Triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020

Chọn việc để làm ngay

- Thứ Ba, 12/05/2020, 11:18 - Chia sẻ
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN, điều kiện thực hiện kế hoạch 5 năm có thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Thời gian thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không còn nhiều. Vì đến ngày 1.1.2018, nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, một làn sóng mới ập đến, buộc chúng ta phải thay đổi ngay từ bây giờ. Tại Kỳ họp thứ 11 này, cùng với việc hoàn thiện nhân sự cho bộ máy mới, QH cũng cần xem xét, yêu cầu Chính phủ chọn việc để làm ngay. Trong đó có một số yêu cầu phải tiên quyết thực hiện ngay trong 2 năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020).

>> Luật là động lực, đường ray cho phát triển và hội nhập

>> Chính phủ cần tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ công

>> Thống nhất để tạo sức mạnh

Khẩn trương triển khai nghị quyết của Đảng, QH

- Ngày 1.4, QH dành trọn một ngày thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, ông có nhận định như thế nào?

 Không phải ngẫu nhiên Tổng cục Thống kê đưa ra nhận định nền kinh tế có dấu hiệu chững lại khi đánh giá về kinh tế - xã hội quý I.2016, dù GDP vẫn tăng trưởng 5,4%, các chỉ số vĩ mô đều tốt. Thực tế, tăng trưởng trong quý I.2016 chủ yếu nhờ khối xây dựng, sản xuất công nghiệp tăng thấp, dịch vụ tương đương so với cùng kỳ, nông nghiệp giảm. Nếu môi trường đầu tư tốt, số lượng vốn đưa vào nền kinh tế thực đúng như số liệu đăng ký thì về lý tốc độ tăng trưởng trong quý I.2016 phải cao hơn, sao lại thấp hơn so với cùng kỳ những năm gần đây, chỉ tương đương với năm 2012?

- Việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 không chỉ gặp khó khăn ở thời gian đầu, mà còn gặp thêm một số khó khăn sau đó. Nhưng Quốc hội, Chính phủ đã làm được nhiều việc để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng hợp lý hơn. Đây cũng là giai đoạn Chính phủ thực hiện nhiệm vụ cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Quốc hội với thời gian ngắn hơn và rõ nét hơn. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được.

Trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế (doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức tín dụng và đầu tư công), thì chỉ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã đạt cả về số lượng và chất lượng, tức là đạt 33% khối lượng công việc.

- Như vậy, các kết quả này sẽ tác động như thế nào tới việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, thưa ông?

- Kinh tế thế giới trong 5 năm tới được nhận định phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều khó khăn. Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 cũng sẽ tạo điều kiện mới cho nước ta. Nói cách khác, điều kiện thực hiện kế hoạch 5 năm có thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, cần lưu ý, bội chi vượt mức cho phép, thu không đủ chi như hiện nay, phải vay để về trả nợ, nợ Chính phủ đã vượt ngưỡng, nợ công chạm trần… khiến dư địa điều hành, can thiệp tài khóa ít hơn. Và càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thì dư địa can thiệp, điều hành của Nhà nước vào thị trường càng ít đi, không thể dùng tiền để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, tăng nội lực của nền kinh tế.

Sẽ là ngắn nếu theo phương cách và tư duy cũ

- Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nhấn mạnh một số yêu cầu phải tiên quyết thực hiện cho được trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Ý kiến của ông về những yêu cầu này như thế nào?

- Thời gian để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng không còn nhiều (14 tháng), vì đến ngày 1.1.2018, nếu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, một làn sóng mới ập đến, buộc chúng ta phải thay đổi cho phù hợp từ bây giờ. Điều này đòi hỏi Quốc hội cần đặt yêu cầu rõ với Chính phủ về việc chọn hướng phát triển phù hợp cho đất nước trong thời gian tới. Khoảng thời gian này nói là ngắn cũng đúng, mà nói đủ để làm cũng không sai. Sẽ là ngắn nếu thực hiện theo phương cách và tư duy cũ.

Và ngay trong Kỳ họp thứ 11 này, bên cạnh việc yêu cầu hoàn thiện nhân sự cho bộ máy mới, thì Quốc hội cũng cần yêu cầu rõ, Chính phủ chọn việc để làm, không thể và không nên triển khai kế hoạch 5 năm bằng cách cộng nhu cầu các địa phương thành danh sách của cả nước. Sau đó, tổ chức bộ máy thực hiện công việc đã chọn dựa trên việc tổng kết nhiệm kỳ của từng bộ, cơ quan ngang bộ. Tổng kết để thấy mô hình 14 bộ, 18 bộ hay 22 bộ mới đúng? Dù là mô hình quản lý nào thì đều chung khoa học quản lý nhà nước để cùng hướng tới hiệu quả cao nhất của cơ quan quản lý hành chính.

-  Vậy cơ quan lập pháp có thể tham gia như thế nào trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng như thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới?

- Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Khóa XIII của QH, các cơ quan của QH đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, bên cạnh những việc đã làm được. Dựa trên việc nhìn lại kết quả của nhiệm kỳ trước, QH cần quyết định hành động phù hợp cho năm 2016 cũng như 4 năm tới. Trong đó, trước mắt, QH cần rà soát các luật thuế, cũng như nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, các bộ ngành liên quan. Nhiệm vụ này phải thực hiện ngay vì nộp thuế là nghĩa vụ của công dân với đất nước mà phải tốn 500 giờ để thực hiện. Tại sao không đưa ra thủ tục nộp thuế đơn giản, giúp người dân chỉ phải khai và chuyển tiền tại những ngân hàng thương mại cổ phần mà họ có tài khoản, không mất hàng trăm giờ vì kê khai? Đồng thời, QH cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.  

- Xin cảm ơn ông!

P. Thủy thực hiện