Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên bế mạc Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu

- Thứ Tư, 10/10/2018, 00:00 - Chia sẻ
Chiều 9.10, giờ địa phương (tối cùng ngày giờ Việt Nam), sau một ngày thảo luận, đối thoại thẳng thắn về các nội dung thuộc chương trình nghị sự, Hội nghị Chủ tịch QH các nước Á Âu lần thứ 3 với chủ đề “Hợp tác Kinh tế, Môi trường và Phát triển bền vững ở khu vực Á Âu” đã bế mạc tại TP Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam tham dự Phiên bế mạc.

Lãnh đạo nghị viện các nước đã nhất trí thông qua Tuyên bố Antalya – Tuyên bố chung của Hội nghị MSEAP 3. Tuyên bố ghi nhận vai trò của các nghị viện trong việc tạo dựng không khí trao đổi thẳng thắn trên các vấn đề, tiếp nối các kết quả đạt được tại các hội nghị ở Moscow và Seoul; nêu rõ, lãnh đạo nghị viện các nước đã cùng trao đổi quan điểm về các biện pháp thúc đẩy ngoại giao nghị viện, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Á Âu.

Đề xuất của Chủ tịch QH Việt Nam được Lãnh đạo nghị viện các nước đồng thuận, nhất trí đưa vào Tuyên bố chung. Theo đó, nghị viện các nước tham dự MSEAP 3 cam kết giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc; công nhận hoàn toàn vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy và củng cố hòa bình và an ninh quốc tế.
Lãnh đạo nghị viện các nước cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chung về hỗ trợ lập pháp và tìm kiếm các khả năng mở rộng tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Á Âu vì một tương lai chung, tăng trưởng bao trùm, bền vững, thịnh vượng thông qua thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm, như dịch vụ logistics, hài hòa thủ tục hải quan, kết nối đa phương thức, các mạng lưới và cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa kinh doanh và chuyển giao công nghệ trên cơ sở tôn trọng các luật lệ và pháp luật của mỗi quốc gia.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên bế mạc Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu
Ảnh: Trọng Đức

Lãnh đạo nghị viện các nước tin tưởng vào triển vọng phát triển và tiềm năng hợp tác to lớn giữa các nước; nhắc lại cam kết thúc đẩy các quan hệ đối tác vì mục tiêu phát triển chung; tái khẳng định các quốc gia sẵn sàng tìm kiếm hợp tác trên các lĩnh vực mới, hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện và đối tác kinh tế chặt chẽ hơn, trên các lĩnh vực ưu tiên như thương mại và đầu tư, sản xuất và chế biến khoáng sản, năng lượng, nông nghiệp, kết nối hạ tầng, hợp tác tài chính và kinh tế, khoa học, công nghệ và sáng tạo, công nghệ thông tin truyền thông, cùng các lĩnh vực khác; ghi nhận nguyện vọng của các nước có mong muốn khuyến khích sử dụng các biện pháp mới nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế, thương mại thông qua các phương thức kết nối nội khối.

Trên cơ sở nhận thức hệ thống thương mại đa phương đang phải đối mặt với những thách thức khó lường, lãnh đạo nghị viện các nước đã cùng cam kết hướng tới một nền kinh tế toàn cầu mở, phân phối hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo tự do hàng hóa và dịch vụ, cạnh tranh công bằng và có trật tự, ủng hộ phát triển bền vững và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia; tái khẳng định ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, bao trùm, không phân biệt, minh bạch và dựa trên luật lệ như đã đề ra trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); nhắc lại các cam kết đảm bảo thực hiện và thực thi các quy định hiện hành của WTO và quyết tâm hợp tác nhằm củng cố hơn nữa Tổ chức Thương mại Thế giới, bác bỏ những thực tiễn thương mại không phù hợp với các nguyên tắc của WTO.

Tuyên bố Antalya ghi nhận tầm quan trọng của các nỗ lực chung giữa các nước, các tổ chức quốc tế và các hiệp hội cùng quan tâm trong việc phối hợp các chiến lược phát triển quốc gia và các đề án hội nhập đa phương, bao gồm những chương trình đã được thực hiện trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á Âu, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Sáng kiến Vành đai Con đường, Kết nối ASEAN và trong khuôn khổ đàm phán Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) nhằm hướng tới quan hệ đối tác cùng có lợi, cởi mở và bình đẳng tại khu vực Á Âu. Khuyến khích thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững phù hợp với pháp luật và quy định của mỗi quốc gia. Chúng tôi ủng hộ phát triển công bằng, cởi mở, phát triển theo định hướng sáng tạo và bao trùm, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 ở cả ba khía cạnh- kinh tế, xã hội, và môi trường, trên cơ sở cân bằng và hội nhập. Lãnh đạo nghị viện các nước ủng hộ vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc, trong đó có Diễn đàn chính trị cấp cao về Phát triển bền vững (HLPF) trong việc phối hợp và rà soát thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trên phạm vi toàn cầu, và ủng hộ thực hiện có hiệu quả quá trình cải tổ hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc nhằm tăng cường năng lực của tổ chức này trong việc hỗ trợ các nước thành viên thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Tuyên bố cũng nêu rõ nhận thức của lãnh đạo nghị viện các nước về vai trò quan trọng của các Nghị viện trong việc ưu tiên giải quyết các thách thức liên quan đến môi trường như: biến đổi khí hậu, hạn hán, nạn phá rừng, sa mạc hóa, thoái hóa đất đai, thiên tai, mất đa dạng sinh học, và khan hiếm nước trong các chương trình nghị sự quốc gia phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững, nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và phối hợp biện pháp giữa các nước Á Âu để nâng cao khả năng thích ứng và tự cường trước các tác động tiêu cực do những thách thức trên gây ra; nhắc lại Thỏa thuận Paris về tăng cường các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng tôi khẳng định lại cam kết hoàn thành trách nhiệm của các nghị viện đối với việc thực hiện các Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định (NDCs) thông qua các biện pháp lập pháp thân thiện với môi trường và bố trí ngân sách cho các chương trình giảm phát thải khí nhà kính một cách phù hợp.

Tuyên bố cũng nhắc lại quan điểm lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, tổ chức và biểu hiện, không phân biệt sắc tộc và tôn giáo; thừa nhận cần có giải pháp ứng phó toàn diện và bền vững trước mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan; tin tưởng rằng, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể ứng phó với mối đe dọa này và cam kết cùng hợp tác để bảo vệ công dân, củng cố an ninh toàn cầu, thúc đẩy ổn định, và tạo điều kiện hướng tới thắng lợi lâu dài. 

Về an ninh mạng, Tuyên bố nêu rõ, nhận thức an ninh mạng là vấn đề mang tính xuyên suốt, đòi hỏi phối hợp nỗ lực để ứng phó hiệu quả, và miền mạng là một cơ hội tiềm năng đối với phát triển đáng kể về kinh tế và công nghệ trong khu vực, lãnh đạo nghị viện các nước khẳng định nhu cầu tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn tại khu vực Á Âu về vấn đề an ninh mạng, bao gồm các biện pháp xây dựng chính sách, xây dựng lòng tin và các sáng kiến xây dựng năng lực.

Tại lễ bế mạc, lãnh đạo nghị viện các nước cũng đã nhất trí nhận lời mời của Cộng hòa Kazakhstan sẽ là chủ nhà tổ chức Hội nghị MSEAP lần thứ 4 vào năm 2019.

Phạm Thúy (Từ Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ)