Pháp luật các nước về chống bạo lực gia đình

Chống bạo lực gia đình bằng luật pháp

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:21 - Chia sẻ
Bạo lực với phụ nữ trong gia đình là một trong những hình thức thể hiện rõ nhất tình trạng bất bình đẳng giới và được xem là hành vi xâm phạm quyền con người thô bạo, đe dọa cuộc sống của nhiều phụ nữ và trẻ em gái bằng nhiều cách, không chỉ đối với bản thân họ mà còn cả gia đình, con cái và cộng đồng. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật thế giới cần phải cập nhật và siết chặt các quy định để bảo vệ an toàn cho “một nửa quan trọng của thế giới”.

Những con số đáng báo động

Theo Báo cáo Xu hướng bảo vệ pháp lý toàn cầu và khu vực đối với phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình và quấy rối tình dục của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 2.2018, gần 1,4 tỷ phụ nữ đang thiếu các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ bản thân trước các hành vi bạo lực gia đình.

Số liệu báo cáo của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm vừa được công bố ngày 8.7 vừa qua cũng cho thấy một thực tế đáng báo động, trung bình mỗi ngày có 137 phụ nữ trên toàn thế giới bị sát hại bởi chính người chồng hoặc thành viên trong gia đình. Theo báo cáo trên, trong năm 2017, trên toàn thế giới có khoảng 87.000 phụ nữ bị sát hại. Trong số này, khoảng 50.000 người đã bị chính người chồng hiện tại, chồng cũ hoặc các thành viên khác trong gia đình sát hại. Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong những năm qua, hầu như không có tiến bộ nào đáng kể trong việc bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình. Số lượng phụ nữ bị sát hại thậm chí còn tăng từ 48.000 người năm 2012 lên 50.000 năm 2017.

Bạo lực đối với phụ nữ diễn ra bằng nhiều hình thức, từ lạm dụng thể chất, tình dục, tình cảm đến kinh tế. Bạo lực gây ra các hậu quả tiêu cực và đôi khi thực sự nghiêm trọng đối với sức khỏe, tinh thần, từ đó làm giảm năng suất lao động và thu nhập của người phụ nữ. Nó cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng ra quyết định của phái yếu trong gia đình…

Chính vì thế, quyết tâm loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030 là hai trong số các mục tiêu nằm trong Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Những mục tiêu đó thực sự đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo và tạo ra các giá trị xã hội bao trùm.

Bảo vệ pháp lý: Có nhưng vẫn chưa đủ

Sau khi phân tích dữ liệu của 141 quốc gia trên toàn thế giới, WB cho biết, số nước có luật bảo vệ phụ nữ chống lại nạn bạo lực gia đình đã tăng từ 71% lên 76% trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2017. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ pháp lý vẫn còn yếu ở một số hình thức bạo lực gia đình cụ thể. Đối với lạm dụng kinh tế trong gia đình, hơn một nửa quốc gia được nghiên cứu không có văn bản pháp lý cụ thể nào về vấn đề này. Trong khi đó, đây là một hình thức bạo lực gia đình phổ biến, nó khiến phụ nữ không thể làm việc và có nguồn thu nhập độc lập. Trên thực tế, vấn đề bạo lực gia đình ít được phổ biến và đề cập nhất trong hệ thống pháp luật trên thế giới và nó chỉ xuất hiện rất khiêm tốn trong chỉ hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu.

Thêm nữa, ở nhiều quốc gia, dù phụ nữ kết hôn có thể được bảo vệ trước nạn bạo lực gia đình thì những người chưa kết hôn nhưng có mối quan hệ chung sống như vợ chồng lại chưa được luật pháp bảo vệ. Tình trạng này diễn ra ở 2 trong số 3 nước được nghiên cứu. Lỗ hổng luật pháp liên quan đến bạo lực gia đình diễn ra khá phổ biến ở Trung Đông, Bắc Phi và khu vực châu Phi cận Sahara. Chẳng hạn, nếu tất cả các quốc gia ở Đông Á, Nam Á và Thái Bình Dương đều có luật chung về bạo lực gia đình thì tại Trung Đông và Bắc Phi, chỉ có một trong ba quốc gia làm được điều này. Ở châu Phi cận Sahara và Bắc Mỹ, tỷ lệ trên là một trong hai. Ngoài ra cứ 3 trong số 4 quốc gia nằm trong khảo sát, luật chống bạo lực gia đình tồn tại nhưng không đề cập đến bốn hình thức lạm dụng khác nhau gồm thể chất, tình dục, tình cảm và kinh tế hoặc không đả động đến những đối tượng sống như vợ chồng nhưng chưa kết hôn.

Việc xây dựng và ban hành luật là quan trọng nhưng thực tế chưa đủ. Tại nhiều nơi, luật có nhưng tỷ lệ bạo lực gia đình vẫn ở mức cao. Nguyên nhân là do việc thi hành luật còn chưa nghiêm túc, có quá ít các cơ chế, chính sách bổ sung hay các chương trình phòng ngừa để đối phó với sự việc cụ thể…

Theo các nhà phân tích, có nhiều yếu tố tác động đến việc thiếu vắng cơ sở pháp lý liên quan đến bạo lực gia đình. Đó có thể là yếu tố văn hóa, niềm tin tín ngưỡng và một một số cấm kỵ cổ hủ. Thực tế đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra sự yếu kém của hệ thống luật pháp liên quan đến vấn đề trên ở hầu hết các quốc gia. Hiện giờ đàn ông tại nhiều khu vực trên thế giới vẫn cho rằng mình là người có quyền lực tuyệt đối trong gia đình và có quyền thống trị đối với vợ. Khoảng 3 tỷ phụ nữ đang sinh sống tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi các hành vi bạo lực tình dục, cưỡng bức, lạm dụng tình dục trong hôn nhân không bị pháp luật ngăn cấm. Thậm chí ở 19 quốc gia trong số đó, luật pháp còn quy định rõ ràng về việc phụ nữ phải phục tùng người chồng.

Tại nhiều quốc gia, luật về chống bạo lực gia đình không dễ được thông qua. Trong khi ở một số nước khác, bạo lực gia đình không được xem là hành vi phạm tội, do đó không cần thiết phải xây dựng những văn bản pháp lý đặc biệt để điều chỉnh các hành vi đó.

Thái Anh