Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

Chủ động giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư

- Thứ Sáu, 31/05/2019, 08:37 - Chia sẻ
Đã có hơn 16 nghìn tỷ đồng tiết giảm được Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện trong quá trình triển khai đầu tư 5 dự án cao tốc liên vùng do đơn vị làm chủ đầu tư.

Tiết kiệm hơn 16 nghìn tỷ đồng

Trong dịp cao điểm phục vụ kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5.2019, nhiều tuyến cao tốc do VEC quản lý đã lập kỷ lục về lưu lượng phương tiện lưu thông. Cụ thể: Từ ngày 27.4 đến hết ngày 1.5, có 843.000 lượt phương tiện lưu thông, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 12% về lượng và 9,5% về doanh thu. Trong đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, với mức bình quân tiếp nhận 67.400 lượt/ngày đêm, bằng 107% cùng kỳ năm trước; tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đón bình quân 271.700 lượt, cao hơn 4,3% so cùng thời điểm năm ngoái… Dù chưa tạo được sức bật đột phá về lưu lượng, song tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng đã đón 31.800 lượt phương tiện, trong đó riêng ngày 28.4 có khoảng 7.000 lượt phương tiện, bỏ xa mốc kỷ lục tuyến thiết lập trong dịp 30.4.2018.

Trải qua 15 năm hoạt động, đến nay VEC luôn được Bộ Giao thông - Vận tải (GT - VT) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá là đầu tàu phát triển mạng đường bộ cao tốc với tổng chiều dài gần 500km. Điều đáng ghi nhận, 4/5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đều được tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế (riêng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không đầu tư bằng vốn nước ngoài nên tổ chức đấu thầu trong nước), qua đó tiết giảm khoảng 13.000 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với giá dự toán ban đầu.

Đơn cử, tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có tổng mức đầu là 34.516 tỷ đồng. Dự án gồm 18 gói thầu xây lắp chính được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, 3 gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước và 9 gói thầu phụ trợ, giá trị tiết kiệm sau đấu thầu của các gói thầu xây lắp chính tại công trình này là khoảng 4.000 tỷ đồng, giá trị tiết kiệm so với dự toán là trên 15%. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế và tiết giảm các chi phí khác, tổng mức đầu tư dự án dự kiến sẽ chỉ còn khoảng 26.000 tỷ đồng.

Hay đối với Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dù vẫn đang trong giai đoạn thi công nhưng với 11 gói thầu xây lắp chính được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, 2 gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước và 12 gói thầu phụ trợ, ở bước rà soát thiết kế kỹ thuật, VEC đã điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng hợp các nhóm giải pháp về kỹ thuật đã giúp mang lại cho VEC giá trị ước tính giảm trên 6.300 tỷ đồng; giá trị tiết kiệm thông qua đấu thầu là 3.800 tỷ. Tổng mức đầu tư Dự án Bến Lức - Long Thành tính đến thời điểm hiện tại đã giảm xuống còn khoảng 27.500 tỷ đồng thay vì 31.320 tỷ đồng đã được Bộ GT - VT phê duyệt.


Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Ngoài việc tiết giảm so với giá dự toán từ đấu thầu cạnh tranh quốc tế, trong quá trình triển khai xây dựng, các dự án do VEC làm chủ đầu tư còn tiết giảm thêm hàng nghìn tỷ đồng thông qua việc điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và biện pháp thi công trên cơ sở vẫn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật dự án. Điển hình, tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trong bước thiết kế cơ sở đã tiến hành điều chỉnh hướng tuyến, kết cấu cầu, nút giao… tiết giảm chi phí đầu tư được 2.371 tỷ đồng. Tiếp đến, công đoạn thiết kế bản vẽ thi công, đã tiến hành điều chỉnh trắc dọc, mặt cắt ngang, khe co giãn… kéo chi phí đầu tư công trình tiếp tục giảm thêm gần 200 tỷ đồng.

Tính tổng cộng, nhờ việc tổ chức đầu thầu cạnh tranh, minh bạch; điều chỉnh thiết kế kỹ thuật cũng như biện pháp thi công; tổng mức đầu tư tính đến thời điểm hiện tại của 5 dự án đã được chủ đầu tư điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 108.865 tỷ đồng nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình, giảm 16.707 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư các dự án đã được phê duyệt.

“Khẳng định vai trò nòng cốt”

Cần phải nói thêm rằng, cả 5 tuyến đường cao tốc VEC đầu tư, quản lý không phải là đường độc đạo và là những tuyến đường được xây dựng mới hoàn toàn bằng vốn vay và vốn VEC tự huy động (không phải dự án BOT). Với việc khai thông các tuyến cao tốc VEC, khách hàng có thêm cơ hội để lựa chọn lộ trình đi lại của mình.
Các tuyến cao tốc VEC mở ra không chỉ được đánh giá cao về tính hiệu quả khi giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các địa phương, hỗ trợ tăng cường giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng - miền, mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông trên đường cao tốc; giảm thiểu sự cố, tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nối với đường cao tốc. Trong 4 tháng đầu năm nay, đã ghi nhận những nỗ lực của VEC trong công tác quản lý, khai thác vận hành 4 tuyến cao tốc, với trên 15,5 triệu lượt phương tiện được phục vụ (chưa tính 233.500 lượt phương tiện thuộc diện miễn phí), tăng 14% so cùng kỳ 2018. 

Bên cạnh công tác thu phí, vận hành, bảo trì, kiểm soát trọng tải luôn được VEC chú trọng. Trong 4 tháng đầu năm, VEC đã kiểm tra tải trọng 848.600 lượt phương tiện, phát hiện 34.500 lượt phương tiện quá tải, qua đó thực hiện từ chối phục vụ 26.400 phương tiện vi phạm tải trọng quy định. Đặc biệt, 4 tháng qua, với lưu lượng tăng trên 14% so cùng thời điểm năm ngoái, nhưng số vụ va chạm trên các tuyến VEC quản lý giảm 12%; số vụ xe đạp, xe máy và xe ba bánh lưu thông vào đường cao tốc chỉ bằng 53% cùng kỳ 2018.

Theo lãnh đạo VEC, trong suốt chặng đường 15 năm hoạt động, VEC luôn lấy phương châm phục vụ “Sự an toàn, bình an của khách hàng là trách nhiệm và hạnh phúc” để không ngừng phấn đấu. Đó cũng là hành động thiết thực bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới quý khách hàng, các doanh nghiệp... đã luôn ủng hộ và đồng hành với VEC trong suốt những năm qua.

Đánh giá về thành công trên, Thứ trưởng Bộ GT - VT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò nòng cốt, số một của đơn vị trong chiến lược đầu tư phát triển, vận hành khai thác hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia”.

BẢO NHƯ