Thường Tín đã phân bổ 998,6 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, bảo đảm nhu cầu học tập của con em trên địa bàn
Ảnh: Tường Vy

Đời sống người dân được cải thiện mạnh mẽ

So với các địa phương khác, Thường Tín có nhiều “thiệt thòi” khi bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp. Thời điểm năm 2010, bình quân tiêu chí NTM của các xã trên địa bàn huyện chỉ đạt và cơ bản đạt 8 tiêu chí; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; đời sống của nhân dân còn thấp; thu nhập bình quân chỉ đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12,5%.

Song, với nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn huyện, sau 10 năm, Thường Tín đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn huyện đã có 24/28 xã đạt chuẩn NTM. Trong năm 2019, huyện phấn đấu đưa 4 xã còn lại là Hòa Bình, Tiền Phong, Thư Phú và Lê Lợi đạt chuẩn, nâng tổng số xã hoàn thành xây dựng NTM lên 100%. Không chỉ đạt thành tích cao trong xây dựng NTM, đời sống người dân trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 47 triệu đồng/người/năm (tăng 3,4 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,02% (giảm 5.362 hộ so với năm 2010); 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Công tác giáo dục - đào tạo cũng như y tế được quan tâm và ngày càng bảo đảm nhu cầu cơ bản của người dân.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, như: Lúa hàng hóa tập trung; vùng sản xuất rau an toàn tại; vùng cây ăn quả; vùng nuôi trồng thủy sản... Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.

Không chỉ đời sống kinh tế được nâng lên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, tuyên truyền vào các ngày lễ, tết được kế thừa, duy trì tổ chức đều đặn, tạo sân chơi cho người dân sau những ngày làm việc mệt mỏi. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện đã có 147/165 làng được công nhận làng văn hóa, 100% tổ dân phố được công nhận tổ dân phố văn hóa.

Tiếp tục phát huy thành quả

Đánh giá về việc thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sau 10 năm triển khai chương trình, diện mạo nông thôn của huyện Thường Tín đã có sự bứt phá rõ nét. Từ hạ tầng từng bước đồng bộ đến sự tiến bộ trong sản xuất công - nông nghiệp, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đặc biệt hơn là tinh thần đoàn kết của người dân ngày càng được thắt chặt. Nền tảng đó là động lực để Thường Tín nỗ lực hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 của huyện Thường Tín vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị huyện tiếp tục phát huy thành quả trong xây dựng NTM, tập trung mọi nguồn lực để 28/28 xã đạt chuẩn NTM trong năm 2019, phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch hợp lý trong phát triển kinh tế, chú trọng tâm dụng và khai thác tốt hơn nữa thế mạnh, tiềm năng của địa phương, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp văn minh. Trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, huyện cần đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vốn vào làng nghề truyền thống để có những sản phẩm vươn tầm quốc tế. Làm được những điều này, kinh tế của huyện Thường Tín sẽ có sự bứt phá hơn nữa, từ đó, tạo động lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn.

ĐÀO CẢNH