50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) - Tầm vóc vĩ đại của tác phẩm bất hủ

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

- Thứ Năm, 29/08/2019, 08:09 - Chia sẻ
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vị trí, vai trò của cán bộ. Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu cách mạng, Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ, giao cho họ những trọng trách và giúp đỡ họ hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó.

Đào tạo cán bộ song song hai yêu cầu có đức, có tài

Nói đến đào tạo cán bộ, bao giờ Bác cũng nhấn mạnh song song hai yêu cầu “có đức, có tài”. Đến Di chúc, Bác lại nhấn mạnh việc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng, vừa chuyên”. Bác dặn rất cụ thể: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi Chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Năm 1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải trau dồi phẩm chất chính trị, tránh bị gục ngã bởi “viên đạn bọc đường”. Tới những ngày cuối đời, khi hình dung sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mối lo lớn của Người lại cũng vẫn là đạo đức, phẩm chất của mỗi cán bộ, đảng viên. Tháng 6.1968, khi làm việc với các cán bộ có trách nhiệm của Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách Người tốt việc tốt, Người đã cảnh báo nguy cơ dễ mắc phải sau chiến thắng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chính vì vậy, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức phải làm thường xuyên, liên tục. Trong thời bình, nội dung quan trọng hơn cả là giáo dục đạo đức, phẩm chất, lối sống cho mỗi cán bộ, đảng viên, để mỗi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều phải xác định là người lãnh đạo, người phục vụ, người đầy tớ của nhân dân.

Trách nhiệm nêu gương

Một trong những biện pháp tổ chức có hiệu quả để giáo dục đảng viên là thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình. Việc Người đặt cụm từ “tự phê bình” trước “phê bình” là hoàn toàn có ý. Theo Người, muốn giúp đỡ đồng chí, thì trước hết mình phải tự tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Nếu cả một Đảng, cả một xã hội ai ai cũng xác định trước là tự sửa mình, sau mới đến sửa người như mong muốn của Người, thì sẽ xây dựng được một xã hội và những con người tốt đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Theo Hồ Chí Minh: Nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản thân về mọi mặt, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” để làm công việc chung.

Là một người cả cuộc đời vì nước, vì dân, suốt đời hy sinh phấn đấu cho độc lập, tự do cho dân tộc, cả đời trong sạch, minh bạch, cuối bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những dòng tâm sự đề cập “về việc riêng” một cách hết sức khiêm tốn, giản dị. Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Những dòng chữ này phản ánh sâu sắc phẩm chất đạo đức cao quý của một con người, một lãnh tụ cách mạng luôn đặt cao giá trị của việc nêu gương, bản thân suốt đời nêu gương, suốt đời nói đi đôi với làm, cả đời chỉ biết phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trước khi đi xa để trở về với thế giới người hiền, để lại những lời tâm huyết trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện mối quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những lời dặn kỹ càng của Người về chỉnh đốn Đảng ngay sau chiến tranh, kể cả việc lựa chọn, đào tạo cán bộ để thực hiện thành công cuộc chỉnh đốn ấy, mãi mãi là cẩm nang dẫn lối, đưa đường cho Đảng ta đi tới.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự mình tiếp tục không ngừng tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, tham gia có trách nhiệm vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Làm được điều này là thiết thực tưởng nhớ và góp phần làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh