Trò chuyện đầu tuần

Chuẩn bị kỹ khi “đổi vai”

- Thứ Hai, 09/09/2019, 08:05 - Chia sẻ
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề xuất chuyển việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan trình. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật BÙI VĂN XUYỀN cho rằng, sự “đổi vai” này sẽ mang lại những tác động tốt cho công tác xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật, song cần chú ý chuẩn bị các điều kiện thực hiện.

Không phải nhiệm vụ mới

- Ông suy nghĩ như thế nào về đề xuất chuyển cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết (dự thảo luật) từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan trình?

- Đây là sửa đổi trọng tâm tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nhưng không phải vấn đề mới hay nhiệm vụ mới với cơ quan trình. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật thuộc cơ quan trình. Cơ quan, tổ chức hay ĐBQH trình dự án luật (cơ quan trình) phải chịu trách nhiệm tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu nếu hợp lý. Cơ quan trình phải lập báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Cơ quan thẩm tra đóng vai trò cơ quan phản biện.

Nhưng sau một thời gian triển khai Luật năm 1996 nổi lên vấn đề, cơ quan tiến hành thẩm tra có sự không thống nhất quan điểm với cơ quan trình dự án luật, nên đến khi tiếp thu, chỉnh lý gặp khó khăn. Lúc này, UBTVQH đứng ra quyết định vấn đề nếu hai bên không thống nhất, thậm chí có trường hợp phải đưa ra QH quyết định. Thực hiện quy định này làm kéo dài thời gian tiếp thu, chỉnh lý, qua đó gây mất nhiều thời gian để xem xét, thông qua một dự án luật.

Do vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 sửa đổi theo hướng cơ quan chủ trì thẩm tra giúp UBTVQH tiến hành tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Song, cơ quan trình vẫn có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan thẩm tra để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng vẫn giữ quy định nếu Chính phủ không đồng ý với cơ quan chủ trì thẩm tra giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý sẽ được quyền bảo lưu quan điểm của mình.

- Qua thực tế triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho thấy những tác động nào từ việc đổi cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật?

- Quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có điểm thuận và không thuận khi đưa vào triển khai. Cơ quan chủ trì thẩm tra thực hiện phản biện, tiếp thu, chỉnh lý đã giúp nâng cao chất lượng dự án luật và bảo đảm tiến độ, thời gian trình ra QH xem xét thông qua. Nhưng có điểm không thuận khi trình ra QH phải bổ sung nhiều chính sách mới. Khi đó, cơ quan chủ trì thẩm tra giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sẽ phải tiến hành quy trình đánh giá chính sách, đánh giá tác động… để bảo đảm tính khả thi của quy định pháp luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra gặp nhiều khó khăn khi thực hiện công tác này, vì không làm trong thực tiễn nên đánh giá chính sách khó, nhất là với những luật có phạm vi ảnh hưởng rộng. 

Do vậy, tôi tán thành với việc “đổi vai” cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Cơ quan trình hơn ai hết là người biết cần phải xây dựng chính sách như thế nào, chính sách đó có nội dung ra sao và điều chỉnh như thế nào là hiệu quả nhất. Cơ quan trình cũng có trách nhiệm giải trình, làm rõ về những vấn đề được ĐBQH, các cơ quan của QH đưa ra. Việc thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, thảo luận của ĐBQH phải là hoạt động phân tích, tranh luận, phản biện đối với các chính sách, vấn đề trong dự thảo luật.


Ảnh: Quang Khánh

Khi thực hiện đổi vai, Bộ trưởng chắc chắn phải ngồi ở phiên họp của UBTVQH, không thể để Thứ trưởng đi thay trong một số trường hợp bất khả kháng như hiện nay. Bộ trưởng sẽ phải phát biểu, đưa ra lập luận bảo vệ phương án do cơ quan trình đưa ra trước UBTVQH. Điều này là một ví dụ nữa cho thấy tác động tích cực của việc “đổi vai” cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, các cơ quan cũng cần chuẩn bị tâm lý khi tỷ lệ ĐBQH đồng tình thông qua luật khó đạt tỷ lệ cao - là hiện tượng từng xảy ra khi thực hiện Luật Ban hành văn bản quy pham pháp luật năm 1996. Thậm chí, nếu dự án luật có chất lượng không tốt có thể “đổ” khi trình ra QH, vì lập luận của một số ĐBQH, phản biện của cơ quan chủ trì thẩm tra có tính thuyết phục cao hơn quan điểm của cơ quan trình.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền

Phải sửa đổi nhiều điều, khoản

- Khi chuyển cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan trình sẽ phải thay đổi quy trình, thủ tục thực hiện các khâu trong quá trình này, thưa ông?

- Đúng vậy, khi đặt vấn đề cơ quan trình phải theo đến cùng, báo cáo trước QH, giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sẽ kéo theo phải sửa đổi quy trình, cách thức tổ chức công việc của các cơ quan, không chỉ ở nội dung của Điều 74, 75, 76 và 77 tại luật hiện hành. Và cũng không chỉ có một câu chuyện khi cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình không thống nhất với nhau sẽ trình ra UBTVQH quyết định. Từ việc cơ quan trình sẽ tiếp thu, chỉnh lý như thế nào các ý kiến của ĐBQH, đến việc tổng hợp ý kiến của đại biểu, cơ quan chủ trì thẩm tra. Đồng thời, với trường hợp hai cơ quan không thống nhất những nội dung lớn, phải trình ra UBTVQH quyết định, thậm chí trình ra QH quyết định cũng phải quy định quy trình thực hiện cụ thể. Nói cách khác, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định về quy trình, thực hiện, không thể chỉ dừng ở quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra, Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH như tại dự án Luật hiện nay.

- Nói các khác, khi kiến nghị “đổi vai”, với tư cách chủ thể có nhiều đề xuất xây dựng luật chủ yếu hiện nay, Chính phủ sẽ phải chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện?

- Những tình huống tôi đưa ra ở trên mới dừng lại ở giả thuyết, trong thực tiễn có thể không phức tạp như vậy. Nhưng theo phản ánh của những ĐBQH, chuyên viên từng tham gia công tác này trong giai đoạn thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, đó là những việc từng xảy ra trong thực tế. Khi đó đã xảy ra hiện tượng đập bàn, đập ghế trong phiên họp. Các cơ quan họp với nhau cả ngày, cả đêm mới đi đến sự thống nhất.

Điều tôi quan tâm khi tiến hành “đổi vai” cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật là bộ trưởng, tư lệnh ngành sẽ phải quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật. Ngoài ra, khi tư lệnh ngành đứng lên bảo vệ quan điểm của cơ quan trình trước QH sẽ phần nào thể hiện rõ năng lực của cán bộ. Các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo dự án luật chắc chắn cũng sẽ phải dành nhiều thời gian, công sức hơn. Thực tế, khi tiến hành giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, các cơ quan của QH phải làm việc rất nhiều, vì phải tiếp thu, giải trình hết các ý kiến của ĐBQH được đưa ra trong thảo luận tại tổ, trên hội trường. Ý kiến nào tiếp thu toàn bộ, tiếp thu một phần hay không tiếp thu đều phải đưa ra lập luận để thuyết phục ĐBQH. Do vậy, cơ qua trình triển khai chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sẽ phải bổ sung nhân lực thực hiện công tác, nhất là các cá nhân có kiến thức pháp luật, am hiểu kỹ năng lập pháp.

- Xin cám ơn ông!

Thanh Hải thực hiện