Nhịp cầu

Chú trọng hiệu quả các dự án giảm nghèo

- Thứ Năm, 21/05/2020, 11:02 - Chia sẻ
Qua 4 năm triển khai thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (tại 60 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 59 thôn đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II), Chương trình đã huy động được tổng hợp các nguồn lực thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư và khởi công xây dựng 720 công trình với tổng số vốn 355.071,11 triệu đồng; triển khai thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 18.914 hộ với tổng số vốn 108.753,22 triệu đồng; tổ chức 115 lớp tập huấn và bồi dưỡng kiến thức về cơ chế quản lý điều hành chương trình 135... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 3 - 4%/năm; thu nhập bình quân/người tăng 1,5 - 2 lần so với đầu giai đoạn; hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng từng bước đạt chuẩn, đáp ứng phần nào nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, khảo sát nội dung này, bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận những hạn chế cần khắc phục. Đơn cử, về thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; duy tu, bảo dưỡng, quản lý và vận hành công trình: Việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư chưa đạt yêu cầu, do năng lực tổ chức thực hiện của cấp xã khi được giao làm chủ đầu tư các công trình xây dựng còn hạn chế. Một số địa phương đã có quy định, quy chế quản lý, sử dụng các công trình sau đầu tư, nhưng ý thức tự giác chấp hành của người dân còn hạn chế; việc duy tu, bảo dưỡng và quản lý công trình phục vụ người dân ở một số địa phương làm chưa tốt…

Hay về thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, việc thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm được triển khai thực hiện rất chậm. Hiệu quả hỗ trợ một số con giống, máy móc, thiết bị chưa cao, chưa sát với nhu cầu thực tế của địa phương, không bảo đảm mục tiêu của dự án; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhiều thôn tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, nguy cơ tái nghèo còn cao. Một số địa phương mới chỉ tập trung hỗ trợ giải ngân nguồn vốn, chưa quan tâm đến việc theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, thống kê tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi của các dự án đã hỗ trợ; chưa đánh giá hiệu quả sau đầu tư đối với một số loại cây trồng, vật nuôi để nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Về thực hiện nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng, việc bố trí thời gian tập huấn (thường vào cuối năm) chưa hợp lý. Hình thức tập huấn chưa gắn với từng công trình, dự án, tổ, nhóm cụ thể; chưa tổ chức được các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương; đối tượng tập huấn là cán bộ thôn bản và người dân chiếm tỷ lệ thấp…

Đông đảo cử tri hy vọng, nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp khả thi, thiết thực khắc phục những hạn chế trên sẽ được làm rõ trong phiên chất vấn - trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh Tuyên Quang sắp tới. Qua đó, góp phần triển khai hiệu quả dự án trong giai đoạn tiếp theo.

TRÂM ANH