Chưa cần thiết nới lỏng chính sách tiền tệ?

- Thứ Năm, 20/02/2020, 08:44 - Chia sẻ
Tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid - 19) đến nền kinh tế đặt ra câu hỏi: Có nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn? Hiện có 2 luồng quan điểm. Một bên cho rằng không nên nới lỏng vì việc này không giúp giải quyết vấn đề và gây áp lực lên lạm phát. Một bên ủng hộ nới lỏng để “giải cứu” doanh nghiệp và nói chưa cần nghĩ tới lạm phát vì hiện cầu rất thấp, sức mua yếu.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách TRẦN QUANG CHIỂU: Nới lỏng tiền tệ không giúp giải quyết vấn đề

Hiện nay chúng ta chưa đánh giá được dịch Covid -19 sẽ kéo dài trong bao lâu, diễn biến thế nào, ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế ra sao. Mục đích của nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm khuyến khích chi tiêu, tạo động lực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ tăng tổng cầu. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, xuất nhập khẩu một số lĩnh vực ngành hàng bị đình trệ, ví dụ như nông sản, nguyên liệu nhập khẩu do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc; các doanh nghiệp cũng rất dè chừng trong quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất mới. Vì thế, dù nới lỏng tiền tệ cũng không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, điều chỉnh chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát. Nói tóm lại, việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời điểm này không có ý nghĩa nên chưa cần thiết.

Dịch Covid - 19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Chính sách tiền tệ nước ta đang được điều hành phù hợp. Trong giai đoạn hiện nay, quan trọng nhất là đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp và việc này Ngân hàng Nhà nước đã làm tương đối tốt trong cả giai đoạn vừa qua.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu: Không đáng lo nếu nới lỏng

Tại cuộc họp mới đây với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu mỗi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng chương trình, kịch bản hành động với các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Dịch Covid - 19 khiến kinh tế nước ta bị ảnh hưởng từ du lịch, giao thông vận tải, xuất khẩu, đặc biệt là nông sản. Nếu dịch không được kiểm soát trong 1 - 2 tháng tới, khả năng sẽ tác động tiêu cực sang nhiều ngành khác. Vì vậy, Chính phủ phải có biện pháp “giải cứu” các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ rất quan trọng, cụ thể là cần giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp… Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên giảm lãi suất điều hành.

Nhiều ý kiến lo ngại nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ dẫn tới lạm phát. Lý do bởi, tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt 13,7%, theo đó dư nợ tín dụng toàn ngành tính xấp xỉ 8,2 triệu tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Trong khi đó, GDP tính theo giá hiện hành năm 2019 đạt khoảng 6 triệu tỷ đồng và chỉ tăng 1,4 lần so với năm 2015. Như vậy, nền kinh tế đang “tràn ngập” tín dụng, nếu nới lỏng sẽ dẫn tới nguy cơ lạm phát và nợ xấu.

Tuy nhiên, hai rủi ro trên không đáng ngại, lạm phát có thể kiểm soát được vì năm ngoái lạm phát rất thấp với 2,67%. Về nợ xấu, hiện tại các ngân hàng đang kiểm soát tốt hơn trước rất nhiều. Chúng ta cũng không quá lo việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến tín dụng chảy vào những lĩnh vực không khuyến khích đầu tư như bất động sản. Vì thị trường bất động sản cũng đang chịu tác động rất mạnh bởi dịch Covid - 19, nhu cầu bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại… ngày càng xuống thấp, thậm chí ngay cả bất động sản cũng cần được hỗ trợ từ chính sách tiền tệ.

Trưởng khoa tài chính, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO: Chính sách tiền tệ phải giữ được ổn định vĩ mô

Dịch Covid - 19 sẽ khiến điều hành chính sách tiền tệ năm nay khó khăn hơn, tín dụng có thể tăng chậm lại nhưng chưa nên nới lỏng tiền tệ ở thời điểm này. Hiện nay, tổng cầu của thế giới và Việt Nam đều giảm sút do người dân hạn chế mua sắm, du lịch và nếu dịch bệnh chưa được khống chế người dân vẫn tiếp tục hạn chế do lo ngại lây lan dịch bệnh chứ không phải do hàng hóa khan hiếm, đắt đỏ. Do đó, nới lỏng tiền tệ sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại có thể gây rủi ro về lạm phát và các rủi ro khác.

Mục tiêu của chính sách tiền tệ là giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm ổn định giá trị tiền đồng, ổn định tỷ giá hối đoái. Theo tôi, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp đúng đắn để thực hiện mục tiêu này.

Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight BÙI QUANG TÍN: Nên giảm lãi suất cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp khốn đốn khi số lượng giao dịch giảm khoảng 30% so với bình thường, thậm chí nhiều doanh nghiệp không hoạt động được. Vì vậy, việc giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và tư vấn các giải pháp…  rất cần thiết. Trong đó, động thái giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn này rất có ý nghĩa, bởi đây là một trong những chi phí doanh nghiệp phải trả và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng thương mại đã có kế hoạch hỗ trợ khách hàng. Kế hoạch này cần được thực hiện với sự cân nhắc thận trọng về năng lực tài chính của từng ngân hàng và hiệu quả thực tế của các giải pháp.

Tôi cho rằng chưa cần nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ vì nhu cầu của xã hội đang rất thấp, sức mua yếu. Hơn nữa, khi giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều cách điều hành để kiểm soát lạm phát.

An Thiện