Chưa có thị trường nhiếp ảnh đúng nghĩa

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:26 - Chia sẻ
Với sự phát triển của công nghệ, Việt Nam hiện có đông đảo tay máy cả chuyên và không chuyên, nhưng thị trường nhiếp ảnh lại khá nhạt nhòa, bởi nhiều lý do, từ sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ đến sự nhìn nhận của công chúng với tác phẩm ảnh...

Thế giới náo nhiệt, Việt Nam bình lặng

Tính từ khi nhiếp ảnh xuất hiện hơn 100 năm nay, ở phương Tây đã xem đây là loại hàng hóa đặc biệt, với một thị trường ảnh bài bản, từ gallery của các nhà sưu tập nghệ thuật cho đến những “kho” hay cửa hàng trên mạng thời Cách mạng 4.0, và những cuộc mua bán ảnh khá nhộn nhịp… Tại Việt Nam, theo nhiếp ảnh gia Việt Văn, nếu như các cuộc đấu giá tranh ngày một nhiều hơn với sự xuất hiện của một số nhà đấu giá có tên tuổi trong Nam ngoài Bắc, thì thị trường ảnh xem ra khá bình lặng. Nói chính xác là Việt Nam chưa có một thị trường ảnh đúng nghĩa.

Nhiếp ảnh là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của sự phát triển khoa học - công nghệ, bởi vậy ngày nay, chụp ảnh đã trở nên vô cùng phổ biến, dễ dàng và đại chúng... Và cũng vì thế, giá trị của tác phẩm nhiếp ảnh cũng khó được người xem nhìn nhận đúng, ít người coi đó là tác phẩm nghệ thuật và có thể đầu tư, sở hữu. Thực tế, ở Việt Nam có nhiều tay máy cả chuyên và không chuyên, nhưng đa số vì đam mê, chụp để ghi lại các khoảnh khắc cuộc sống, để làm tư liệu, kỷ niệm, nhưng chuyên nghiệp hóa và đưa nó thành sản phẩm hoàn chỉnh, thương mại hóa được thì ít ai làm. Việc mua bán ảnh vẫn diễn ra đâu đó, nhưng chủ yếu phụ thuộc giao dịch trực tiếp của hai bên và giá ảnh cũng khá thấp so với thế giới.

Việt Nam chưa có thị trường nhiếp ảnh đúng nghĩa Ảnh: Th. Nguyên

Theo nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, ngày xưa, nhiếp ảnh theo kiểu chụp xong in ra, chi phí càng rẻ càng tốt, kiếm chỗ treo càng rẻ càng tốt, mời bạn bè người thân đến xem. Ngay từ đầu, họ cũng không nghĩ đến chuyện bán ảnh. Đương nhiên công chúng cũng có tâm lý đã xem triển lãm là miễn phí, không tính đến chuyện mua, mà nếu có mua thì cũng rất rẻ. Ngày nay, mọi người đưa ảnh lên mạng xã hội và được khán giả hưởng ứng bằng “like”, và cũng ít có giao dịch nào diễn ra tiếp theo. Trong khi đó, nghệ sĩ làm tác phẩm cũng tốn kém, chụp xong còn phải in ra trên giấy tốt, lồng khung, thuê gallery... Nghệ sĩ ví von, đó là hai con đường khác nhau, như một chiếc xe xuống dốc và một chiếc lên dốc: Nếu chỉ rẻ và miễn phí thì mọi thứ sẽ đi xuống, còn nghệ sĩ chụp tác phẩm và cố gắng hoàn thiện tốt nhất để bán, người mua sẽ thấy ảnh có giá trị, hoặc muốn ủng hộ sáng tạo. Leo ngược dốc tuy khó hơn, nhưng từ đó, thị trường nhiếp ảnh sẽ phát triển.

Chuyên nghiệp trong sáng tạo và thẩm định

“Nguồn ảnh của Việt Nam rất giàu tiềm năng, nhưng thị trường chưa có, là một sự lãng phí. Và cũng vì thị trường ảnh nhạt nhòa, nên cuộc sống của các nhiếp ảnh gia Việt Nam nhìn chung cũng khó khăn, ít người sống nổi bằng nghề mà phải làm đủ mọi nghề khác để kiếm sống. Một thiệt thòi khác khi không có thị trường ảnh, công chúng gần như không biết hiện tại những bộ ảnh hay bức ảnh nào của Việt Nam nổi tiếng, có giá trị về nghệ thuật, giá trị văn hóa hay giá trị lịch sử...” - nhiếp ảnh gia Việt Văn nhận định. Anh đề xuất, một tổ chức nào đó có thể đứng ra vừa tổ chức được ngân hàng ảnh làm dữ liệu cho nền nhiếp ảnh quốc gia, vừa khai thác dùng cho những mục đích phục vụ cộng đồng, vừa bán ảnh cho khách hàng? Dĩ nhiên, tổ chức đó phải thật chuyên nghiệp, vừa có “tầm” thẩm định ảnh, đánh giá giá trị thực sự của bức ảnh trên nhiều thang giá trị, vừa có “tâm” để khách hàng có thể yên tâm mua ảnh. Cuộc Cách mạng 4.0 cũng là một thuận lợi để có thể tạo ngân hàng ảnh trên mạng, ngoài việc trưng bày còn là những gian hàng ảnh cho mọi người có thể xem, lựa chọn, mua bán…

Nếu có một thị trường ảnh sẽ là sự kích thích cho các nhiếp ảnh gia phải luôn tự làm mới mình, năng động và sáng tạo, đáp ứng đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, để có thị trường nhiếp ảnh, trước hết nghệ sĩ phải chuyên nghiệp. Cần có những tác giả có thương hiệu, được khẳng định qua số giải thưởng quốc tế uy tín, hay được các bảo tàng nổi tiếng đưa vào bộ sưu tập; nghệ sĩ cần có đạo đức về mặt sáng tạo, tác phẩm có tính độc đáo, mang phong cách riêng... Bên cạnh đó, bức ảnh in ra phải bảo đảm sẽ bền lâu và không thay đổi màu sắc, từ giấy in, băng dính, bo, viền khung... phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Sưu tầm nghệ thuật, ngoài tính trang trí còn có tính sở hữu và đầu tư. Để được coi là tác phẩm nghệ thuật mà nhà sưu tầm hay bảo tàng có thể muốn mua, ảnh cần có tính độc bản, bản in hữu hạn, nếu không thì giá rất thấp. Để làm được như vậy, bản quyền nhiếp ảnh là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, ngay như việc một bức ảnh được bán ra file gốc, là hình độc bản, hoặc nhân bản bao nhiêu cũng rất khó biết. Bức ảnh ấy có na ná các bức ảnh khác hay không vẫn là chủ đề tranh cãi trong nhiều cuộc thi nhiếp ảnh. Cần hệ thống quy định của pháp luật bảo vệ bản quyền chặt chẽ trong lĩnh vực nhiếp ảnh.

Ngoài ra, các tác nhân khác cũng không thể thiếu, như người hiểu biết về in ấn chất lượng cao, cũng như lịch sử nhiếp ảnh, bán tác phẩm nhiếp ảnh...; giám tuyển, truyền thông, giáo dục để người chơi hiểu biết về nghệ thuật nhiếp ảnh... từ đó, thị trường ảnh mới có thể phát triển.

Thảo Nguyên