Chưa cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

- Thứ Hai, 09/09/2019, 17:19 - Chia sẻ
Chiều 9.9, tại Nhà QH, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về hai nội dung: giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và sự cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu điều khiển phiên họp

Quy định cụ thể thẩm quyền của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo cơ bản thống nhất, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Hiện nay, còn 3 nội dung cần xin ý kiến UBTVQH cụ thể là: Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng (khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật); Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Điều 9 của dự thảo Luật) và Về mô hình của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (Điều 42 của dự thảo Luật).

Về mô hình Sở giao dịch chứng khoán, Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ, vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là rất cần thiết bởi những biến động về thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Trên cơ sở rà soát, thống nhất với khái niệm về doanh nghiệp nhà nước tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, chỉnh lý khoản 1 Điều 43 của dự thảo Luật theo hướng: "Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp”. 


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Đa số các ý kiến tán thành với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo phương án: chỉ có một Sở giao dịch chưng khoán và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán Việt nam tại các điều, khoản liên quan. Tuy nhiên, có ý kiến còn băn khoăn về việc xác định trung tâm tài chính quốc gia là ở đâu?

Về tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, có ý kiến cho rằng, đây là doanh nghiệp rất đặc thù và là nơi duy nhất tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Do đó, cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Đối với mô hình tổ chức hoạt động, hình thức sở hữu và tổ chức giao dịch chứng khoán thì không quy định trong Luật mà thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.

Các ủy viên UBTVQH đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lượng dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật. Ủy ban Kinh tế tiếp thu, hoàn chỉnh và gửi lại dự thảo Luật đến các ĐBQH xem xét, cho ý kiến. Sau khi tiếp thu toàn bộ ý kiến của các Đoàn ĐBQH, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh lần nữa và xin ý kiến của UBTVQH trước khi trình ra QH tại Kỳ họp thứ 8.

Rà soát, sửa đổi văn bản dưới luật liên quan đến quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Trình bày Báo cáo của Đoàn công tác của UBTVQH về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, QH đã ban hành nhiều Luật, Nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng, quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, Luật Ngân sách nhà nước quy định một trong những nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước và quy định rõ các khoản thu, chi của ngân sách trung ương, địa phương; Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành các Nghị định, Quyết định để triển khai thực hiện.


Trên cơ sở kết quả làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và qua phân tích của Đoàn công tác, Đoàn công tác kiến nghị, không cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Nhằm đồng bộ với nội dung thu, chi trong Luật Ngân sách nhà nước, Đoàn công tác đề nghị, UBTVQH xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, vừa sửa đổi được một số bất cập hiện nay của Luật số 69/2014/QH13 vừa bảo đảm được việc không ban hành quá nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời tuân thủ đúng quy định tại Điều 55 của Hiến pháp.

Các ủy viên UBTVQH cho rằng, hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được ban hành tương đối đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, UBTVQH thống nhất, chưa cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cũng chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13.

UBTVQH đề nghị, Chính phủ thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Chính phủ cần tiến hành tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. 

Tin: Thanh Chi
Ảnh: Quang Khánh