Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư

Chú trọng giải quyết việc tồn đọng

- Chủ Nhật, 11/02/2018, 08:42 - Chia sẻ
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp công dân và thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; chú trọng giám sát việc giải quyết các vụ tồn đọng, bức xúc, kéo dài hoặc giải quyết chưa hợp tình, hợp lý, vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết.

Hoạt động tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, giúp HĐND, đại biểu HĐND thực hiện quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với các cơ quan hành chính nhà nước, kịp thời có đề xuất để bảo đảm tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Làm tốt công tác tiếp công dân là tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, giúp nâng cao vai trò của người đại biểu nhân dân.

Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, bên cạnh tổ chức các đợt tiếp công dân định kỳ, xử lý, chuyển, đôn đốc cơ quan thẩm quyền giải quyết, Thường trực và Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát, khảo sát đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài. Qua đó, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân; hoặc yêu cầu công dân chấp hành quyết định giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Nhìn chung, công tác tiếp công dân luôn được HĐND tỉnh quan tâm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Những kiến nghị của Thường trực và các ban của HĐND tỉnh đều được UBND tỉnh, các ngành, địa phương đồng tình và chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. Hầu hết vụ việc Thường trực HĐND tỉnh có công văn chuyển đơn, đôn đốc, yêu cầu, kiến nghị phúc tra đều được các cơ quan chức năng tiếp thu giải quyết và có thông tin phản hồi cụ thể. Thông qua hoạt động tiếp công dân và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các cấp, ngành đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND, đại biểu HĐND đối với nhân dân, góp phần tích cực ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.


Thường trực HĐND tỉnh Đăk Lăk họp phiên thường kỳ tháng 1.2018
Ảnh Lê Hương

Thường xuyên đôn đốc, giám sát

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của một số sở, ngành, địa phương, nhất là cơ sở còn chậm so với thời gian quy định. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương khi giải quyết khiếu nại chưa tổ chức đối thoại trước khi ban hành quyết định, hoặc ban hành công văn thay vì ban hành quyết định để giải quyết; chưa thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân chưa tốt, có những trường hợp đơn đã giải quyết đúng quy định của pháp luật, có lý có tình, nhưng công dân vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết và tiếp tục có đơn gửi đến các cấp, ngành, kể cả cơ quan Trung ương để tiếp tục được xem xét, giải quyết…

Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp công dân và thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; chú trọng giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài hoặc giải quyết chưa hợp tình, hợp lý, vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết. Chỉ đạo, đôn đốc tổ đại biểu thực hiện tiếp công dân theo lịch được phân công; phân công ban HĐND giám sát việc thi hành Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Có giải pháp nâng cao năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm của người đại biểu HĐND trong tiếp dân, xử lý đơn thư của công dân.

Tăng cường phối hợp giải quyết

Một vấn đề đặt ra hiện nay là tăng cường công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong xử lý, giải quyết những vụ việc tồn đọng, kéo dài; định hướng công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến các đại biểu, người dân biết về quá trình xử lý và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, không để vụ việc phức tạp trở thành “điểm nóng”.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý, xử lý đơn của công dân, nhằm thông tin kịp thời đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết quá trình xử lý, kết quả giải quyết đơn, thư. Tránh tình trạng chuyển đơn, thư chồng chéo hoặc đã hết thẩm quyền giải quyết; đồng thời, giúp người dân nắm bắt, theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đại biểu HĐND các cấp và cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Văn phòng HĐND và UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Cần đặc biệt quan tâm bố trí, sắp xếp công chức làm công tác tham mưu giúp Thường trực HĐND tiếp dân, xử lý đơn, thư. Ngoài vững về nghiệp vụ chuyên môn, công chức còn phải có bản lĩnh, trung thực, tinh thần trách nhiệm cao; biết kiên nhẫn, lắng nghe ý kiến của công dân, giải thích cho công dân rõ về pháp luật và hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy trình thủ tục.

Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 48/2016 ngày 27.5.2016 theo hướng tăng số lượng phòng chuyên môn thuộc Văn phòng HĐND tỉnh. Trong đó, có một phòng phụ trách công tác tham mưu tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi tới Thường trực HĐND tỉnh.

Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk