Kinh nghiệm của EU trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:31 - Chia sẻ
Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào quản lý và tái tạo tài nguyên, nhằm hạn chế tối đa việc tạo ra phế thải.

Mô kinh tế tuần hoàn gồm 5 nguyên tắc: Loại bỏ rác, phế thải khỏi chu trình sản xuất - tiêu thụ; tính đa dạng; sử dụng năng lượng tái tạo; tư duy hệ thống và dựa trên nền tảng sinh học.

Mô hình kinh tế tuần hoàn có chủ đích nhằm loại bỏ rác, phế thải khỏi chu trình sản xuất - tiêu thụ. Trên thực tế, nền kinh tế tuần hoàn dựa trên ý tưởng không có thứ gọi là phế liệu. Do đó, nguyên tắc đầu tiên của kinh tế tuần hoàn là thiết kế để tái sử dụng. Rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới. Nói cách khác, có thể phân tách và/hoặc tái sử dụng các thành phần này. 

Nguyên tắc thứ hai là khả năng linh động nhờ sự đa dạng. Các hệ thống có sự kết nối nội bộ đa dạng thường có sức chống chịu cao và linh động trước những tác động bất ngờ từ ngoại cảnh. Trong nền kinh tế, để có được sự linh động đó, cần phải có sự đa dạng về các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất, đồng thời các mạng lưới kinh doanh cũng phải có những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau cũng như với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau. Các hệ sinh thái tự nhiên là những ví dụ minh họa sống động nhất cho các hệ thống sản xuất linh động như thế này.

Nguyên tắc thứ ba là sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận. Để giảm tải những tổn thất về sản phẩm (bằng cách tái chế nâng cấp), cần phải sử dụng thêm năng lượng. Có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có: Năng lượng (năng lượng tái chế) và sức lao động. Chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện của một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái chế.

Nguyên tắc thứ tư là tư duy hệ thống, tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt là các vòng lặp phản hồi (feedback loop - cấu trúc hệ thống trong đó đầu ra ở một mắt xích trong cấu trúc này sẽ có tác động lên đầu vào tại chính mắt xích đó). Trong các hệ thống này, sự kết hợp giữa các nhân tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố đó thường mang lại những kết quả khó dự đoán. Tuy nhiên, để tìm hiểu cách tối ưu hóa các hệ thống này, cần phải cân nhắc đến những mối quan hệ giữa chúng và đường đi của các nguyên liệu trong chu trình sản xuất. Để làm được điều này, cần phải có sự định hướng lâu dài. Tại nhiều cấp độ và quy mô khác nhau trong nền kinh tế tuần hoàn, các hệ thống hoạt động trong đó tác động lẫn nhau, từ đó xuất hiện những mối quan hệ phụ thuộc và tạo nên những vòng lặp phản hồi giúp củng cố cho tính linh động của nền kinh tế tuần hoàn.

Nguyên tắc thứ năm là nền tảng sinh học. Càng ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng chúng diễn ra dựa trên quy tắc “phân tầng”: Các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về các chu trình sinh quyển.

N. Khánh