Chốn Tổ linh thiêng tìm về

- Thứ Hai, 15/04/2019, 09:51 - Chia sẻ
“Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3…” Đến hẹn lại lên, vào đúng độ tiết trời thanh minh tháng 3 âm lịch, tiếng trống đồng lại rền vang khắp bốn bề núi rừng Nghĩa Lĩnh như lời hiệu triệu con cháu lạc hồng từ “khát khao trời xanh biên giới, đến mặn mòi con sóng mũi Cà Mau” tìm về chốn Tổ linh thiêng cúi đầu tạ ơn công đức của cha ông từ thuở hồng hoang dựng nước. Hội đã mở…

Trăm cây một cội, trăm con một nhà…

Hy Cương cổ tích bên trong/ Đất này là đất Vua Hùng ở đây/ Có lăng có miếu dựng xây/ Có chùa có tháp có cây cổ tùng/Có giếng đá có nước trong/ Hai bà công chúa linh thông vẫn còn…

Lần theo những câu thơ, chúng tôi về vùng đất cổ Hy Cương, khi những giọt sương ban mai còn vương đọng trên những những tán lá. Trong không khí trang nghiêm, trầm mặc, dường như mọi to toan bộn bề đều bỏ lại phía sau. Từng bậc thềm như cánh cửa mở lối về của thời gian, đi qua 225 bậc đá men theo sườn núi, chúng tôi đã có mặt tại đền Hạ. Chính nơi đây, Mẹ Âu cơ đã hạ sinh ra bọc trăm trứng, sau đó nở ra 100 người con trai. Nhưng vì Cha Lạc Long Quân vốn là dòng dõi Rồng, không ở được trên cạn nên khi các con khôn lớn, Cha bàn với Mẹ Âu Cơ chia các con đi mở mang bờ cõi, 50 người con theo cha đi xuôi về phía biển, 49 người con theo mẹ lên ngược vùng núi, người con cả ở lại nối ngôi cha truyền và lập nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của người dân đất Việt…


Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường vùng ven khu di tích

Niềm tự hào về nguồn gốc càng trào dâng khi chúng tôi đứng trên Đền Thượng, phóng tầm mắt về bốn hướng và cảm phục trước “thiên nhãn” của bậc Quân vương khi chọn Phong Châu là Đế Đô của Nhà nước Văn Lang. Đó là nơi 3 con sông hội tụ, hai bên là Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi gần bấu lấy núi xa, thế đất bày ra như rồng cuộn hổ chầu. Từ thế đất ấy, có thể ngược sông Đà lên Tây Bắc, ngược sông Thao lên biên giới Việt - Trung, ngược sông Lô lên Tuyên Quang - Hà Giang…

Mấy nghìn năm đã trôi qua, thời đại Hùng Vương đã bị những lớp trầm tích của thời gian phủ lấp và ẩn mình dưới các truyền thuyết, tích sử của dân gian như Lạc Long Quân - Âu Cơ; bánh chưng bánh giầy; Thánh Gióng; Chữ Đồng Tử - Tiên Dung; Sơn Tinh, Thủy Tinh…Thế nhưng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “trăm cây một cội, trăm con một nhà”… không thể xóa nhòa.

Là người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Mẫu, bà Nguyễn Thị Huyên (huyện Hạ Hòa) không giấu nổi niềm tự hào: Giỗ Tổ Hùng Vương là một giá trị văn hóa đặc trưng, có ý nghĩa giáo dục, ý thức cội nguồn. Chúng tôi rất vui mừng vì được chứng kiến một không gian tâm linh trang nghiêm, hiện đại, xứng tầm là Khu Di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng bậc nhất nước ta…

Tìm về cội nguồn theo đúng tinh thần “cây sinh nghìn nhánh từ gốc, nước chảy muôn dòng tại nguồn”, lần đầu tiên đưa cả gia đình từ châu Âu trở về sau hơn 20 năm xa xứ, ông Lê Văn Bính, Việt kiều Đức chia sẻ: Bao nhiêu năm ở nơi đất khách quê người, tôi chỉ mong muốn được đưa đại gia đình được về nơi cuội nguồn của tổ tiên, để giáo dục con cái đức hiếu hạnh và tự hào, tự tôn dân tộc…

