Chủ động phương án ứng phó bão số 2

- Thứ Năm, 04/07/2019, 08:21 - Chia sẻ
Cơn bão số 2 (tên quốc tế MUN) là cơn bão đầu mùa, nhiều khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Bộ và dự báo sẽ gây mưa lớn. Để hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 2, không được chủ quan.

Chiều 3.7, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai có công điện gửi UBND 28 tỉnh, thành phố và các Bộ: NN - PTNT, Công thương, Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an. Công điện nêu rõ: Theo dự báo, bão số 2 có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Bộ, có thể xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, đặc biệt là một số tỉnh phía Tây Bắc Bộ. Đây là cơn bão đầu mùa, dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại một số địa phương vừa qua đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Để hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Trong ngày 3.7, các địa phương đã triển khai nhiều phương án ứng phó với bão số 2.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại khu vực Cảng cá Quan Chánh, Kiến Thụy 
Ảnh: Bùi Linh

Bộ GD - ĐT chỉ đạo bảo đảm an toàn khu vực chấm thi

Chiều 3.7, Bộ GD - ĐT gửi công điện yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cấp tỉnh và Sở GD - ĐT các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão; thông tin kịp thời đến các cơ sở giáo dục, chuẩn bị lực lượng để chủ động phòng, tránh. Đồng thời, kiểm tra, rà soát bảo đảm an toàn khu vực chấm thi; triển khai và thực hiện các phương án an toàn giao thông, nơi ăn, ở của cán bộ làm công tác chấm thi, đặc biệt là ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng. Lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, đặc biệt bảo quản bài thi, hồ sơ, tài liệu thi; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại tài sản. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bố trí các điểm sơ tán an toàn gần khu vực chấm thi, đồng thời bảo đảm công tác hậu cần và các nhu yếu phẩm cần thiết tại các điểm sơ tán. Thường xuyên giữ liên hệ với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương để báo cáo, thực hiện công tác ứng phó thiên tai, sơ tán cán bộ làm công tác chấm thi khi có yêu cầu.

Hải Phòng: Thành phố đã thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại các quận, huyện trên địa bàn. Các hoạt động giao thông thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông bị cấm từ 12 giờ ngày 3.7. Đến 10 giờ ngày 3.7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.536 phương tiện/8.786 lao động; 465 lồng bè/1.290 lao động; 350 chòi canh/288 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động phòng tránh. Các địa phương có tàu đánh bắt cá neo đậu, có chòi canh ngao sẽ cưỡng chế để mọi người dân vào khu vực tránh trú bão an toàn.

Ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải - một trong hai huyện đảo của thành phố Hải Phòng “đón” bão đầu tiên cho biết, đến 14 giờ ngày 3.7, toàn bộ du khách trong và ngoài nước đang lưu trú tại các đảo nhỏ hoặc các tàu du lịch đều đã về lưu trú tại thị trấn. Huyện đảo đã sẵn sàng thường trực lực lượng, chuẩn bị các phương án phòng, chống bão số 2.

Tại Đồ Sơn, quận bố trí lực lượng ứng trực và cấm người dân, du khách xem sóng biển dâng cao ngay trong chiều 3.7.

Quảng Ninh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 2 tại huyện Vân Đồn và nhấn mạnh: “Các ngành chức năng cần chuẩn bị mọi phương án phòng chống bão, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời thông tin đến người dân để có biện pháp phòng chống; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lưới điện. Địa phương nào để xảy ra thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”. Bí thư Huyện ủy Vân Đồn Tô Xuân Thao cho biết: Đến chiều 3.7, đã có hơn 1.300 phương tiện tàu, thuyền của các xã, thị trấn được kêu gọi và nắm được thông tin để di dời vào các nơi tránh trú an toàn; 531 nhà bè nuôi trồng thủy sản và dịch vụ được chằng chống chắc chắn, an toàn; đồng thời sẵn sàng sơ tán người già, trẻ em lên bờ. Huyện cũng đã thông báo cho nhân dân và du khách diễn biến của bão để chủ động về đất liền; đồng thời chỉ đạo các địa phương bảo đảm an toàn cho du khách còn lưu trú trên địa bàn.


Tàu, thuyền về nơi neo đậu, tránh trú bão tại cảng Cái Rồng, Quảng Ninh
Nguồn: baoquangninh.com.vn

Ninh Bình: Tỉnh đã yêu cầu tất cả các tàu, thuyền, phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn trước 18 giờ ngày 3.7. Việc di dân khu vực ngoài đê Bình Minh 3 và di dân ra khỏi vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn xong trước 18 giờ ngày 3.7. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các tàu, thuyền và thuyền viên hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú bão an toàn.  Dự kiến, từ đêm 3.7 đến ngày 5.7, khu vực tỉnh Ninh Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi chuẩn bị cho vận hành 4 trạm bơm, 16 cống dưới đê và cống hồ nhằm tiêu thoát nước kịp thời khi xảy ra mưa lớn.

Nghệ An: Đến 13 giờ ngày 3.7, phần lớn tàu thuyền của ngư dân Nghệ An đã neo đậu an toàn tại các bến, lạch để tránh, trú cơn bão số 2. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu thuyền đang hoạt động trên biển chưa liên lạc được. Còn tại các vùng nuôi tôm, chính quyền địa phương và bà con cũng đã lên phương án bảo vệ. Các hộ nuôi chuẩn bị lưới mắt dày khi nước dâng cao thì vây quanh ao để tôm không thoát ra ngoài. Một số hộ có tôm chuẩn bị đến kỳ thu hoạch thì chủ động cho kéo sớm hơn để bảo đảm an toàn.   

Hà Tĩnh: Toàn tỉnh có 3.960 tàu thuyền và 15.753 người hoạt động đánh bắt trên các vùng biển. Tính đến chiều 3.7, 100% tàu, thuyền hoạt động trên biển đã về nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, có 185 tàu cá với 1.050 lao động đánh bắt xa bờ đã tìm được nơi neo đậu tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh; 3 tàu cá với 34 lao động trú tại các tỉnh từ Bình Thuận - Vũng Tàu; 28 tàu cá với 195 lao động neo đậu tại các tỉnh từ Đà Nẵng - Quãng Ngãi và 3.744 tàu cá với 14.474 lao động trú tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, các địa phương vùng biển quán triệt, nghiêm cấm toàn bộ tàu, thuyền ra khơi đánh bắt khi chưa có quyết định của cơ quan chức năng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm 3.7 và ngày 4.7, phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông; riêng Sơn La, Hòa Bình có mưa to đến rất to. Phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Khu vực Đông Bắc và đồng bằng có mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, phía Bắc có mưa to đến rất to; phía Nam đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, ngày có mưa rải rác.

T. Phong tổng hợp