Chính sách công nghiệp trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ động để phát triển

- Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:13 - Chia sẻ
Trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cần có chính sách công nghiệp chủ động. Trong đó, vẫn cần dựa vào khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) song không nên ảo tưởng cho rằng nhờ thế mà vươn lên đuổi kịp các nước khác. Đây là những khuyến nghị chính sách được nêu ra tại Hội thảo Công nghiệp 4.0 và chính sách công nghiệp: Kinh nghiệm từ Đức và gợi ý chính sách cho Việt Nam, do Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện FES tổ chức sáng qua.

Mắc kẹt do quá nhiều mũi nhọn

“Từ sau Đại hội XII của Đảng, chúng ta đề cập nhiều đến khái niệm Cách mạng Công nghiệp 4.0, đô thị thông minh nhưng chưa cụ thể hóa được hết những mục tiêu cần đạt tới của nước ta vào thời điểm 2030 và không có một lộ trình rõ ràng để đi tới mục tiêu đó”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm. Theo ông Kiên, chính điều này “làm cho xã hội băn khoăn, lo lắng và đặt ra câu hỏi liệu các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 2016 - 2020 và mục tiêu tới năm 2030 có thực sự hướng tới mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hay không? Vào thời điểm nào thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này trong kế hoạch 2021 - 2030?”.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại hội thảo Ảnh: Đan Thanh

Các chuyên gia khẳng định, muốn phát triển, đặc biệt trong Cách mạnh Công nghiệp 4.0 phải có chính sách công nghiệp chủ động. Trên thực tế, ứng dụng công nghệ 4.0 đã được triển khai ở nước ta song theo đánh giá, các chính sách liên quan công nghệ 4.0 chưa định hình rõ nét và chính cơ quan quản lý nhà nước cũng còn lúng túng. Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ Đàm Bạch Dương thừa nhận, mảng nội dung liên quan đến chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dù đã được Bộ đặt trong chương trình quốc gia về 4.0 song “chúng tôi rất băn khoăn”. Ông Dương chỉ rõ, những doanh nghiệp lớn chủ động vì có nguồn lực để làm, nhưng DNNVV thì khó. “Bản thân các cơ quan của Chính phủ, cơ quan tư vấn cũng không có kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp”, ông Dương nói.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Ngọc Điệp bổ sung, công nghệ 4.0 có 3 trụ cột là kinh tế số, công nghệ sinh học và vật lý. Đối với công nghệ sinh học, hiện chúng ta vẫn chưa có đánh giá đúng mức và chưa có nghiên cứu chính sách. Hay về vật lý, khu vực tư nhân đã sử dụng robot nhưng “chính sách, chiến lược của Nhà nước vẫn chưa rõ ràng”.

Ví von chính sách công nghiệp của Việt Nam hiện nay giống “quả mít” vì có quá nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn, ông Điệp cho rằng chính điều này khiến chúng ta bị mắc kẹt. Hiện, dù nói nhiều và đã sử dụng công nghệ 4.0 song thực tế, nhiều cái mới chỉ ở mức 2.0. “Quan trọng nhất là chính sách phải nhìn được lợi ích của công nghệ 4.0 cũng như xu thế phát triển của thế giới, nếu không, cứ làng nhàng, chưa có định hướng cụ thể thì rất khó phát triển”, ông Điệp nói.

Không “rải trách nhiệm” cho nhiều bộ

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, để đánh giá được tác động của ứng dụng công nghệ 4.0 vào nền kinh tế, cần có những chỉ tiêu cụ thể về cơ cấu kinh tế (tỷ trọng công nghiệp trong GDP, tỷ trọng công nghiệp chế tạo và công nghệ cao trong toàn ngành công nghiệp và GDP); tiêu chí hội nhập kinh tế quốc tế (tốc độ tăng về xuất khẩu, năng suất lao động, trình độ công nghệ…); chỉ số sử dụng năng lượng trên một doanh nghiệp…

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, hiện, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển dưới tiềm năng. Do vậy, cần xác định mức độ đóng góp vào hiệu quả sử dụng của các tiềm năng hiện tại của nền kinh tế mà chúng ta chưa tận dụng được, đồng thời mức độ đóng góp khi ứng dụng tri thức thông qua Cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần cho tăng trưởng kinh tế - xã hội như thế nào. Phương thức thực hiện là phải dựa vào tri thức (công nghệ), lấy bám đuổi tri thức, bám đuổi công nghệ cao, chủ động hội nhập sâu và mạnh vào nền kinh tế thế giới làm cốt lõi.

