Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

- Thứ Bảy, 01/08/2020, 15:31 - Chia sẻ
Sáng 1.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Hội nghị lấy ý kiến góp ý của Đảng đoàn Quốc hội vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 do Thành ủy Hà Nội tổ chức.

Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị góp ý kiến Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội 

Ảnh: Lâm Hiển 

Tham dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình...

Hà Nội đang phát triển tốt và chúng ta có quyền tự hào”

Báo cáo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, để chuẩn bị cho việc xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20 với 8 đề tài khoa học, đến nay các đề tài đều đã được nghiệm thu và làm cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng văn kiện. Sau thời gian khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần, trách nhiệm cao, Tiểu ban Văn kiện đã tổ chức xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị đảm bảo khoa học, có tính logic, tính kế thừa, tính thực tiễn, thể hiện sự công phu, bài bản của quá trình chuẩn bị.

Đến nay, bản dự thảo Báo cáo chính trị đã qua 9 lần nghiên cứu xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và hoàn thiện. Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu rõ kết quả thực hiện 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề của Thành ủy Khóa XVI; đồng thời tiếp thu các văn kiện của Trung ương, cập nhật tình hình phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh: Lâm Hiển

Tại hội nghị, các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến thẳng thắn về chủ đề, phương châm, các mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ trọng tâm cũng như các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện trong dự thảo Báo cáo chính trị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cách làm của Hà Nội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn kiện trình tại Đại hội lần thứ XVII rất chặt chẽ. Chính vì thế, Dự thảo Báo cáo chính trị được xây dựng công phu, nghiêm túc, tập hợp được trí tuệ của các cấp ủy đảng, các đảng viên, các ngành, các cấp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nội dung trong dự thảo Báo cáo chính trị đã bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP Hà Nội; những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội; các định hướng lớn trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các luật, nghị quyết đã được ban hành; căn cứ thực tiễn của Hà Nội và kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô..., từ đó, xây dựng các mục tiêu, định hướng lớn cho Hà Nội trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu

Ảnh: Lâm Hiển 

Về chủ đề của Đại hội, cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo chính trị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành ủy Hà Nội nghiên cứu ý kiến của các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội tại hội nghị để tiếp tục hoàn thiện.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với đánh giá trong Dự thảo Nghị quyết. Năm cuối cùng của nhiệm kỳ diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19, thiên tai dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả khá toàn diện. Đa số các chỉ tiêu đều dự kiến đạt và vượt kế hoạch đề ra tại Nghị quyết Đại hội XVI. Một số chỉ tiêu dự kiến không đạt nhưng vẫn ở mức khá so với trung bình cả nước.

Để khẳng định rõ hơn thành tựu đạt được, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bổ sung đánh giá cụ thể, chi tiết hơn về sự chỉ đạo tích cực, sự quyết tâm, nỗ lực của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và cả hệ thống chính trị Hà Nội trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Có thể nói, cả hệ thống chính trị Hà Nội đã phát huy vai trò, đóng góp xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, một trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, kinh tế và giao lưu, hợp tác quốc tế của cả nước. “Hà Nội hôm nay tuy còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết tốt hơn, nhưng khách quan mà nói, Thành phố Hà Nội đã đẹp, đã xanh, sáng, hiện đại, văn minh hơn rất nhiều về mọi mặt. Hà Nội đang phát triển tốt và chúng ta có quyền tự hào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu góp ý dự thảo văn kiện đại hội

Ảnh: Lâm Hiển 

Đánh giá sâu sắc hơn cơ chế, chính sách đặc thù với Thủ đô

Từ những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Dự thảo Báo cáo chính trị cần phân tích rõ sự chủ động của Ban Thường vụ Thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành, thực hiện các cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Với những kết quả đạt được, ngoài các nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước..., cần đánh giá bổ sung để làm rõ kết quả thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, tiến độ, quy mô giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; đánh giá tác động của các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch Covid -19 đối với kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Những chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra thì cần đánh giá kỹ lưỡng để xác định bước đi và cách đi tới đây như thế nào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự Hội nghị

Ảnh: Lâm Hiển 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá sâu hơn kết quả thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù mà Đảng, Nhà nước đã dành cho Thủ đô, nhất là kết quả thực hiện Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù dành cho Hà Nội; nêu rõ hơn tiến độ thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt để có căn cứ đánh giá, so sánh, từ đó có định hướng cho giai đoạn tới; bổ sung đánh giá về vai trò, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị Thủ đô vừa qua đã được chú trọng và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức, một số cấp ủy, nhất là ở cơ sở còn thấp, cá biệt có nơi còn làm mất vai trò lãnh đạo. “Với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, những tồn tại, yếu kém dù xảy ra chỉ một vụ việc nhỏ nhưng sẽ tác động dư luận xã hội rất lớn, cả nước quan tâm, thế giới quan tâm và có khi trở thành tâm điểm cho dư luận”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị, Hà Nội phải rút kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra những vụ việc tương tự trong tương lai. “Dự thảo Báo cáo chính trị phải đánh giá chính xác, cụ thể những hạn chế, tồn tại, yếu kém và bổ sung đầy đủ hơn những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Ví dụ, các đồng chí nhận định kinh tế chưa tạo được các đột phá lớn và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh thì phải làm rõ nhận định này để biết nguyên nhân sâu xa là gì để có những giải pháp trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ảnh: Lâm Hiển 

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với Dự thảo Báo cáo chính trị. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị cần gắn với việc thực hiện Luật Thủ đô, Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, Nghị quyết 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Hà Nội và Kết luận 22 của Bộ Chính trị, gần đây là Kết luận 46 của Bộ Chính trị để thể hiện đầy đủ hơn những quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, các chính sách, pháp luật đã có, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô sát với thực tiễn và đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị và gợi mở nhiều vấn đề trọng tâm, cốt lõi cần quan tâm hoàn thiện.

Phạm Thúy