Chống tham nhũng ngày càng quyết liệt

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 07:24 - Chia sẻ
“Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chững lại, không chùng xuống, ngược lại ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có sức răn đe lớn và cho chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm hay. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đến nay gần như đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể cưỡng lại được”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nói tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo diễn ra hôm qua, 25.7.

Sự “quyết liệt, hiệu quả” đó thể hiện rõ nét ở kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm nay.

Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 186 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý cũng đã bị xử lý nghiêm minh, công khai, trong đó cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 22 nghìn tỷ đồng và 507ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 805 tập thể, 12 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 42 vụ, 46 đối tượng; hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều vụ án, bị can. Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý dứt điểm như vụ AVG, “Vũ nhôm”, “Út trọc” ở Đà Nẵng, hay vụ án liên quan đến cựu Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến…

Cũng trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự trong cả nước đã thu hồi được trên 37 nghìn tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 11,7 nghìn tỷ đồng và nhiều tài sản, bất động sản có giá trị khác.

Kết quả “thật chứ không phải chỉ nói suông”, “thu hồi được tiền và tài sản” như vậy cùng với khẳng định “sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt, đến cùng, không có vùng cấm của Đảng. Không chỉ vậy, nó còn răn đe, cảnh tỉnh mọi công bộc của dân, nhất là những quan chức tham lam và sử dụng quyền lực tùy tiện. Khi những kẻ tham nhũng hiểu rằng không có bất cứ cơ hội nào né tránh được sự trừng phạt nghiêm khắc của kỷ luật Đảng và sự trừng trị của pháp luật thì ý định làm điều sai trái hòng thu lợi lớn chắc chắn sẽ lung lay.

Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng là “còn phải làm lâu dài” và giờ cũng tới lúc tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp cho khóa tới chứ không chỉ cho năm nay.

Thực tế cho thấy một số quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực không phải vì pháp luật quy định như vậy, mà sự rối rắm của chính pháp luật vô hình trung đã giúp những con người này có cơ hội để lạm dụng quyền lực. Vì vậy, chống tham nhũng trong khu vực công không thể chỉ dựa vào răn đe từ những phiên tòa hay vào đạo đức công vụ, mà gốc rễ hơn là cần dọn sạch mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, đó là thể chế, là chính sách.

Cũng bởi không chỉ trông đợi vào đạo đức công vụ nên khi thiết kế chính sách, thiết kế quy trình công vụ tiếp tục phải lấy nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực đặt lên đầu. Vấn đề này Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước không ít lần nhấn mạnh và điều đó cũng đã được cụ thể hóa trong quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ của Đảng trong những năm qua, như nỗ lực làm trong sạch nội bộ, trong sạch bộ máy nhà nước.

Ngoài ra, các thiết chế giúp nhân dân giám sát, tuýt còi đối với bộ máy nhà nước cũng cần được hoàn thiện. Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang xây dựng, cũng cần sớm được ban hành. 

Hà Lan