Chưa đến mức phải phong tỏa Đà Nẵng

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:09 - Chia sẻ
Muốn phong tỏa Đà Nẵng như cách Trung Quốc đã làm với thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc thì phải trả lời được câu hỏi Đà Nẵng có đến mức phải phong tỏa không? Phong tỏa sẽ tác động thế nào đến kinh tế, xã hội, an sinh, việc làm... và có hiệu quả hơn so với biện pháp chúng ta đang làm ở Đà Nẵng không?

PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:
Cách làm ở Đà Nẵng hiện khá phù hợp

Vào thời điểm Vũ Hán bị phong tỏa (sáng ngày 23.1.2020), dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Sau gần 2 tuần phong tỏa (ngày 4.2), tại Vũ Hán có hơn 400 người chết và hơn 20.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận. Đặc biệt, đó là giai đoạn đầu của đại dịch, thế giới chưa rõ về nguồn gốc dịch, mầm bệnh, cách phòng ngừa, chữa trị, kể cả tên gọi của virus cũng chưa thống nhất.

Trong khi đó, hiện nay cả nước mới chỉ xác nhận 195 ca có liên quan đến tâm dịch Đà Nẵng tính đến chiều ngày 3.8; riêng tại Đà Nẵng có hơn 100 người nhiễm/dân số 1 triệu người, dù gấp 10 lần chỉ số một quốc gia coi là có dịch mà Tổ chức Y tế thế giới công bố song mới chủ yếu lây nhiễm trong bệnh viện, tỷ lệ lây cộng đồng không liên quan tới các bệnh viện rất thấp. Hơn nữa, hiện nay chúng ta cũng đã biết rõ mầm bệnh, các biện pháp phòng chống dịch, các phương pháp chữa trị.

Tại Vũ Hán đã thực hiện cách ly tuyệt đối ngay từ những ngày đầu, không để cho người dân ra, vào thành phố để ngăn dịch lây lan. Trong khi đó, ở Đà Nẵng, hàng chục nghìn khách du lịch, chưa kể người dân ở thành phố đã tỏa đi nhiều tỉnh, thành phố. Tình hình ở Đà Nẵng hiện cũng trong tầm kiểm soát, không để xảy ra lây nhiễm ồ ạt trong cộng đồng như đã xảy ra tại Vũ Hán. Do vậy, có thể áp dụng các biện pháp như đang triển khai tại Đà Nẵng.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu phong tỏa Đà Nẵng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Như đã nói ở trên, người từ Đà Nẵng đã đi đến các địa phương rồi. Cách làm hiện nay cũng đã hợp lý khi ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Nếu phong tỏa thành phố này, chúng ta sẽ rất tốn công sức và gây tác động lớn tới kinh tế, an sinh xã hội, lao động việc làm. Thành phố có sân bay, cảng biển quốc tế, nằm trên trục giao thông Bắc Nam cả đường sắt và đường bộ, chưa kể hàng nghìn người dân làm nghề đánh bắt cá ngoài biển và hàng chục nghìn công nhân tại các khu công nghiệp. Thêm vào đó, nếu phong tỏa Đà Nẵng sẽ có thể  gây quan niệm coi đó như “Vũ Hán thứ hai”, tâm lý kỳ thị người dân Đà Nẵng sẽ xảy ra, hệ quả xã hội sẽ khó lường.

Do vậy, để đưa ra quyết định có phong tỏa Đà Nẵng như Vũ Hán trước đó, trước tiên cần trả lời được câu hỏi: Đà Nẵng có đến mức phải phong tỏa không? Tiếp đó phải tính đến việc chúng ta có chấp nhận việc bị đình trệ các hoạt động đi lại, giao thương, hoạt động kinh tế của cả nước không? Tác động của phong tỏa với kinh tế, xã hội sẽ thế nào? Liệu phong tỏa Đà Nẵng có hiệu quả hơn so với cách chúng ta đang làm tại Đà Nẵng hiện nay không? Tất cả những yếu tố này cần được tính toán thật kỹ, cân nhắc để không gây ra những hệ quả đáng tiếc.

