Phát triển hàng thủ công mỹ nghệ

Chủ động sáng tạo cải thiện mẫu mã

- Thứ Bảy, 22/09/2018, 09:35 - Chia sẻ
Trong nhiều năm đã qua, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống xã hội qua việc thương mại hóa và thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì hiệu quả kinh tế từ ngành nghề này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Gặp nhiều khó khăn

Thực tế, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các làng nghề Việt Nam bắt đầu hút khách hàng và khách du lịch đến tận nơi để chiêm ngưỡng việc sản xuất thủ công và mua những mặt hàng độc đáo tại gốc. Các mặt hàng làm bằng tay được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... và các nước Đông Nam Á như Philippines, Thái Lan... Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn là một phần không thể thiếu trong việc phát triển du lịch, đặc biệt khi hiện nay du lịch được khẳng định là kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội làng nghề Việt Nam, thực tế cho thấy, sản phẩm của ngành có nhiều tiến bộ cả về chất lượng và mẫu mã. Tuy nhiên, ngành thủ công Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là sự biến động của thị trường trong và ngoài nước do tác động của khủng hoảng kinh tế; sự gia tăng của giá trị nguyên liệu đầu vào, của nhiên liệu, công lao động…

Cụ thể phần lớn các cơ sở đơn vị thuộc lĩnh vực này vẫn phát triển ở quy mô nhỏ. Cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, hầu hết đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp. Hơn nữa, do thiếu sự phối hợp đồng bộ nên sản phẩm thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế sức cạnh tranh cả trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Mới đây, Sở Công thương Hà Nội đã giới thiệu cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2018 với chủ đề “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với phát triển làng nghề và du lịch”, nhằm khuyến khích mọi người phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu mã cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại đây, nhiều doanh nghiệp ngành này đều nhận định: “Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang bị động trong tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm”. Đây cũng là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là cơ sở quy mô nhỏ. Do đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất cần sự hỗ trợ của các bên trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.

Chủ động cải tiến mẫu mã phù hợp thị trường

 Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có gần 5.500 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động và tạo ra khối lượng sản phẩm giá trị hàng hóa hàng chục nghìn tỷ đồng. Tiềm năng lớn, song các làng nghề vẫn chưa phát huy hết năng lực, thế mạnh của mình; chưa có sự liên kết trong làng nghề về việc xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng một trong những yêu cầu cấp thiết đòi hỏi các làng nghề Việt Nam là phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng địa phương cũng cần linh hoạt hơn để mở nhiều tuyến du lịch làng nghề đến những cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nổi tiếng có bề dày văn hóa lâu đời. Đồng thời, các làng nghề cũng cần được tham gia các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam ở các nước. Việc cọ xát với thị trường quốc tế giúp làng nghề nắm bắt thông tin nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, giải quyết vấn đề rất bức xúc của làng nghề hiện nay là sáng tạo mẫu mã như thế nào, áp dụng công nghệ hiện đại ra sao để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng từng nước cụ thể nhằm tìm “đầu ra” cho xuất khẩu.

Để làm được điều này các làng nghề phải có sự hợp tác chặt chẽ, khoa học giữa các cá nhân, các thành viên trong làng nghề. Việc tạo ra các tổ chức, hợp tác xã kiểu mới vừa làm cầu nối giữa các cá nhân, tập thể tạo ra sự liên kết bền vững, vừa đóng vai trò tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đầu ra, vốn, nguyên liệu, quảng bá thương hiệu. Ông Đặng Huy, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Hiệp hội làng nghề Việt Nam chia sẻ: “Trên thực tế, do chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ khiến thu nhập của người sản xuất thường quá thấp và để trung gian thu lợi lớn. Làng nghề chưa phát huy được hết tiềm năng, tiềm lực và việc liên kết giữa các cơ sở, làng nghề còn nhiều hạn chế”.

Đinh Loan