Kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Chưa tương xứng với tiềm năng

- Chủ Nhật, 21/07/2019, 08:01 - Chia sẻ
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về phát triển kinh tế tập thể, bức tranh kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã có sự phát triển cả về lượng và chất, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn gặp khó khăn về vốn, đất đai và tiếp cận thị trường. Nhiều HTX trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”.

55% hợp tác xã hoạt động hiệu quả

Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong nông nghiệp diễn ra ngày 20.7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong phát triển của kinh tế tập thể và HTX thời gian qua. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX, kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới.

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN - PTNT), tính đến hết tháng 6.2019, cả nước đã có 14.502 HTX nông nghiệp (chiếm 63% tổng số HTX cả nước). Trong đó có 55% tổng số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Tốc độ tăng các HTX kiểu mới rất nhanh. Doanh thu trung bình của các HTX đạt trên 1,6 tỷ đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 203 triệu đồng/năm. Các HTX nông nghiệp đang tạo việc làm cho gần 3,8 triệu lao động, với mức tăng thu nhập ước tính khoảng 14%. Đáng chú ý, số thành viên HTX là doanh nghiệp (pháp nhân) đã tăng lên 543 doanh nghiệp. Mô hình hoạt động của các HTX ngày một đa dạng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và thị trường. Nhiều HTX đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất với chế biến, tiên thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù đã có sự cải thiện về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. Chính sách hỗ trợ HTX ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện. Rất ít các HTX tiếp cận được các chính sách như hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống đánh giá, kinh tế tập thể trong nông nghiệp, HTX vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Phần lớn HTX nông nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ”, mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế nêu trên phần lớn là do việc nhận thức về vai trò, giá trị và bản chất của mô hình HTX kiểu mới một số nơi còn chưa thống nhất, dẫn đến công tác quản lý, ban hành cơ chế, chính sách, tư vấn, hỗ trợ chưa có trọng tâm, chưa đúng và chưa đi vào cuộc sống của các HTX và người dân. Hơn nữa, do tâm lý mặc cảm về mô hình hợp tác xã thời bao cấp còn nặng nề, trong khi số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên, cộng đồng chưa nhiều. Người dân chưa thực sự tin vào HTX, chưa tích cực tham gia, hợp tác với hợp tác xã để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hợp tác xã kiểu mới phải gắn với công nghệ cao

Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng kiến nghị, các bộ, ngành, Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn, tăng cường nguồn vốn cho tỉnh để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá nông sản an toàn. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần tập trung phát triển các HTX nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại để áp dụng tối đa lợi thế của hội nhập quốc tế và ưu thế của cuộc Cách mạng 4.0. Từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ cho khu vực HTX từ chỗ nặng về hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất sang hỗ trợ về nhận thức, về định hướng, về cách thức làm ăn, tạo sự chủ động, tích cực cho các HTX nông nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở đâu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quyết tâm, hệ thống chính trị vào cuộc ở đó phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã đạt được kết quả rõ nét. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân và chính quyền các cấp về kinh tế tập thể, HTX. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có, ban hành các chính sách mới phù hợp với thực tế, khuyến khích hỗ trợ phát triển HTX. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã. Nghiên cứu bố trí nguồn vốn riêng để thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Ngân hàng Nhà nước rà soát, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.


Sản xuất gạch tuynel tại Hương Khê, Hà Tĩnh  
Nguồn: ITN

Đối với các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách của Chính phủ. Đặc biệt là các nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung nghiên cứu xây dựng các nội dung phát triển kinh tế tập thể, HTX phù hợp với yêu cầu và điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ, thành viên của HTX. Tiếp tục thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc cho HTX. Thành lập các nhóm chuyên gia để hỗ trợ, tư vấn cho các HTX nông nghiệp.

Đối với các bộ ngành, địa phương, cần tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và thị trường để hỗ trợ các mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Trợ giúp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các HTX nông nghiệp. Xây dựng các mô hình HTX kiểu mới ứng dụng Công nghiệp 4.0 trong quản lý và sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ.

Bài và ảnh: An Thiện