Chủ động quyết định tương lai

- Thứ Năm, 31/01/2019, 08:38 - Chia sẻ
“Chúng ta đã, đang và sẽ lớn mạnh hơn nữa. Đã đến lúc chúng ta có thể chủ động quyết định tương lai của mình - một tương lai mà ở đó đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tại chương trình “Chia sẻ tầm nhìn 2019” tổ chức sáng 30.1.

Tính độc lập, tự chủ được cải thiện

“Việt Nam đang tiến rất nhanh trên con đường phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường, với việc lấy con người làm trọng tâm trong mô hình phát triển mang tính bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Cụ thể, về kinh tế đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong thời gian dài. Xét trong giai đoạn từ năm 1989 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,8%; quy mô nền kinh tế tăng gấp 39 lần, từ 6,3 tỷ USD lên gần 250 tỷ USD; GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần, từ 94 USD lên 2.587 USD. Mặc dù vậy, nếu so với một số nước trong khu vực thì quy mô nền kinh tế nước ta vẫn còn khiêm tốn. Chẳng hạn, GDP của Indonesia năm 2017 gấp 4,5 lần, Malaysia gấp 1,4 lần so với Việt Nam… Nước ta vẫn đang thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, với mức thu nhập bình quân đầu người xếp hạng 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngang bằng Thái Lan năm 2003, bằng Hàn Quốc từ những năm 80…

Xét trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là 2 năm 2017 - 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức cao “cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn, tính độc lập, tự chủ cải thiện hơn”. Điểm đáng chú ý được ông nhấn mạnh là chúng ta đã “không phải đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô”; cùng với đó là sự lớn mạnh của khối kinh tế tư nhân với rất nhiều nhà đầu tư lớn cùng các công trình lớn, dần khẳng định vị thế của mình.


Đã đến lúc chủ động quyết định tương lai  Nguồn: ITN

Tại Chương trình Chia sẻ tầm nhìn 2019 có sự tham gia của người khiếm thị, người tự kỷ - đại diện cho nhóm người yếu thế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều này nhằm nhấn mạnh rằng, cộng đồng người yếu thế là một phần của chúng ta. Tất cả các thành phần đều có quyền bình đẳng trong đóng góp vào sự phát triển cũng như bình đẳng trong hưởng lợi từ thành quả của sự phát triển, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Về xã hội, Việt Nam được đánh giá cao khi hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015. Việt Nam cũng được coi là quốc gia hình mẫu trong khu vực về xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58,1% tương đương khoảng 40 triệu người (năm 1993) thì nay chỉ còn 5,35% (tương đương 5 triệu người nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều). Tuy nhiên, số lượng người thiệt thòi, yếu thế trong xã hội vẫn còn nhiều. Theo đó, hiện còn hơn 30 nghìn trẻ mồ côi bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trên 1,5 triệu người cao tuổi; 1,1 triệu người khuyết tật nặng hoặc rất nặng; 98 nghìn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo đang nhận trợ cấp xã hội…

Bảo vệ môi trường hiện là vấn đề rất quan trọng đặt ra với phát triển bền vững của Việt Nam. Ô nhiễm rác thải, ô nhiễm không khí, úng ngập, tắc nghẽn giao thông, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang gây ra những tác động không tốt. “Với tốc độ đô thị hóa nhanh, những vấn đề này nếu không xử lý kịp thời, thấu đáo sẽ là trở ngại, làm giảm tốc độ phát triển của các thành phố này cũng như của cả nước”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận.

Cải cách thể chế là nền tảng quan trọng nhất

Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong thời gian qua, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ý thận trọng khi cho rằng chúng ta vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó có tác động từ biến động của thế giới và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế phải đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đi liền với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong thời gian dài. Động lực tăng trưởng nhanh, bền vững cần dựa trên nền tảng cải cách thể chế - khâu đầu tiên, quan trọng nhất và mang tính quyết định. Phải nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt phải coi khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, là mục tiêu để tập trung, dựa trên nền tảng đó mới có thể bứt phá.

Cho rằng trong quá trình phát triển, cơ hội và thách thức luôn song hành; các cơ hội, thách thức này không phải tự nhiên mà đến, do chính chúng ta tạo ra; thách thức của quốc gia này lại là cơ hội của quốc gia khác và ngược lại, ông Dũng nhấn mạnh “nếu chúng ta biết nhận diện, chắt chiu, tận dụng cơ hội thì tránh được thách thức và ngược lại”. Theo đó, quốc gia nào tận dụng được tất cả cơ hội thì quốc gia đó thành công, vấn đề là chúng ta cần nhận diện, nắm bắt cơ hội, biến cơ hội thành hiện thực.

Liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là thời điểm phù hợp để điều chỉnh chính sách có liên quan. Do vậy, cần có bộ lọc mới phù hợp với các cam kết quốc tế, thông qua các công cụ, chính sách của Nhà nước để khuyến khích vào các lĩnh vực như công nghệ cao, ít phát thải môi trường.

 Hiện Việt Nam có khoảng 95 triệu người, đứng thứ 15 thế giới. Trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 55 triệu người, bằng 58% dân số cả nước. Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, nhưng thách thức vẫn rất lớn khi mới chỉ có ưu thế về số lượng, còn chất lượng (trình độ, kỹ năng, sức sáng tạo) còn hạn chế. Do đó, phải đào tạo, đào tạo lại để tận dụng được các cơ hội từ dân số vàng.

Trong xu thế của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, phát triển đô thị thông minh là phương thức tất yếu để giải quyết các vấn đề đô thị hóa nhanh. Để hiện thực hóa các mục tiêu này cần có sự kết hợp nền tảng công nghệ, con người, nguồn lực tài chính. Muốn vậy, phải có quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn dài hạn, xác định các ưu tiên, đề xuất chính sách để doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia, tức phải đồng bộ các giải pháp để thực hiện phát triển bền vững.

“Chúng ta đã, đang và sẽ lớn mạnh hơn nữa. Đã đến lúc chúng ta có thể chủ động quyết định tương lai của mình - một tương lai mà ở đó đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc. Còn người dân ngoài khát vọng, ý chí cần biết đoàn kết, mạnh mẽ hơn, chăm chỉ hơn. Tất cả mọi người dân phải đồng tâm hiệp lực thì chắc chắn xây dựng đất nước hùng mạnh hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Đan Thanh