Với vai trò “Con trưởng” trong cuộc hạnh ngộ đặc biệt của 54 dân tộc anh em trong ngày Quốc Giỗ, Lễ hội năm nay được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, thành kính do tỉnh Phú Thọ chủ trì cùng sự “góp giỗ” của ba tỉnh Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La. 13 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cũng Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng theo chương trình, kịch bản riêng của mỗi địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng vận động mỗi gia đình có một “mâm cơm tri ân” do gia đình tự chuẩn bị, để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào thời điểm Chủ lễ đọc chúc văn trên đền Thượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng chia sẻ: Trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật của lễ hội, có nhiều tiết mục đa dạng, phong phú hấp dẫn tại nhiều vùng miền trong cả nước, như: Đờn ca tài tử, hát múa Ví Dặm và múa Xòe Thái đến từ các tỉnh “góp Giỗ” và các tiết mục hấp dẫn, đặc sắc của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tham gia, như: Hát “Chầu văn”; tái hiện cảnh diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa”; trình diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”…

“Chúng tôi mong muốn, Lễ hội đền Hùng năm 2019 sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để mỗi con dân đất Việt khi về với Đất Tổ cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của mình với bản thân, với cộng đồng và xã hội đúng như lời Bác Hồ từng căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Phát huy giá trị truyền thống

Với thế mạnh là vùng đất hội tụ nhiều di tích, di sản văn hóa quốc gia, Phú Thọ được đánh giá là “vùng đất vàng” cho phát triển du lịch. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18 xác định phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá của giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã huy động khoảng 4.300 tỷ đồng đầu tư phát triển du lịch, tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối đến 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là thành phố Việt Trì và các huyện: Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa; đồng thời, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử đền Hùng giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030..


Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy năm 2019 tại Phú Thọ

Không chỉ phát huy tiềm năng du lịch, những năm qua, Phú Thọ đã tập trung phát triển mọi nguồn lực tạo nên sự bứt phá trên cả ba trụ cột kinh tế. Với sự cần mẫn, chắt chiu, năm 2018, 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,34% so cùng kỳ năm 2017, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 6 nghìn tỷ đồng; kết cấu hạ tầng trọng điểm được chú trọng hoàn thiện; đời sống nhân dân được bảo đảm; các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo giảm; chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo được nâng lên…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng cũng rất trăn trở, bởi hiện nay, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. Năng lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của tỉnh còn ở mức thấp. Công tác huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng dịch vụ và du lịch còn hạn chế… Khó khăn là hiện hữu, nhưng để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,6% trở lên trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Phương châm của tỉnh vẫn là không đẩy mạnh tăng trưởng bằng mọi giá mà tập trung phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu đối với các ngành hàng có lợi thế của tỉnh; phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh và phát triển hoạt động du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, tập trung đổi mới mô hình sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên địa bàn. Tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng triển khai các chương trình, dự án tại khu vực khó khăn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Chia tay vùng đất Tổ, lặng ngắm dòng sông Thao khi chiều buông, Thấp thoáng trong làn hơi nước mờ ảo, hình ảnh các Vua Hùng đang cùng thần dân cày ruộng, cấy lúa, những cánh chim lạc sải cánh bay trên bầu trời trong xanh… Chợt thấy những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm ngân vang trên sóng nước mênh mang khiến đôi chân dùng dằng không muốn đi: Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Đất là nơi Chim về /Nước là nơi Rồng ở/Lạc Long Quân và Âu Cơ/Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng/Yêu nhau và sinh con đẻ cái/Gánh vác phần người đi trước để lại/Dặn dò con cháu chuyện mai sau/Hàng năm ăn đâu làm đâu/Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ…

Ghi chép của BÁCH HỢP