Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát công tác chuẩn bị bệnh viện dã chiến

Chuẩn bị tốt nhất cho các phương án

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 01:08 - Chia sẻ
Khảo sát công tác chuẩn bị triển khai bệnh viện dã chiến trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các phương án trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Địa điểm tại Thạch Thất mới chỉ đáp ứng về “bộ khung”; với khu cách ly ở Sơn Tây, cần tính phương án có thể chia nơi này làm một phần đáp ứng nhu cầu cách ly, một phần dành làm bệnh viện dã chiến. Đồng thời, cần tính toán bộ khung cán bộ nhân viên y tế để bảo đảm sức khỏe trong điều kiện dịch sẽ kéo dài.

Tính toán phương án hợp lý bảo đảm hiệu quả

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã khảo sát, thống nhất chọn Trường Quân sự thị xã Sơn Tây (hiện là khu cách ly tập trung cho các bệnh nhân liên quan đến Covid-19) và Trung tâm Sát hạch lái xe tại huyện Thạch Thất xây dựng bệnh viện dã chiến, với quy mô mỗi bệnh viện 600 giường và có thể nâng lên 1.000 giường khi cần thiết; có chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị, cách ly cho các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Nhân lực chủ chốt cho các bệnh viện dã chiến dự kiến được lấy từ các bệnh viện đa khoa. Ngành y tế đã làm việc với các nhà cung ứng, sẵn sàng cung cấp các trang, thiết bị cần thiết để bảo đảm phục vụ nhanh nhất khi có lệnh của thành phố chuyển trạng thái các cơ sở này thành bệnh viện dã chiến. Sở cũng đã tham khảo các ý kiến các chuyên gia để triển khai bệnh viện dã chiến nhanh nhất khi thành phố có yêu cầu. Dự kiến chi phí cho các hạng mục bệnh viện dã chiến số 2 khoảng 512,5 tỷ đồng.


Thường trực HĐND TP Hà Nội khảo sát tại Trạm Y tế phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây
Ảnh: Khánh Duy

Cục trưởng Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đại tá Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Để đáp ứng lập bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Sát hạch lái xe (huyện Thạch Thất), cần lắp đặt ngay các trang thiết bị cần thiết, vì hiện cơ sở vật chất ở đây mới chỉ có các khu nhà, chưa có điều kiện gì đáp ứng phục vụ nhu cầu ngủ nghỉ, ăn uống cho bệnh nhân và các bác sĩ, nhân viên. Bộ Tư lệnh sẽ có báo cáo bằng văn bản, khi thành phố chính thức quyết định lấy địa điểm này lập bệnh viện dã chiến sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan triển khai, sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Khảo sát tại Trung tâm Sát hạch lái xe (huyện Thạch Thất), Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, Trung tâm nằm xa khu dân cư, môi trường sạch sẽ đáp ứng điều kiện thành lập bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, cần tăng cường rất nhiều cơ sở vật chất. “Mặc dù ngành y tế và các cơ quan chức năng của thành phố đã xây dựng kịch bản rất chi tiết để thành lập 2 bệnh viện dã chiến, song địa điểm tại Thạch Thất mới chỉ đáp ứng về “bộ khung”; trong khi đã là bệnh viện dã chiến thì phải bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị chứ không chỉ cách ly” - Phó Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.

Với khu cách ly ở Sơn Tây đang tiếp nhận hơn 700 bệnh nhân, Phó Chủ tịch HĐND thành phố lưu ý: Đây cũng mới chỉ là khu cách ly cho các trường hợp F2, F3, Sở Y tế và Bộ Tư lệnh Thủ đô cần tính phương án có thể chia nơi này làm một phần đáp ứng nhu cầu cách ly, một phần dành làm bệnh viện dã chiến. Thành phố luôn sẵn sàng về kinh phí nhưng cần tính toán phương án hợp lý bảo đảm hiệu quả. Đồng thời, cần tính toán bộ khung cán bộ nhân viên y tế đang phục vụ ở khu cách ly Sơn Tây có cần thay đổi hay bổ sung, để bảo đảm sức khỏe trong điều kiện dịch sẽ kéo dài; có phương án điều tiết bệnh nhân từ các bệnh viện trung tâm thành phố cho hài hòa, tránh để một bệnh viện quá đông. Đoàn công tác sẽ tổng hợp các ý kiến đề xuất cụ thể của ngành y tế và Bộ Tư lệnh Thủ đô để cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố có quyết định chính thức.

Nêu cao vai trò tổ trưởng dân phố trong tuyên truyền, vận động

Bên cạnh các phương án chuẩn bị cho việc cách ly, chữa trị khi có tình huống đặt ra, Đoàn giám sát đã khảo sát tại Trạm Y tế phường Viên Sơn và siêu thị Lan Chi trên địa bàn thị xã Sơn Tây về việc chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Theo Phó Giám đốc Công ty Lan Chi Lê Hồng Hải: Vừa qua, khi trên địa bàn xuất hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19, nhận thức được tình trạng phức tạp của dịch bệnh, Công ty đã trực tiếp hướng dẫn nhân viên trong siêu thị các phương pháp phòng, chống dịch và được tuyên truyền cả với người đến mua hàng. Người mua hàng được đo thân nhiệt và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào siêu thị. Lãnh đạo, ngành y tế thị xã thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng chống dịch của công ty. Đồng hành cùng người dân chống dịch, Công ty Lan Chi cam kết không tăng giá, thậm chí có mặt hàng giảm giá nhằm hỗ trợ người dân.

Trạm Y tế phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây có 7 cán bộ y tế, túc trực 24/24 giờ. Trạm có hai phòng khám bệnh và cách ly, khi có tình huống đặt ra sẽ thăm khám ban đầu, cách ly ngay tại cơ sở nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng khi có trường hợp nghi nhiễm. Mặc dù những ngày này rất vất vả nhưng các cán bộ, y tế luôn trong tư thế sẵn sàng khi có tình huống.

Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong việc phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến phường, xã không chủ quan; cần bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương và thành phố, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và nâng cao ý thức tự giác, chủ động khai báo khi bản thân hoặc người xung quanh có biểu hiện nghi nhiễm, góp phần cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh. Đặc biệt, chính quyền cần nêu cao hơn vai trò của tổ trưởng dân phố trong công tác tuyên truyền, vận động người dân; cùng doanh nghiệp đồng hành, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.

KHÁNH DUY