Điều này đồng nghĩa, phải có điều tra dịch tễ về tỷ lệ người dân Đà Nẵng bị nhiễm SARS-CoV-2 mà vẫn khỏe mạnh, không có biểu hiện triệu chứng trong cộng đồng là thế nào? Có đáng báo động không? Tỷ lệ này chiếm bao nhiêu phần trăm dân số thành phố thì có thể cân nhắc việc phong tỏa. Nếu không, cần hết sức cẩn trọng vì biện pháp giãn cách xã hội hiện nay cũng là cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh rồi. Đây là việc các nhà khoa học, quản lý, nhất là những người trực tiếp đang phòng, chống dịch ở Đà Nẵng cần làm khẩn trương để sớm có kết quả, từ đó có phương án cụ thể. Cũng đừng lo sợ nếu chúng ta chậm đưa ra quyết định phong tỏa Đà Nẵng, chẳng hạn trong vòng 1 tuần tới mới có kết quả điều tra dịch tễ, thì tình hình dịch bệnh đã nguy cấp hơn vì như tôi đã nói ở trên, hiện các cách làm ở Đà Nẵng đã khá phù hợp trong phòng, chống dịch.

TS. Phạm Thế Anh - Chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách:
Nếu trong tầm kiểm soát thì chưa nên phong tỏa

Đóng cửa Đà Nẵng như kinh nghiệm của Vũ Hán có nghĩa là dừng hoàn toàn tất cả hoạt động của người dân, doanh nghiệp, như vậy thiệt hại kinh tế sẽ rất nghiêm trọng. Quyết định này sẽ mang tính đánh đổi giữa y tế với kinh tế, vì vậy để đưa ra phương án, phải cân nhắc thông tin từ nhiều mặt. Phải tham khảo kỹ lưỡng từ ngành y xem dịch bệnh có đang trong tầm kiểm soát không? Trong tầm kiểm soát nghĩa là họ đã khoanh vùng được nguồn lây bệnh chưa? Tiềm ẩn dịch bệnh trong cộng đồng còn không? Khả năng lây nhiễm thời gian tới ra sao? Ở mức độ nào thì cần xét nghiệm diện rộng nhanh chóng để xác định nguy cơ? Năng lực y tế của cơ sở còn có thể đáp ứng được không?

Nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng thì rõ ràng phải phong tỏa như Vũ Hán, nhưng nếu ngành y vẫn kiểm soát được số ca bệnh, số ca lây nhiễm trong cộng đồng, làm xét nghiệm diện rộng, khoanh vùng được những ca lây nhiễm thì chưa đến mức phải phong tỏa như vậy. Vũ Hán phong tỏa nghiêm ngặt vì không thể kiểm soát được, số ca lây nhiễm lên đến hàng nghìn ca.

Tuy nhiên, cần phải có biện pháp hạn chế đi lại của người dân ở Đà Nẵng đến các địa phương khác và ngược lại. Đồng thời, giám sát chặt chẽ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân vẫn có thể đi lại trong vùng khi thực hiện quy định về phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, không tụ tập đông người, mỗi người phải cách nhau 2m. Giai đoạn một chúng ta kiểm soát rất tốt trong phạm vi cả nước mà chưa đến mức phải kiểm soát chặt theo kinh nghiệm của Vũ Hán. Vì vậy, phải cân nhắc thận trọng để có quyết định phù hợp.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dân, Trưởng đại diện Tạp chí Doanh nhân Việt Nam tại Đà Nẵng:
Biện pháp tốt nhất vẫn là giãn cách xã hội

Thời điểm này, muốn thực hiện lệnh phong tỏa có lẽ chưa phù hợp lắm, bởi phải xem xét kỹ tình hình chuyển biến dịch bệnh như thế nào trong thời gian tới. Biện pháp tốt nhất bây giờ là giãn cách xã hội, Vũ Hán và Đà Nẵng có tính chất dịch bệnh không giống nhau. Số lượng lây nhiễm ở Vũ Hán rất lớn, do đó với tính chất lây lan nhanh nên cách phong tỏa của họ áp dụng mang tính chất khoa học nhiều hơn. Còn đối với Đà Nẵng cho đến thời điểm này sẽ chỉ cần nâng mức cảnh báo lên cao hơn và triệt để chấp hành Chỉ thị 19 của Thủ tướng trong việc giãn cách xã hội. Nguồn lây của chúng ta chủ yếu vẫn ở bệnh viện, các khu cách ly và chưa xác nhận được các ca nhiễm trọng cộng đồng. Do vậy, nên chủ động khoanh vùng kiểu “da beo”, nghĩa là vùng nào có ca nhiễm hay người có triệu chứng thì khoanh vùng khu vực đấy. Ngược lại, những nơi an toàn cũng nên khoanh vùng để bảo đảm cho người dân, nếu an toàn sẽ được mở rộng ra.

