Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Chưa thực sự bức thiết

- Thứ Hai, 22/07/2019, 07:39 - Chia sẻ
Từng tham gia thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2010, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khóa XII, XIII LÊ BỘ LĨNH cho biết, trong bối cảnh hiện nay, dự án vẫn chưa thực sự bức thiết đến mức buộc chúng ta phải hy sinh các dự án khác để tập trung đầu tư cho đường sắt tốc độ cao. Hơn nữa, dù được thiết kế với tốc độ 350km/h, dự án này vẫn rất khó để cạnh tranh hành khách với hàng không. Việc Bộ Giao thông - Vận tải chưa cân nhắc sự vào cuộc của ngành đường sắt đối với vận chuyển hàng hóa cũng là thiếu sót lớn.

Rất đáng quan ngại

- Thưa ông, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã từng được Chính phủ trình QH Khóa XII, nhưng chưa được thông qua. Đến nay, Chính phủ tiếp tục dự kiến sẽ trình QH xem xét, cho ý kiến về dự án tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2019). Là người từng tham gia thẩm tra dự án này, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Năm 2010, QH Khóa XII không thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với lý do tổng mức đầu tư quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Lúc bấy giờ, công nghệ tiên tiến này còn quá mới mẻ so với thực trạng ngành đường sắt và công nghiệp đường sắt nước ta.


Đến nay, sau gần 10 năm, cá nhân tôi cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chuyên vận chuyển hành khách như đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải vẫn chưa thực sự khả thi. Với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng dựa trên vay nợ, thì con số này rất đáng quan ngại. Ngành đường sắt vẫn còn lạc hậu, thậm chí, chúng ta còn chưa chuẩn bị gì cho công nghệ đường sắt cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hơn nữa, dự án này cũng chưa thực sự cấp bách đến mức chúng ta buộc phải hy sinh các dự án khác để tập trung đầu tư cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

- Theo ông, lý do nào khiến Bộ Giao thông - Vận tải vẫn kiên trì quan điểm đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?

- Khi chưa thông qua dự án đường sắt này, QH Khóa XII có đặt ra yêu cầu nâng cấp tuyến đường sắt hiện nay, nhằm tăng khả năng vận tải hàng hóa và vận tải hành khách ở tốc độ trung bình. Tuy nhiên, phương án mà Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất, chỉ vận tải hành khách với tốc độ thiết kế 350km/h. Nhìn vào thực tế, vận tải hành khách tốc độ nhanh không phải là vấn đề vướng mắc ở nước ta. Đường sắt tốc độ cao e rằng khó cạnh tranh được với hàng không; nhu cầu hành khách được vận tải bằng đường sắt tốc độ cao trên toàn tuyến Bắc - Nam cũng chưa phải là lớn và bức thiết.

Trong khi đó, vận tải hàng hóa hiện mới là vấn đề cần cải thiện. Vận tải container đường dài của nước ta còn rất yếu kém. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của nền kinh tế nước ta chiếm 21% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực là Thái Lan, Malaysia; cao gấp hơn 5 lần các nước phát triển Nhật Bản, Mỹ, Canada (chi phí logistics chỉ chiếm khoảng 4% GDP). Chi phí logistics nước ta cao là năng lực vận tải đặc biệt trên trục Bắc - Nam đang có sự mất cân đối lớn (đường bộ chiếm 71% khách và 59% hàng; đường thủy 40% hàng; đường sắt khoảng 6% khách và 1,4% hàng). Xu hướng vận tải hàng hóa đường sắt cũng luôn giữ vai trò chủ đạo tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Vậy thì, ách tắc của chúng ta là đưa ngành đường sắt tham gia vào chuỗi giá trị logistics. Giảm chi phí logistics thì năng suất lao động mới được cải thiện. Cứ vận chuyển mãi container bằng đường bộ vừa gây tắc nghẽn giao thông, phá nát hệ thống đường bộ hiện hành. Phân tích đó để thấy, khi lựa chọn đầu tư đường sắt nên chú trọng giải bài toán vận tải hàng hóa.

Tàu Shinkansen của Nhật Bản Nguồn: ITN

Tính đến yếu tố thu hồi vốn và khả năng khai thác

- Vậy phương án của cơ quan được Chính phủ giao thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, có phải là phương án tối ưu hơn, khi cho rằng, chỉ nên khai thác đường sắt tốc độ cao với vận tốc 200km/h, vừa vận chuyển hàng hóa, vừa vận chuyển hành khách; tổng mức đầu tư theo đó cũng giảm, chỉ còn khoảng 26 tỷ đồng, thưa ông?

- Phương án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phù hợp hơn về mặt công nghệ, khả năng đầu tư và có thể giải quyết được điểm nghẽn trong vận tải. Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án nào cũng phải tính thêm yếu tố đội vốn. Bởi lẽ giải phóng mặt bằng ở nước ta chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Chưa kể câu chuyện lựa chọn làm đường ray trên cao hay dưới mặt đất. Việc huy động vốn đầu tư của tư nhân đối với dự án này cũng sẽ rất khó khăn; bất cứ nhà đầu tư nào cũng sẽ phải tính đến yếu tố thu hồi vốn, khả năng khách hàng sử dụng dịch vụ đường sắt tốc độ cao.

- Cuối tuần qua, tại Hội thảo giải pháp công nghệ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhiều đại biểu có khuyến nghị, xây dựng dự án này cần gắn với phát triển công nghệ đường sắt. Ông có đồng tình với khuyến nghị này?

- Ngành đường sắt đang và rất cần một chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn. Tôi nhắc lại, chỉ chọn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chưa thể giải quyết toàn bộ vấn đề của giao thông đường sắt nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung. Nhưng, chúng ta cũng chưa thể nâng cấp toàn bộ hệ thống đường sắt ngay. Cho nên tôi rất đồng tình với ý kiến các đại biểu đó là, dù là đầu tư trong trường hợp nào cũng phải quan tâm đến công nghệ đường sắt.

Bất cứ phương án nào đưa ra cũng phải xét đến yếu tố chúng ta có làm chủ được công nghệ hay không? Dự án này có gắn với sự phát triển của công nghệ đường sắt. Hiện nay, rất đáng buồn khi công nghiệp đường sắt còn èo uột, đội ngũ nhân lực thiếu và yếu, vận tải giảm khiến công nghệ đường sắt chết theo. Đầu tư cho đường sắt là hướng đi đúng đắn, để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước. Quan trọng là đầu tư có thực sự hiệu quả hay không.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện