Chú trọng truyền thông về tác hại thuốc lá

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 09:18 - Chia sẻ
Việc thanh tra, kiểm tra chỉ là giải pháp hỗ trợ, quan trọng là làm sao tuyên truyền nâng cao tinh thần tự giác của người dân, thực thi có hiệu quả các quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm. Đó là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo cung cấp thông tin về thực hiện môi trường không khói thuốc cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức.

Còn hạn chế trong truyền thông

Theo tổ chức Y tế Thế giới, khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh, khiến những người không hút thuốc cũng hít phải khói thuốc lá. Việc thường xuyên hít phải khói thuốc cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc. Vì vậy, một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc đối với những người không hút thuốc đó là xây dựng các mô hình không khói thuốc như trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng… Không khói thuốc giúp những người không hút thuốc được sống trong môi trường lành mạnh để giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Đặc biệt cần chú trọng tới công tác truyền thông để giúp người dân hiểu hơn về tác hại của thuốc lá cũng như có những biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Đánh giá về sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông báo chí trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ  Thông tin và Truyền thông  Võ Thanh Lâm cho biết, các cơ quan thông tấn báo chí cần có những ấn phẩm báo chí chất lượng hơn nữa để thông điệp rõ ràng, thiết thực và cụ thể về thực hiện môi trường sống không khói thuốc được lan tỏa mạnh mẽ.

Ông Võ Thanh Lâm chia sẻ, các cơ quan báo chí đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những hạn chế như một số cơ quan báo chí vẫn chưa coi đây là nhiệm vụ của mình, vẫn vi phạm luật khi đăng tải các hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá; các nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá vẫn chưa sâu rộng, chưa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Các thông tin chưa đa dạng, đầy đủ và đa chiều, đặc biệt là chưa quan tâm nhiều tới mảng tuyên truyền về mô hình không khói thuốc tại các địa điểm công cộng.

Cũng theo ông Lâm, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá thì không chỉ dựa vào các cơ quan thông tấn mà các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương phải tiếp tục phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Tại các khu dân cư lồng ghép phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với việc không có người hút thuốc; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.


Chú trọng truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá  
Nguồn: ITN

Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức

Sau hơn 6 năm thành lập (2013 - 2019), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá. Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại Thuốc lá (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, 2 năm qua, tỷ lệ giảm hút thuốc lá ở nhiều địa phương đã cho thấy kết quả đáng mừng. Năm 2018, đã có 12 tỉnh có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm so với điều tra toàn quốc năm 2015 (là 45,3%) như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An… (với tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 32,3 đến 45%). Tỷ lệ người phơi nhiễm thụ động với khói thuốc cũng giảm, tại nơi làm việc giảm 13,3%; trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%...

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng các đợt kiểm tra, thanh tra và số tiền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Mạng lưới về phòng, chống tác hại thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc. Đến nay, có 20 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh, việc thanh tra, kiểm tra chỉ là giải pháp hỗ trợ, quan trọng là làm sao tuyên truyền nâng cao tinh thần tự giác của người dân, thực thi có hiệu quả các quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm. “Khó khăn hiện nay của chúng tôi là việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, nhưng cũng không phải là không thực hiện được nếu như từng bộ, từng tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, tăng cường lồng ghép với việc tuyên truyền thì hiệu quả của việc thực thi các quy định về cấm hút thuốc lá sẽ được tăng lên nhiều” - Ts Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Dương Lê