Phải tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm nhanh, khẩn trương đối với những người là F1 hoặc có nguy cơ để kiểm soát mức độ lây lan, đơn cử các hộ gia đình cần tổ chức đi xét nghiệm để có thể kiểm soát mức độ lây lan và xử lý triệt để được nguồn lây bệnh. Cùng với đó, cơ sở vật chất cho ngành y cần được tăng cường, người dân cũng không nên tập trung đến một bênh viện mà có thể di chuyển, thăm khám ở các trạm y tế phường hay của quận để giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng. 

Dù có thực hiện giãn cách xã hội hay là phong tỏa thì thiệt hại về mặt kinh tế chắc chắn sẽ rất lớn và sau khi dịch được kiểm soát cũng khó khôi phục nhưng điều chúng ta đánh đổi đó sẽ mang lại sự bình yên cho đất nước trong lương lai. Chính vì vậy, ngay lúc này người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân trên cả nước phải cùng chung tay với Nhà nước thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để có thể nhanh chóng vượt qua đại dịch.

Bác sĩ Lại Quang Giao, nguyên Trưởng khoa Điều trị cao cấp, Bệnh viện 30.4:
Chưa cần thiết phong tỏa Đà Nẵng

Hiện tại, Đà Nẵng chỉ phong tỏa cụm 3 bệnh viện trung tâm thành phố và những quận có người nhiễm Covid-19. Ngoài ra, một số quận ngoại thành chưa có ca nhiễm mới thì vẫn chưa cách ly hoàn toàn.

Nếu phong tỏa toàn Đà Nẵng như Vũ Hán thì có thể dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, không có nguồn lây ra cộng đồng. Tuy nhiên, việc phong tỏa toàn bộ thành phố dẫn đến nền kinh tế bị tê liệt hoàn toàn, cuộc sống của người dân khó khăn do không thể giao thương, buôn bán. Người dân sẽ không biết đi khám, chữa bệnh ở đâu? Người không có nguồn tiền dự trữ phải sống thế nào? Những xí nghiệp làm hàng xuất khẩu sẽ đáp ứng đơn hàng ra sao?

Đà Nẵng hiện chưa bước vào đỉnh dịch nên việc phong tỏa toàn bộ thành phố là chưa cần thiết. Phải theo dõi ít nhất 2 - 3 tuần nữa mới nên đưa ra quyết định. UBND TP Đà Nẵng vẫn yêu cầu người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn bề mặt, giãn cách xã hội và không cho tụ tập đông người. Tôi cho rằng, Đà Nẵng chỉ nên thực hiện cách ly như hiện tại, đồng thời theo dõi dịch có bùng phát lên hay không. Trường hợp dịch bùng phát lên dữ dội, lây lan ở nhiều điểm trên thành phố thì mới buộc phải phong tỏa toàn bộ. Trước mắt, chúng ta cần làm tốt việc phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” cụm 3 bệnh viện, đồng thời điều trị những ca nhiễm bệnh để dập tắt nguồn lây.

 Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống Covid-19 chiều 2.8, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cách ly Đà Nẵng như “kinh nghiệm Vũ Hán”. Ông cho biết, một trong những tiêu chí để Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố quốc gia có dịch là bình quân có 10 người nhiễm nCoV trên một triệu dân. Nước ta hiện ghi nhận 2,7 người nhiễm trên một triệu dân nên về tổng thể vẫn an toàn. Tuy nhiên, riêng Đà Nẵng có hơn 1 triệu dân nhưng đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm - vượt 10 lần tiêu chí của WHO. Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, việc lây nhiễm ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm khoảng 2 đến 2,5 chu kỳ (một chu kỳ khoảng 2 tuần) nên có thể còn nhiều ca bệnh chưa được phát hiện. 

 

V.Thủy - A.Thiện - H.Nhung - K.Trang