Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng IPU - 140

- Chủ Nhật, 07/04/2019, 17:35 - Chia sẻ
Sáng 7.4 giờ địa phương, chiều cùng ngày giờ Việt Nam, trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 140 (IPU - 140), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Phiên thảo luận toàn thể của IPU - 140 và có bài phát biểu quan trọng về chủ đề “Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền”.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thế kỷ XXI với những thành tựu mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại, đang phát triển ngày càng nhanh, mạnh mẽ, đem lại sự thay đổi căn bản cho nhân loại nhưng thế giới cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố địa chính trị, kinh tế, vấn đề khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự chia rẽ trong cộng đồng dân cư, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với chất lượng cuộc sống của mọi người dân. Hòa bình, an ninh và phát triển bền vững là mục tiêu của tất cả chúng ta, đòi hỏi mọi quốc gia cần gia tăng nỗ lực chung để xây dựng những nền tảng căn bản, trong đó giáo dục vừa là một phương thức đồng thời cũng là một điều kiện tiên quyết. Đó cũng chính là lý do Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đều gắn giáo dục trong các mục tiêu cụ thể, nêu cao tầm quan trọng của giáo dục đối với hòa bình, an ninh và pháp quyền.

Trong bối cảnh thế giới ngày nay, Chủ tịch QH khẳng định, giáo dục góp phần thúc đẩy đối thoại, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, chống chủ nghĩa bài ngoại, ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan - mầm mống của tư tưởng bạo lực. Giáo dục cần phải toàn diện trên mọi lĩnh vực và có tính bao trùm, hướng tới mọi đối tượng, mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt chú trọng bảo đảm các nguyên tắc công bằng và bình đẳng.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng IPU - 140

Chủ tịch QH chỉ rõ, trong quá trình này, các nghị sỹ đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân bổ ngân sách, giám sát Chính phủ triển khai các kế hoạch hành động trong lĩnh vực giáo dục; đồng thời, nghị sỹ còn là cầu nối, giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong xã hội về ý nghĩa quan trọng của giáo dục vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Với tinh thần đó, Chủ tịch QH hoan nghênh mọi nỗ lực của IPU trong việc thúc đẩy các nghị viện thành viên dành ưu tiên cho giáo dục thể hiện qua các Nghị quyết của Đại hội đồng IPU năm 1993, năm 2001 và năm 2017. Đồng thời, đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU lần này đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của giáo dục và vai trò của các nghị viện trong việc thúc đẩy giáo dục vì mục tiêu hòa bình, an ninh và pháp quyền. “Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn, nhân văn của IPU, phát triển hướng tới một tương lai bền vững hơn cho hợp tác đa phương giữa các quốc gia nói chung và của ngoại giao nghị viện đa phương”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Nhìn nhận từ thực tế Việt Nam, Chủ tịch QH nêu rõ, trong tiến trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn đặt ưu tiên phát triển đi đôi với bền vững, đề cao giáo dục là quốc sách hàng đầu, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, 7/10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó, Việt Nam là một trong những hệ thống giáo dục đạt sự phát triển ấn tượng. Bên cạnh đó, đào tạo nghề cũng được Việt Nam hết sức chú trọng, kết hợp với giáo dục phổ thông và đại học nhằm bổ sung lực lượng kỹ sư khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ. Đóng góp vào những thành tựu đó, QH Việt Nam đã thông qua, sửa đổi nhiều văn bản luật quan trọng như Hiến pháp, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Luật Lao động; tăng cường giám sát nhằm nâng cao chất lượng đổi mới giáo dục ở Việt Nam và hiện đang tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh Việt Nam.

Để tăng cường vai trò của QH/Nghị viện trong việc thúc đẩy giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền, Chủ tịch QH đề xuất 5 nội dung:

Thứ nhất, cộng đồng quốc tế tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững, chú trọng giáo dục toàn diện cho mọi người dân, nhằm ngăn ngừa các mầm mống xung đột và thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc tế cho hợp tác giáo dục; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng lao động, phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thứ hai, phát huy vai trò của các Nghị viện, nghị sỹ hoàn thiện khung pháp lý trong nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, giám sát thực thi và phê chuẩn ngân sách phù hợp cho các chương trình cải cách, đổi mới giáo dục đào tạo bền vững; đồng thời bảo đảm thực thi công bằng, bình đẳng giữa mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt đối xử hay kỳ thị để mọi người dân được tiếp cận với giáo dục.

Thứ ba, tiếp tục giám sát triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong tiến trình này, IPU, Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực cần hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ các nghị viện thành viên trong việc triển khai trên thực tế.

Thứ tư, IPU cần tiếp tục đổi mới hoạt động, nhằm tăng cường hiệu quả và vai trò đối với các Nghị viện thành viên, thúc đẩy nghị viện thành viên thực hiện các khuyến nghị trong các nghị quyết đã được Đại hội đồng thông qua.

Thứ năm, tăng cường đối thoại, hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác giữa các quốc gia và các tổ chức khu vực, quốc tế, tạo nguồn lực hỗ trợ tối đa các quốc gia gặp nhiều hạn chế trong việc triển khai các chương trình giáo dục toàn diện, bao trùm vì sự phát triển bền vững.

Chủ tịch QH khẳng định, QH Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm, sẵn sàng cùng IPU và Nghị viện các nước thực hiện các Nghị quyết, sáng kiến của IPU góp phần vào việc xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.

Tin và ảnh: Phạm Thúy (từ Doha, Qatar)