Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi):

Chú trọng chất lượng hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 06:53 - Chia sẻ
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, cơ quan chủ trì thẩm tra và chủ trì soạn thảo đã nhanh chóng tiến hành rà soát, dự kiến phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý toàn bộ dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của các cơ quan chức năng, song đại biểu tham dự Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật đề nghị cần cân nhắc một số quy định, nhất là quy định về điều kiện với đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sửa đổi phù hợp với Luật Đầu tư công

Theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án đầu tư công khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật Đầu tư cũng quy định trong hồ sơ dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư phải có nội dung “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường”. Song, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành không quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Để xử lý vấn đề này, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua đã bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Phùng Chí Sỹ

Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật chỉ yêu cầu thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường với dự án đầu tư công có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện. Cụ thể gồm: Dự án có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư; Dự án đầu tư xây dựng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư xây dựng thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Để thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, bản dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới nhất đã chỉnh lý đối tượng dự án đầu tư công gồm tất cả dự án đầu tư, thay cho việc chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Phùng Chí Sỹ, cần cân nhắc quy định này, khi tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công hiện đang rất chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Việc bắt buộc mọi dự án đầu tư công phải tiến hành đánh giá sơ bộ tác động môi trường sẽ tạo thêm rào cản kỹ thuật với nhóm dự án này. Hơn nữa, không phải dự án đầu tư công nào cũng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường phải sàng lọc trước bằng công cụ đánh giá sơ bộ tác động môi trường, ông Phùng Chí Sỹ lưu ý.

Cân nhắc quy định về điều kiện với đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường

Để nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín đã bổ sung quy định về lộ trình phù hợp yêu cầu các tổ chức thực hiện ĐTM phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận thấy, vẫn cần quy định cụ thể hơn về cơ sở vật chất, trình độ, năng lực, chứng chỉ hành nghề đối với các tổ chức tư vấn, cũng như điều kiện về trình độ chuyên môn đối với thành viên hội đồng thẩm định ĐTM trong dự án Luật. Dự thảo Luật mới nhất đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy định về nội dung này.

Cần cân nhắc việc quy định liệt kê chi tiết chủng loại các dự án cần tiến hành thực hiện đánh giá tác động môi trường như quy định tại Điều 35, dự thảo Luật. Để dễ hiểu và dễ nhớ, các đối tượng phải lập đánh giá tác động môi trường và cấp phép môi trường, có thể ký hiệu thành các nhóm dự án cần thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Cụ thể, nhóm dự án thứ nhất là các dự án phát sinh chất thải có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường; nhóm dự án thứ hai là các dự án có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học; nhóm dự án thứ ba là các dự án không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trong trường hợp ứng phó với tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa theo quy định của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam Phùng Chí Sỹ

Song thực tế, việc đặt thêm điều kiện đối với tổ chức tư vấn lập báo cáo ĐTM lại không nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Bởi, một tổ chức tư vấn môi trường có thể hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau (lập báo cáo ĐTM, hồ sơ xin cấp phép khai thác nước mặt, nước ngầm; hồ sơ xin cấp phép xả thải, hồ sơ xin cấp phép xử lý chất thải nguy hại, phương án ứng phó sự cố tràn dầu…). Nếu lĩnh vực ĐTM cần giấy phép, thì những lĩnh vực khác có cần phải cấp phép không? Nếu lĩnh vực nào cũng cấp phép phải chăng sẽ phát sinh quá nhiều giấy phép con, ông Phùng Chí Sỹ đặt câu hỏi?

Hơn nữa, báo cáo ĐTM chỉ là một công cụ dự báo nên có thể có sai số do phụ thuộc vào yếu tố khách quan (ví dụ thiếu cơ sở dữ liệu để dự báo). Từ tính chất của báo cáo ĐTM, các chuyên gia dự Hội thảo cho rằng, không thể thu hồi giấy phép vì đơn vị tư vấn dự báo không chính xác do thiếu cơ sở dữ liệu để dự báo. Ngoài ra, việc nâng điều kiện với đơn vị lập ĐTM cũng khó có thể giúp nâng cao chất lượng báo cáo ĐTM.

Để nâng cao chất lượng báo cáo ĐTM, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định về nâng cao chất lượng, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Bởi, thực tế cho thấy, nếu Hội đồng thẩm định ĐTM "đánh trượt" một báo cáo về nội dung này thì đơn vị tư vấn sẽ bị thiệt hại rất nhiều về uy tín và tiền bạc, thậm chí bị chủ đầu tư phạt rất nặng hoặc bị cắt hợp đồng. Đây cũng là động lực chính buộc các đơn vị tư vấn nâng cao chất lượng báo cáo ĐTM.

Trong khi đó, qua nghe phản ánh của doanh nghiệp, đại diện Phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM hiện nay có thành viên là các công chức, nên khó bảo đảm chất lượng thẩm định như kỳ vọng. Trước khi nâng cao chất lượng đơn vị lập báo cáo ĐTM có lẽ cần nâng cao chất lượng thành viên Hội đồng thẩm định này, công bố công khai danh sách thành viên để ràng buộc trách nhiệm của mỗi cá nhân, đại diện Phòng Pháp chế, VCCI đề nghị.

 

 

 

Thanh Hải