Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đoàn Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu

- Thứ Tư, 30/10/2019, 19:33 - Chia sẻ
Chiều 30.10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Đoàn Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP) do Chủ tịch Ủy ban Bernd Lange làm trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại nước ta.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange
Ảnh: Lâm Hiển 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng ông Bernd Lange vừa được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP; đánh giá cao những đóng góp tích cực của Ủy ban Thương mại quốc tế và cá nhân Chủ tịch Bernd Lange trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa QH Việt Nam và EP, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU).

Đánh giá cao việc Việt Nam và EU đã ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Chủ tịch QH nhấn mạnh, Việt Nam rất hoan nghênh các đoàn của EU, EP đến thăm và làm việc về các vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn và triển khai thực hiện hai Hiệp định này. Thông báo với Chủ tịch Bernd Lange về việc QH Việt Nam vừa kết thúc ngày thảo luận đầu tiên về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch QH nêu rõ, QH Việt Nam rất ủng hộ sự hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và mong muốn EP sẽ phê chuẩn EVFTA, EVIPA trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Bernd Lange cảm ơn Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp; cho rằng, đây là cơ hội để tiếp tục thảo luận về EVFTA và EVIPA; tin tưởng, việc triển khai thực hiện hai Hiệp định này sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên ngày càng hiệu quả hơn.

Chủ tịch Bernd Lange mong muốn, QH Việt Nam và EP phối hợp chặt chẽ để quá trình phê chuẩn hai Hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho người dân cũng như các cơ quan liên quan. EP không chỉ có vai trò phê chuẩn mà sau đó còn giám sát việc triển khai thực hiện các Hiệp định này.

Chủ tịch Bernd Lange cho biết, trong tuần tới, EP sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định. Vì vậy, EP rất mong muốn tìm hiểu kế hoạch hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vì đây là một trong những cơ sở quan trọng để EP xem xét, phê chuẩn Hiệp định nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các bên liên quan.

Chia sẻ quan điểm của Chủ tịch Bernd Lange về việc đàm phán, ký kết được các Hiệp định đã khó, việc triển khai thực hiện còn khó hơn, Chủ tịch QH cũng cho biết, UBTVQH đang tiến hành giám sát việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên nhằm bảo đảm các cam kết được thực thi nghiêm túc và hiệu quả; khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với EU, nhất là hợp tác về kinh tế - thương mại, do đó, sẽ thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết trong EVFTA – EVIPA, bao gồm các cam kết về phát triển bền vững.

Toàn cảnh buổi tiếp  Ảnh: Lâm Hiển 

Về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), QH Việt Nam đã xem xét, thảo luận qua nhiều vòng, nhiều phiên họp. Trong quá trình xem xét, nghiên cứu các vấn đề của dự thảo Bộ luật, các cơ quan của Việt Nam đã tham khảo ý kiến, quan điểm của ILO để đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế, với 2 Công ước còn lại của ILO (Công ước số 108 và Công ước số 87) mà Việt Nam chưa phê chuẩn thì tinh thần của Công ước cũng đã được thể hiện trong dự thảo Bộ luật lần này.

Về vấn đề đánh bắt cá trái phép (IUU fishing), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, quan điểm của Việt Nam là thúc đẩy khai thác hải sản có trách nhiệm và bền vững, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có phòng chống khai thác IUU. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để khắc phục tình hình khai thác IUU và xây dựng nghề cá bền vững. QH Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn trong đó có quy định về khai thác IUU, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản cũng đã được ban hành vào tháng 5.2019. Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU. Nhân dịp này, Chủ tịch QH cũng đề nghị EU sớm xem xét, gỡ bỏ ”thẻ Vàng” đối với mặt hàng thủy sản.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP cảm ơn Chủ tịch QH đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề mà phía EU, EP quan tâm; ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khai thác hải sản có trách nhiệm và bền vững; đánh giá cao các công việc mà Việt Nam đang triển khai liên quan đến việc thực thi EVFTA, EVIPA.

Quá trình thực thi hai hiệp định sẽ có những vấn đề phát sinh, song Chủ tịch Bernd Lange tin tưởng, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận, trao đổi, đối thoại cởi mở với nhau như trong thời gian qua. Nhất trí với đề xuất của Chủ tịch QH về việc tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa QH Việt Nam và EP trong quá trình phê chuẩn và thực thi hai Hiệp định, Chủ tịch Bernd Lange cũng cho rằng, hai bên có thể thiết lập một nhóm theo dõi, giám sát việc thực thi.

Phạm Thúy