Tọa đàm “Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo”

Chủ trương lớn, không truyền thông tốt sẽ không đi vào cuộc sống

- Thứ Tư, 06/11/2019, 21:44 - Chia sẻ
Tín dụng chính sách xã hội vốn đã nhân văn, được cả hệ thống chính trị vào cuộc “tiếp sức”, nhưng từ khi có Chỉ thị này càng tăng thêm hiệu quả của tín dụng chính sách, như “hổ mọc thêm cách”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra rằng, quan trọng nhất vẫn là phải quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền. Một chủ trương lớn của Đảng nếu không truyền thông tốt sẽ không đi vào cuộc sống.

Có thể nói, việc tập trung, tăng cường nguồn lực là một trong những mục tiêu của Chỉ thị 40. Qua 5 năm thực hiện, nguồn vốn ngân sách tăng 1,6 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Đặc biệt, nguồn vốn của các chính quyền địa phương, với sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp ủy Đảng, cấp tỉnh, cấp huyện, đã chuyển sang Ngân hàng Chính sách cho vay đối tượng chính sách ở địa phương tăng vượt bậc, đến nay đã đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 10.800 tỷ đồng so với khi bắt đầu thực hiện, đây là một con số rất ấn tượng.


Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý
Ảnh: Duy Thông

Đến nay, 100% địa phương đã ủy thác qua ngân hàng chính sách, bình quân một địa phương cấp tỉnh là 230 tỷ đồng, trong đó có địa phương đạt tỷ lệ cao như: Hà Nội 2.900 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 2.200 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn cũng rất quan tâm đến vấn đề này, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là 220 tỷ đồng, Quảng Ngãi 160 tỷ đồng, Lào Cai 90 tỷ đồng... Nguồn vốn ngân sách chuyển ủy thác trước hết nhằm hỗ trợ nguồn vốn Trung ương cho vay các đối tượng chính sách, như hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, xuất khẩu lao động...

Nhiều địa phương chuyển sang để cho vay thêm các đối tượng chính sách phù hợp với từng địa phương. Qua đó, tạo nên nguồn lực lớn để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện dự án tại địa phương.

Vừa qua, NHCSXH và nhiều địa phương đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, chúng tôi nhận thấy rằng, để các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống,thì các chủ trương, chính sách ấy phải xuất phát từ thực tiễn, phản ánh được nguyện vọng của nhân dân. Cấp ủy, địa phương nào thực hiện triển khai Chỉ thị này tốt, thì ở địa phương đó, tín dụng Ngân hàng chính sách hoạt động lưu loát hơn, được tập trung nguồn lực tốt hơn, hiệu quả và góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương, như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm. Và ngược lại, có nơi, có lúc một số địa phương chưa làm tốt, hiệu quả chưa cao.

NHCSXH là cơ quan được Chính phủ giao làm tín dụng chính sách, cơ quan được giao tham ưu cho cấp ủy đảng, địa phương triển khai tốt Chỉ thị này. NHCSXH đã có những kế hoạch, hoạt động bám sát, chủ động, tích cực, liên tục từ đó tham mưu tốt cho các cấp ủy Đảng triển khai Chỉ thị này, góp phần đưa Chỉ thị vào cuộc sống tốt hơn.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý