Chủ động xét nghiệm sàng lọc

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 08:50 - Chia sẻ
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, những người nhiễm virus viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, nên muốn biết mình có mắc bệnh hay không, chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, không thể chờ đến khi có biểu hiện cụ thể là vàng mắt, vàng da, bụng trướng mới đi khám, lúc này bệnh đã vào giai đoạn muộn, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và nguy cơ tử vong cao.

Hơn 1 triệu người tử vong mỗi năm

Từ 2.7 – 31.8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiến hành xét nghiệm sàng lọc miễn phí cho bệnh nhân để phát hiện sớm viêm gan. Người dân có nhu cầu có thể gọi tới số điện thoại 19003228 để được xét nghiệm sàng lọc miễn phí viêm gan B, C, đồng thời tư vấn và điều trị bệnh gan hiệu quả, phù hợp.

Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 3 toàn cầu, thứ 2 châu Á về tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm gan virus cao. Tại Khoa Viêm gan, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân mắc bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện điều trị trong tình trạng muộn. Hiện phòng khám ngoại trú của Bệnh viện cũng đang quản lý hơn 7.000 bệnh nhân viêm gan B và khoảng 3.000 bệnh nhân viêm gan C.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết, viêm gan là bệnh lý thường gặp tại Việt Nam. Trong đó, viêm gan virus B, viêm gan virus C và uống nhiều rượu chính là những nguyên nhân phổ biến gây xơ gan. Ngoài ra, có thể gặp các nguyên nhân khác gây xơ gan như gan nhiễm mỡ thường gặp ở người bệnh tiểu đường hoặc thừa cân; nguyên nhân do di truyền, do chất độc như dùng thuốc, thực phẩm chức năng; viêm gan tự nhiên…

Theo các bác sỹ, viêm gan do rượu là tổn thương viêm gan tiến triển do sử dụng rượu trong một thời gian dài. Đây là một trong những bệnh phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Tổn thương gan do rượu gặp ở những bệnh nhân lạm dụng rượu, thường với mức độ trên 60 gram/ngày đối với nam và trên 20 gram/ngày ở nữ trong thời gian ít nhất 10 năm.

Đáng lo ngại, với những người nhiễm virus viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Theo thống kê, mỗi năm viêm gan do virus đã làm cho 1,4 triệu người tử vong trên thế giới và tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong do viêm gan B và C. Đơn cử, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình một tháng có khoảng 9.000 người đến cả 2 cơ sở của Bệnh viện khám vì viêm gan, trong đó có khoảng 250 người bệnh nặng phải điều trị.


Lấy máu xét nghiệm viêm gan virus B và C cho người dân 
Nguồn: ITN

Xét nghiệm sàng lọc

Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm ra 5 loại viêm gan virus, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan virus A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong 5 loại virus viêm gan trên, virus viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cho biết, nước ta có khoảng gần 8 triệu người mắc viêm gan B, 1 triệu người mắc viêm gan C, nên nhu cầu chăm sóc, điều trị là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng bệnh nhân đến được cơ sở chăm sóc điều trị vẫn rất thấp do người dân chưa có đầy đủ thông tin về bệnh viêm gan, trong khi bệnh này không có triệu chứng rõ ràng. “Người dân muốn biết mình có mắc bệnh hay không thì chỉ có cách xét nghiệm sàng lọc viêm gan, không thể chờ đến khi có biểu hiện cụ thể là vàng mắt, vàng da, bụng trướng mới đi khám, lúc này bệnh đã vào giai đoạn muộn” - ông Kính nhấn mạnh.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Kidong Park khuyến cáo, cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virus B và C gồm tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế và can thiệp giảm tác hại. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao như Việt Nam, phải được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính cũng cho biết, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1987 giúp giảm tỷ lệ viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 5%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phong trào tẩy chay vaccine rộ lên khiến một bộ phận người dân quay lưng với vaccine, trong đó có vaccine phòng bệnh viêm gan B làm giảm tỷ lệ tiêm loại vaccine này. Đây là điều rất đáng lo ngại, song để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% và loại trừ viêm gan virus vào năm 2030, ngành y tế đã nỗ lực tăng cường truyền thông, tiêm chủng, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B đã tăng trở lại trên 90%.

Vân Phi