Sổ tay:

Chuẩn bị điều kiện cần thiết

- Thứ Tư, 05/08/2020, 08:24 - Chia sẻ
Để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định, Luật Giám định tư pháp sửa đổi đã bổ sung quy định về “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao” tại Khoản 5, Điều 12. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, được bổ sung vào hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự.

Theo đó, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thực hiện việc giám định âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Như vậy, phạm vi giám định của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hẹp hơn so với Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an và Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, Phòng Giám định hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao không chỉ phục vụ cho hoạt động điều tra của cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hỗ trợ cho Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát, điều tra, truy tố, xét xử mà còn thực việc trưng cầu giám định cho các tổ chức khác khi thấy việc giám định không khách quan.

Có thể thấy, Phòng Giám định hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi hoạt động sẽ góp phần phục vụ tốt hơn cho hoạt động tư pháp, phù hợp với sự phát triển công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay và tiệm cận với trình độ điều tra của thế giới. Bởi lẽ, hiện nay các hoạt động của người dân đều được thể hiện rất nhiều liên quan đến dữ liệu điện tử. Đáng lưu ý, không những trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính mà còn rất nhiều lĩnh vực khác các tội phạm cũng thường để lại chứng cứ trên các dữ liệu điện tử.

Liên quan đến việc kết quả giám định của các tổ chức giám định khác nhau, hiện nay kết luận giám định có thể được xem là một trong những chứng cứ của vụ án và sẽ được sử dụng làm chứng cứ nếu nó phù hợp với các chứng cứ khác có trong vụ án đó. Vì vậy, nếu kết luận của cơ quan giám định tư pháp nào bảo đảm được sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp với các chứng cứ khác có trong vụ án và có giá trị chứng minh thì sẽ được sử dụng làm chứng cứ của vụ án đó.

Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua, để Phòng Giám định kỹ thuật hình sự đi vào hoạt động, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã và đang triển khai nhiều hoạt động từ chuẩn bị điều kiện thành lập đến tổ chức, bộ máy. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự đang được gấp rút xây dựng; công tác chuẩn bị trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chú trọng. Đặc biệt, công tác nhân sự cũng được quan tâm, bởi đây là nhân tố quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện Luật.

Hiện, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có các cán bộ thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật hình sự có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về điều tra hình sự được đào tạo cơ bản về kỹ thuật hình sự như thu thập, phân tích, trích xuất, bảo quản phương tiện dữ liệu điện tử... Thời gian tới, để bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sẽ cử cán bộ có năng lực đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự tại các nước đi đầu trong công tác giám định, điều tra kỹ thuật số như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hungary...; đồng thời, có thể tiếp nhận nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ các ngành công an, quân đội. 

Nguyễn Ngân