Diễn đàn Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội - những vấn đề đặt ra

Chưa rõ địa vị pháp lý của Ủy viên chuyên trách

- Thứ Năm, 13/02/2020, 10:44 - Chia sẻ
Một vấn đề cần được quan tâm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là địa vị pháp lý của Ủy viên chuyên trách. Hiện nay, Hội đồng Dân tộc có một đồng chí là Ủy viên chuyên trách nhưng địa vị pháp lý chưa rõ ràng, còn chông chênh.

Đông nhưng có thể không tinh

Tại phiên họp trước của Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có ý kiến đề xuất đổi tên gọi Hội đồng Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc để đồng bộ với các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị giữ nguyên tên gọi hiện nay để không nhầm lẫn với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. Mặt khác, nếu sửa đổi tên gọi Hội đồng Dân tộc sẽ phải sửa đổi Hiến pháp, các luật liên quan. Trong 30 năm qua, việc sử dụng tên gọi Hội đồng Dân tộc cũng không có vướng mắc gì.


Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Điều 30, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định các ĐBQH có quyền là thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Theo đó, sau khi nhận được đăng ký là thành viên của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc có đa số thành viên là nữ, 2/3 thành viên được cơ cấu không giữ chức danh quản lý ở cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Điều kiện hoạt động của các thành viên Hội đồng Dân tộc cũng ảnh hưởng. Quy định của Luật hiện hành phù hợp với các Ủy ban của Quốc hội nhưng với Hội đồng Dân tộc, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không điều phối, chỉ dựa theo đăng ký của đại biểu Quốc hội thì đa số các tỉnh, thành phố sẽ cơ cấu nữ, ngoài đảng, trẻ, người dân tộc thiểu số đều cử đăng ký làm thành viên Hội đồng Dân tộc. Điều này khiến số lượng thành viên của Hội đồng Dân tộc tuy đông nhưng chất lượng hoạt động lại bị ảnh hưởng.

Một vấn đề cũng cần được quan tâm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là địa vị pháp lý của Ủy viên chuyên trách. Hiện nay, Hội đồng Dân tộc có một đồng chí là Ủy viên chuyên trách, nhưng địa vị pháp lý chưa rõ ràng, còn chông chênh. Đơn cử như khi họp Thường trực Hội đồng Dân tộc có nội dung Ủy viên chuyên trách tham dự nhưng có nội dung không tham dự và cũng không tham gia biểu quyết vì theo Luật hiện hành thì cơ cấu Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban của Quốc hội chỉ gồm: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Thường trực. Tôi cho là không phù hợp, thậm chí, Ủy viên chuyên trách như vậy còn không bằng Vụ trưởng. Bất cập của chức danh này đã thấy rõ, cần xem xét lại việc quy định chức danh Ủy viên chuyên trách trong cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội. Theo tôi, khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, cần quy định rõ cơ cấu tổ chức Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chỉ gồm các chức danh: Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực và các Ủy viên khác.

Nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn đại biểu

Luật Tổ chức Quốc hội, các luật liên quan hiện nay đã đưa ra quy định tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội. Theo đó, tùy vào từng thời kỳ sẽ xây dựng đề án bầu cử, phân bổ cơ cấu cụ thể để phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu phân bổ theo tính đại diện về dân tộc sẽ không thể chọn được người thực sự tiêu biểu trong một dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội. 14 nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua vẫn còn 4 dân tộc chưa có đại diện tham gia Quốc hội. Nếu cứ phân bổ mỗi tỉnh phải có một đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số nhất định sẽ buộc địa phương phải tìm ứng cử viên của dân tộc đó dù có thể không đáp ứng yêu cầu về chất lượng để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Vừa qua, tôi được biết, một số địa phương đề nghị để địa phương tự lựa chọn ứng cử viên đại diện cho cơ cấu dân tộc thiểu số, vì nếu ấn định đại diện của dân tộc thiểu số nào kèm theo các tiêu chí khác là nữ giới, trẻ tuổi, ngoài đảng… thì tiêu chuẩn, chất lượng người được lựa chọn sẽ không bảo đảm. Tôi cho rằng, Quốc hội phải bảo đảm tính đại diện nhưng cũng không nên quá nặng về cơ cấu vì sẽ khó bảo đảm chất lượng.

Cũng liên quan đến tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, vừa qua, một số ý kiến đề nghị phải quy định cụ thể hơn nữa nhưng thực tế cũng không dễ quy định rõ được thế nào là có năng lực tranh luận, phản biện, tiến hành giám sát… Các yêu cầu này đưa vào đề án bầu cử sẽ phù hợp hơn. Một số ý kiến đề cập câu chuyện cơ cấu các nguyên cán bộ, nguyên đại biểu Quốc hội để giới thiệu tham gia Quốc hội nhưng cũng không thể bỏ qua các quy định về công tác cán bộ của Đảng. Chúng ta mong muốn như vậy nhưng việc quy định tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội cũng cần nghiên cứu kỹ các quy định liên quan.

Về bộ máy giúp việc, trong các ý kiến về nội dung này của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có đề xuất thành lập văn phòng chuyên môn phục vụ trực tiếp cơ quan của Quốc hội, do cơ quan của Quốc hội quản lý, chịu trách nhiệm. Từ thực tế quản lý vụ chuyên môn, tôi thấy mô hình như hiện nay không có khó khăn gì. Nếu thành lập vụ chuyên môn theo mô hình văn phòng riêng, hoạt động độc lập về tài chính cho các cơ quan của Quốc hội sẽ không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn tổ chức.

Cao Thị Xuân
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Lê Bình ghi