Phòng, chống dịch Covid-19

Chủ động và quyết liệt

- Thứ Năm, 06/08/2020, 06:05 - Chia sẻ
Trong những ngày qua, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác thì hàng loạt các biện pháp đã được ngành y tế quyết liệt triển khai. Cùng với việc truy vết, khoanh vùng, tiến hành cách ly đối với những trường hợp liên quan đến ca bệnh, công tác điều trị và xét nghiệm cũng được đặt lên hàng đầu, nhiều bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Chủ động trong điều trị và xét nghiệm

Khẳng định xét nghiệm để xác định trường hợp dương tính sớm là một trong những mắt xích quan trọng, hạn chế việc lây lan ra cộng đồng cũng như giúp cơ quan chức năng sớm có các biện pháp ngăn chặn Covid-19, Bộ Y tế đã điều động nhân sự thành lập đội xét nghiệm hoạt động tại Đà Nẵng, gồm 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 sẽ triển khai truy vết về kháng thể, truy vết những trường hợp từng nhiễm Covid-19 hay chưa, bằng phương pháp huyết thanh học (phương pháp elisa). Đồng thời tìm trong cộng đồng đã tồn tại kháng thể hay chưa (những người đã từng nhiễm Covid-19). Nhóm huyết thanh học (Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương) sẽ thí nghiệm huyết thanh học tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng với số lượng mẫu thu thập khoảng 7.000, hiện đã xét nghiệm 5.000 mẫu, dự kiến có thể thu thập từ 10.000 - 20.000 mẫu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác lắp đặt phòng ICU tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Ảnh: Anh Văn

Nhóm 2 là nhóm Viện Pasteur Hồ Chí Minh, nhóm xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, phòng xét nghiệm chẩn đoán sinh học phân tử và chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Còn nhóm thứ 3 thực hiện trực tiếp tại CDC Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm sinh học phân tử, để xác định những ca đang nhiễm Covid-19, từ đó có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời; nhóm có sự tham gia trực tiếp của Viện Pasteur Nha Trang.

Với vai trò là Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng cho hay, chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều. Đội đặc nhiệm tại CDC Đà Nẵng phải làm việc liên tục trong suốt những ngày qua bởi số lượng mẫu gửi đến tăng lên từng ngày. Nếu ít ngày trước mỗi ngày xét nghiệm từ 500 - 700 mẫu nhưng nhờ sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, hệ thống máy móc tự động thì hiện tại đã thực hiện khoảng 8.000 - 10.000 mẫu/ngày”.

Ảnh: Anh Văn

Không chỉ chủ động trong xét nghiệm, việc hỗ trợ chuyên môn trong chẩn đoán, điều trị Covid-19 luôn được ngành y tế đề cao. Theo đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bộ Y tế đã cử nhóm hỗ trợ bao gồm 10 chuyên gia đến bệnh viện, trong đó có Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bệnh viện đã ghi nhận những trường hợp tử vong, một số bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng, có nguy cơ tử vong, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đã bố trí 1 khu cách ly trung gian 20 giường, 1 khu cách ly 200 giường để điều trị cho các bệnh nhân nặng hoặc có tiền sử tiếp xúc bệnh nhân hoặc đi lại các khu vực có dịch. Còn tại Bệnh viện Đà Nẵng, một số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện sẽ chuyển đến các bệnh viện khác, trong đó chiều 4.8 đã chuyển 3 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đến Bệnh viện Hòa Vang; dự kiến chuyển tiếp 4 bệnh nhân nặng đến Bệnh viện Lao và bệnh phổi Đà Nẵng.

Sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã giao cho bộ phận thường trực của TP Đà Nẵng toàn quyền quyết định nguồn nhân lực trên cả nước trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ cho ngành y tế Đà Nẵng với những chuyên gia giỏi nhất về dịch tễ, điều trị, xét nghiệm.

Ảnh: Anh Văn

Mới đây, ngay sau khi UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản đề nghị, thành phố Hải Phòng và tỉnh Bình Định đã cử các nhân viên y tế đến hỗ trợ. Ngành y tế Hải Phòng cử 33 cán bộ y tế gồm 9 bác sĩ, 24 điều dưỡng là những cán bộ có trình độ kinh nghiệm thuộc 3 chuyên ngành Nội Hô hấp, Hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm của 3 Bệnh viện Việt Tiệp, Kiến An, phụ sản đi chi viện cho Thành phố Đà Nẵng. Trong đó Bệnh viện Việt Tiệp 5 bác sĩ, 15 điều dưỡng; Bệnh viện Kiến An 3 bác sĩ và 10 điều dưỡng; Bệnh viện Phụ sản 1 bác sĩ. Sở Y tế cử Phó giám đốc TS. Trần Anh Cường làm trưởng đoàn. Thành phố Hải Phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam mỗi địa phương 5 tỷ và 200.000 khẩu trang y tế; đoàn đã lên đường ngay hôm qua, 5.8. Sở Y tế tỉnh Bình Định cũng cử 25 nhân viên y tế để hỗ trợ thành phố Đà Nẵng; đoàn lên đường ngày 6.8.

Chủ động xét nghiệm, sàng lọc bệnh nhân Covid-19.
Ảnh: Bộ Y tế

Sẵn sàng đón bệnh nhân nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 17 (Cục Hậu cần, Quân khu V) Thượng tá Nguyễn Hồng Hà cho biết, hiện bệnh viện có 200 giường bệnh, là bệnh viện tuyến 1 và sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến số 3 khi có lệnh. Hiện nay, cán bộ chiến sĩ toàn bệnh viện đang ở tư thế sẵn sàng cao nhất và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Được biết, Bộ Quốc phòng đã cử đoàn công tác Viện Y học dự phòng Quân đội; Trung tâm Y học nhiệt đới Việt Nga cùng các trang thiết bị xét nghiệm Realtime PCR, phương tiện lấy mẫu bệnh phẩm và các thầy thuốc có kinh nghiệm phòng, chống dịch vào tăng cường cho Bệnh viện Quân Y 17. Quân khu V đã tổ chức 12 điểm cách ly tập trung cho các đối tượng tiếp xúc gần (F1 và F2) với số lượng hơn 3.000 người. Các bệnh viện, bệnh xá trong toàn quân khu đã chuẩn bị các kịch bản trong mọi tình huống, sẵn sàng cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19.

Đến kiểm tra công tác sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân của Bệnh viện Đà Nẵng âm tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, hệ thống xét nghiệm của bệnh viện rất hiện đại, sẵn sàng sử dụng xét nghiệm Realtime CPR tầm soát trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng. Bệnh viện cũng sẵn sàng "chia lửa" đón bệnh nhân nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến.

Dương Cầm