Công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026

Chuẩn bị chu đáo, bài bản

- Thứ Hai, 30/09/2019, 08:08 - Chia sẻ
Để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, để đại biểu HĐND làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Ngay từ bây giờ, việc tìm hiểu, quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cần phải được chuẩn bị chu đáo, bài bản. Bởi đại biểu dân cử không chỉ có đủ các yêu cầu về đạo đức, trình độ, độ tuổi, năng lực... mà còn rất cần có tâm huyết, bản lĩnh, có phương pháp hoạt động khoa học.

Chưa thực sự hiểu đúng trách nhiệm của mình

Nhiệm kỳ HĐND các cấp đã đi quá nửa con đường, không thể phủ nhận chất lượng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 đã được nâng lên về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và cơ cấu đại biểu khá hợp lý... Những điều này đã góp phần không nhỏ giúp chất lượng hoạt động của HĐND ngày càng được nâng lên, quyền lực của HĐND cũng được khẳng định ngày càng vững chắc hơn. Qua đó, ngày càng bảo đảm và phát huy tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của cử tri và nhân dân.

Tuy nhiên, qua trao đổi với những người đang hoạt động ở Thường trực HĐND huyện, xã trên địa bàn, chất lượng đại biểu HĐND vẫn chưa được như kỳ vọng, không ít đại biểu HĐND chưa thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri. Nhiều đại biểu HĐND ngại TXCT, ngại nói trước đám đông, ngại tham gia chất vấn, chưa thực sự tâm huyết với nhiệm vụ... Đây cũng là những hạn chế mà nhiều nhiệm kỳ qua chưa khắc phục được.

Chúng ta đều biết: Đại biểu HĐND là thành viên trong cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, họ có vai trò quan trọng trong việc tham gia quyết định các biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, quyết định các biện pháp xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng chính quyền ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, họ còn tham gia giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND và các cơ quan nhà nước cấp trên. Đây là hai chức năng cơ bản, quan trọng khẳng định vai trò quyền lực của HĐND các cấp. Để làm tốt hai chức năng này, ngoài trình độ chuyên môn và trình độ học vấn, đại biểu HĐND còn rất cần am hiểu vai trò của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và phải có bản lĩnh của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Tuy nhiên hiện nay, một số đại biểu vẫn chưa thực sự hiểu đúng vai trò của mình. Điều này dẫn đến thực tế tại một số cơ sở, nơi đại biểu sinh sống và công tác, hành vi vi phạm pháp luật diễn ra, dân biết, cử tri biết, nhưng đại biểu hình như không biết... Thậm chí, tại các cuộc TXCT, dân phản ánh nhiều lần nhưng vẫn không được đại biểu dân cử quan tâm để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan liên quan giải quyết... Một số đại biểu thờ ơ với trách nhiệm của mình, vai trò là đại biểu HĐND mờ nhạt, ít được cử tri tin tưởng. Bên cạnh đó, bản lĩnh đại biểu HĐND còn hạn chế. Điều này thể hiện rất rõ trong quá trình tham gia giám sát tại kỳ họp.


Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh
Ảnh: Hồng Chính

Vai trò quyền lực của HĐND bị xem nhẹ

Điều làm nên thành công của kỳ họp là tổ chức tốt phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu chất vấn, tranh luận đến cùng với các cơ quan nhà nước, với chính quyền địa phương để bảo đảm Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND được thực thi tốt. Tại đây, kết quả thực hiện nghị quyết HĐND các cấp, những ưu điểm, hạn chế cũng như nguyên nhân rất cần được đưa ra phân tích, mổ xẻ kỹ, rút ra bài học cho việc thực hiện các mục tiêu tiếp theo. Các chỉ tiêu cũng như các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… cần được cân nhắc, thảo luận để nghị quyết được thông qua phù hợp với tình hình địa phương, đáp ứng nguyện vọng nhân dân, có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, đại biểu HĐND muốn chất vấn các cơ quan nhà nước hay chính quyền về các lĩnh vực liên quan thì phải nắm chắc, hiểu chắc vấn đề mình quan tâm, hiểu được việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ ấy ở cơ sở như thế nào, hiểu tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của cử tri, hiểu cử tri mong muốn điều gì. Đồng thời, đại biểu cũng cần suy nghĩ, hiến kế để cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung... vào nghị quyết.

Đại biểu cũng cần biết chọn được những vấn đề trọng tâm, liên quan đến quyền và lợi ích sát sườn, chính đáng của người dân, cũng như những tiêu cực ảnh hưởng lớn đến việc thực thi Hiến pháp, pháp luật ở cơ sở để chất vấn... Có như vậy, đại biểu HĐND mới thể hiện được trình độ, bản lĩnh, tâm và tầm của mình. Mỗi một đại biểu làm được điều đó, vai trò của HĐND mới được đề cao.

Đáng tiếc là hiện nay, một số đại biểu chưa làm được điều này. Một số đại biểu HĐND do chưa hiểu rõ vai trò của mình nên coi nhẹ việc TXCT, coi việc giám sát, thẩm tra báo cáo trước, trong và sau kỳ họp, cũng như hoạt động chất vấn tại kỳ họp là việc của Thường trực HĐND và các Ban HĐND. Một số địa phương, vẫn còn đại biểu đi họp mà không đem đến kỳ họp tiếng nói, quan điểm, nguyện vọng của cử tri, không thể hiện chính kiến cá nhân trước bất cứ nội dung nào mà kỳ họp đề cập đến... Điều này dẫn đến kỳ họp nhiều khi diễn ra hình thức, vai trò quyền lực của HĐND các cấp, nhất là cấp huyện, xã bị xem nhẹ.

Vậy nên, để đại biểu HĐND làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Ngay từ bây giờ, việc tìm hiểu, quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cần phải được chuẩn bị chu đáo, bài bản. Bởi đại biểu dân cử không chỉ có đủ các yêu cầu về đạo đức, trình độ, độ tuổi, năng lực... mà còn rất cần có tâm huyết, có bản lĩnh, có phương pháp hoạt động một cách bài bản, khoa học. Hy vọng nhiệm kỳ tới, chất lượng đại biểu HĐND sẽ tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu nâng cao vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Luyện Thị Hạnh - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Lục Nam, Bắc Giang