Chức năng quyết định của HĐND tỉnh Thái Nguyên

- Thứ Sáu, 26/04/2013, 08:24 - Chia sẻ
Tham luận của ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN TRIỆU MINH THÁI tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ Tư

Nhiệm kỳ 2004-2011, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 20 kỳ họp, ban hành 187 nghị quyết, trong đó có 70 nghị quyết chuyên đề. Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 5 kỳ họp, ban hành 62 nghị quyết, trong đó có 21 nghị quyết chuyên đề. Việc kịp thời ban hành các nghị quyết đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Từ thực tế hoạt động, xin trao đổi về cách thức HĐND tỉnh thực hiện chức năng quyết định theo luật định:

Thứ nhất, HĐND tỉnh chú trọng lựa chọn những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, hoặc phải tháo gỡ khó khăn để ban hành nghị quyết chuyên đề. Hàng năm, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban MTTQ, UBND, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ ban hành chương trình xây dựng nghị quyết đối với những nội dung đáp ứng yêu cầu phát triển, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thứ hai, để ban hành được những nghị quyết chất lượng, hợp hiến, hợp pháp và có tính khả thi, công tác thẩm tra của các ban HĐND ngày càng được chú trọng và nâng cao chất lượng. Thường trực, lãnh đạo các ban HĐND tỉnh đã chủ động nghiên cứu, trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến ngay từ khi UBND tỉnh bàn, thảo luận về các nội dung dự kiến sẽ trình tại kỳ họp. Tài liệu phục vụ thẩm tra được gửi sớm đến thành viên các ban để giúp đại biểu tiếp cận thông tin; đồng thời phân công rõ trách nhiệm đối với thành viên của ban trong việc nghiên cứu sâu nội dung liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra. Điều này đã giúp cho thành viên các ban có đủ thời gian nghiên cứu các nội dung cần thẩm tra.

Trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra theo sự phân công của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh tổ chức họp nội bộ ban và tiến hành khảo sát thực tế để cùng nghiên cứu, đề xuất những nội dung cần trao đổi, thảo luận tại hội nghị thẩm tra chính thức. Từ cuộc họp nội bộ này sẽ giúp từng thành viên trong ban có nhìn nhận toàn diện, sâu sắc, đánh giá sự việc khách quan, sát tình hình hơn. Ngay sau hội nghị thẩm tra, các ban HĐND cũng phải tổ chức họp để thống nhất ý kiến và thông qua nội dung báo cáo thẩm tra. Do vậy, báo cáo thẩm tra của các ban làm rõ sự cần thiết, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của HĐND tỉnh trong việc thông qua các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình; kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết.

Thứ ba, HĐND tỉnh rất coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp từ các đối tượng chịu tác động của nghị quyết, đại diện các địa phương, các ngành, nhất là đối với những nghị quyết liên quan đến đời sống nhân dân, đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển của địa phương. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức nhiều buổi làm việc với các ngành, các địa phương để làm rõ căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn của các nội dung cần ban hành nghị quyết. Đồng thời, thu thập ý kiến đóng góp, phản hồi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc họp báo thường kỳ trước kỳ họp; qua các cuộc TXCT, tiếp công dân... Coi đây là một trong những kênh thông tin quan trọng để HĐND tỉnh ban hành được những nghị quyết chất lượng, sát cuộc sống.

Thứ tư, Thường trực, các ban HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng giám sát giữa hai kỳ họp. Thông qua giám sát đã khẳng định tính đúng đắn và sát thực tiễn của các chủ trương, chính sách đã ban hành; phát hiện những nhiệm vụ còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cũng như phát hiện những nội dung UBND tỉnh cần nghiên cứu, trình HĐND tỉnh quyết định.

Từ thực tiễn giám sát tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy tiến độ thực hiện chương trình chậm, chất lượng quy hoạch ở nhiều xã thấp. Một trong những nguyên nhân là đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, công tác khuyến nông ở cấp xã còn thiếu và yếu, việc bố trí sử dụng chưa hợp lý, hiệu quả công tác chưa cao, thậm chí có nơi chưa có cán bộ để tham mưu giúp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM. Do vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, bổ sung biên chế cán bộ làm công tác khuyến nông gắn với việc tham mưu, triển khai thực hiện chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xây dựng các quy định về hỗ trợ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng NTM trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Với những kiến nghị đó, UBND tỉnh đã tiếp thu nghiêm túc và triển khai kịp thời. Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh đã quyết định giao bổ sung 143 biên chế làm công tác khuyến nông tại các địa phương và ban hành Nghị quyết quy định về hỗ trợ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng NTM, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

Thứ năm, hoạt động thảo luận luôn được Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm và bản lĩnh của đại biểu. Những kỳ họp gần đây, các đại biểu đã thảo luận kỹ từng nghị quyết chuyên đề, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau được tách ra để bàn thảo, phân tích, xin ý kiến từng đại biểu bằng văn bản. Cách làm này đã nâng cao chất lượng các quyết sách của HĐND, nhiều nghị quyết chuyên đề đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực.

Thực tế, trên cơ sở phân tích, thảo luận của các đại biểu, HĐND tỉnh đã thống nhất không thông qua một phần nội dung quy định về diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất trong dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh. Giao cho UBND tỉnh rà soát, đánh giá, điều chỉnh diện tích đất 3 loại rừng trong Quy hoạch, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh để hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Tạo sự đồng thuận giữa các ý kiến khác nhau liên quan đến quy định mức thu học phí năm học 2012 - 2013 đối với một số vùng miền, Chủ tọa Kỳ họp đã tổ chức lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu. Kết quả, các đại biểu thống nhất với ý kiến thẩm tra, đề xuất của Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, giữ nguyên mức thu học phí của khu vực thị trấn và các xã nông thôn vùng trung du và các xã thị trấn còn lại như năm học 2011- 2012 (Chỉ tăng mức học phí tại các phường thuộc thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công) nhằm phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương.

Thứ sáu, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và cơ quan được phân công chuẩn bị tài liệu theo sát diễn biến kỳ họp, phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh để có sự điều chỉnh các nội dung theo ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh đã được Chủ tọa kỳ họp tiếp thu. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trình dự thảo nghị quyết trực tiếp chỉnh sửa, bổ sung bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định trước khi HĐND quyết định.