Chú trọng tạo việc làm tại chỗ

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:41 - Chia sẻ
Dù Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt, song số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 rất lớn. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp đồng bộ giúp người lao động tạo việc làm ngay từ cơ sở.

Việc làm tiếp tục bị ảnh hưởng Covid-19

Đánh giá về thực trạng lao động 6 tháng đầu năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.

Theo tính toán sơ bộ và báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6.2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết thêm, trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp. Ước tính giải quyết việc làm cho 540.00 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước, nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại TP Hồ Chí Minh giảm 28%; Hà Nội giảm 23%…).

Trước ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, ngày 9.4.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tiếp đến ngày 24.4.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch bước đầu những chính sách này đã phát huy được hiệu quả và phần nào giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên theo các chuyên gia, về lâu dài thì cần một giải pháp tổng thể mang tính đột phá bởi trong tương lai gần sẽ vẫn còn tác động nữa vì nhiều doanh nghiệp bây giờ mới bắt đầu bị ảnh hưởng.

May gia công, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

Nguồn: ITN 

Địa phương phải chủ động

Theo kết quả điều tra lao động việc làm quý I.2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chỉ chiếm 75,4% dân số trong độ tuổi lao động. Từ tháng 5.2020 trở đi, số lao động quay trở lại làm việc đang tăng lên. Trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 - 80.000 lao động bị mất việc quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, việc làm của người lao động và hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu còn đình trệ.

Chia sẻ về giải pháp tạo việc làm bền vững cho người lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành đề xuất, cần nâng cao hệ thống thông tin thị trường lao động, nhất là các hoạt động cung cấp thông tin, dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trực tuyến; tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt biến động lao động do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Đồng thời, duy trì và thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể về tình trạng sử dụng lao động là hết sức quan trọng nhằm đề xuất những giải pháp hỗ trợ người lao động bị mất việc, ngưng việc...

Hiện nay, tại không ít địa phương địa phương có nhiều doanh nghiệp thủ công, Hợp tác xã nhỏ lẻ có nhu cầu tuyển lao động với số lượng ít từ 10 - 50 người lại khó tuyển lao động vì mức lương thấp không cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, việc mở lớp đào tạo nghề nhỏ, ngắn hạn là giải pháp giúp lao động yếu thế có việc làm ổn định ngay tại địa phương cần thiết. Đối với lao động có tay nghề, các địa phương cần tăng cường khảo sát tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động để người lao động, doanh nghiệp có thể thuận tiện dễ dàng hơn trong tìm việc, tìm nguồn nhân lực.

Thực tế, để giúp người lao động tìm kiếm việc làm ổn định, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương đã triển khai đồng loạt các phiên giao dịch việc làm lưu động và bước đầu đã thu được kết quả đáng mừng. Đơn cử như tại Hà Nội trong tháng 6 và đầu tháng 7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại nhiều quận, huyện. Theo đó, đã kết nối hàng nghìn việc làm với mức thu nhập ổn định từ 5 - 10 triệu đồng. Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang… hàng nghìn cơ hội việc làm tại chỗ với mức thu nhập ổn định đã được trao cho người lao động thông qua những phiên giao dịch việc làm lưu động.

Thái Yến