Mặt khác, “với cơ cấu và mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay có thể dự báo rằng đến năm 2020, nước ta mới có thể bắt đầu thời kỳ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đối với một số ngành công nghiệp mà doanh nghiệp trong nước là chủ đạo (vì đóng góp thực chất của nhóm doanh nghiệp FDI cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội là tương đối hạn chế)”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến.

GS.TS Hansjorg Herr, Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Đức) chỉ ra rằng, trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, để có được những công nghệ mới, lĩnh vực mới cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bởi lẽ, những sự thay đổi về công nghệ luôn cần khoản đầu tư lớn mà thông thường, khu vực kinh tế tư nhân không thể đảm đương được và chứa đựng nhiều rủi ro. Thêm vào đó, hầu như tất cả thay đổi lớn về công nghệ đều cần một gói giải pháp chứ không phải là từng giải pháp riêng rẽ. Do vậy, bàn tay của Nhà nước thông qua xây dựng chính sách công nghiệp chủ động trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là chìa khóa cho sự phát triển. Đặc biệt, Việt Nam phải tạo cho mình doanh nghiệp của chính mình để họ phát triển theo hướng công nghệ cao. Bởi lẽ, các doanh nghiệp FDI có thể sản xuất rất nhiều, xuất khẩu lớn như Samsung nhưng lại tập trung vào những công đoạn đơn giản.

Tuy vậy, theo giới phân tích, Việt Nam vẫn cần doanh nghiệp FDI vì được chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực ở mức độ nhất định. Song, nếu nghĩ nhờ FDI mà chúng ta vươn lên đuổi kịp nước khác là một ảo tưởng. Bởi các doanh nghiệp này có thể khiến quá trình đó được vươn lên nhưng đến mức nào đó sẽ chững lại. Khi đó cần nỗ lực của chính mình mới vượt qua được.

Trong việc thực hiện chính sách công nghiệp, chuyên gia người Đức chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất là lựa chọn được dự án tốt, không có tiêu cực, tức là năng lực của tổ chức, thiết chế. Họ phải làm việc một cách minh bạch, đủ khả năng để sửa chữa những sai sót mà trong quá trình làm không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, trách nhiệm hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp cần được đặt ở cấp chính trị cao nhất, đồng nghĩa nên để Thủ tướng là người chịu trách nhiệm thay vì giao cho các bộ, ngành chịu trách nhiệm cùng lúc. “Tóm lại, chính sách công nghiệp chủ động là cần thiết nếu muốn phát triển. Thu hút FDI cũng phải được tích hợp vào trong chính sách này. Cách thông minh là phải lựa chọn FDI để hỗ trợ phát triển công nghiệp, doanh nghiệp trong nước, có hiệu ứng lan tỏa”, ông  Hansjorg Herr nói.

Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thị Thu Lan bổ sung, Việt Nam cần vượt qua cám dỗ của lợi thế cạnh tranh sẵn có, dừng thu hút thêm lao động vào những ngành thâm dụng lao động, từng bước đổi mới công nghệ trong những ngành này. Bà Lan nhấn mạnh, “muốn hoạch định chính sách ngành chủ động và bền vững, Nhà nước không nên để doanh nghiệp tự quyết định mà phải có cơ chế để các chủ thể trong xã hội cùng tham gia như các hiệp hội, công đoàn, cơ quan nghiên cứu… Cách làm này sẽ ngăn chặn lợi ích nhóm trong ngành cụ thể”.

Đan Thanh