Chọn quy trình để đánh giá sát kết quả thực hiện nghị quyết HĐND

- Chủ Nhật, 12/08/2012, 08:40 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết HĐND đã ban hành thuộc hoạt động kiểm tra hay giám sát; quy trình thực hiện thế nào để việc đánh giá được khách quan, trung thực, đúng pháp luật và phù hợp với thực tế là vấn đề cần được trao đổi để áp dụng đạt hiệu quả.

Những năm qua, HĐND một số tỉnh, thành đã ban hành nghị quyết chuyên đề có hiệu lực thi hành gối sang nhiệm kỳ sau; có nghị quyết gần hoặc đã hết hiệu lực nhưng chưa được tổng kết đánh giá. Có ý kiến cho rằng không cần tổ chức đánh giá vì đây là hoạt động đã được HĐND giám sát thường xuyên ở các kỳ họp, nhất là kỳ họp HĐND cuối nhiệm kỳ; có ý kiến ngược lại vì lý do: Thường trực HĐND có quyền kiểm tra UBND cùng cấp và cơ quan nhà nước khác ở địa phương trong thực hiện các nghị quyết của HĐND.

Hiến pháp và luật quy định HĐND có hai chức năng chính là: quyết định chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, xây dựng và phát triển KT-XH, ANQP, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước cùng cấp, tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị và công dân trong việc thực hiện hiến pháp và pháp luật, nghị quyết của HĐND cấp mình. Thường trực HĐND có nhiệm vụ và quyền hạn: kiểm tra UBND cùng cấp và các cơ quan nhà nước khác ở địa phương thực hiện các nghị quyết của HĐND. Theo từ điển tiếng Việt và từ điển luật học, “Kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”; “Giám sát là sự theo dõi quan sát hoạt động mang tính chủ động thường xuyên, liên tục và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh”.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử là việc theo dõi, kiểm tra, xem xét, đánh giá hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện hiến pháp, pháp luật và các quy phạm pháp luật, nghị quyết của HĐND cấp mình ở địa phương. Mặt khác, luật và quy chế hoạt động của HĐND chỉ quy định nội dung, phương thức, quy trình giám sát của HĐND và các tổ chức của HĐND, chưa quy định quy trình kiểm tra UBND về việc thực hiện nghị quyết. Do vậy, rất khó xác định hoạt động đánh giá việc thực hiện nghị quyết HĐND thuộc kiểm tra hay giám sát.

Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: HĐND giám sát thông qua 5 hoạt động, gồm: xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND cùng cấp; xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch HĐND, UBND, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND, Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cùng cấp; xem xét văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, HĐND cấp dưới...; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; thành lập đoàn giám sát khi xét thấy cần thiết. Tại kỳ họp cuối năm, HĐND phải xem xét, thảo luận báo cáo công tác hàng năm của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND, các ban HĐND; tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ phải xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của HĐND, Thường trực HĐND, UBND.

Mỗi phương thức giám sát của HĐND, luật quy định rõ quy trình thực hiện. Việc xem xét, thảo luận báo cáo theo trình tự: người đứng đầu cơ quan báo cáo trình bày tại kỳ họp; Trưởng ban HĐND được phân công trình bày báo cáo thẩm tra; HĐND thảo luận; người đứng đầu cơ quan báo cáo có thể giải trình thêm; HĐND ra nghị quyết về báo cáo công tác khi xét thấy cần thiết. Thường trực HĐND chỉ có quyền giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND bằng các phương thức: phân công thành viên thực hiện; giao ban HĐND thực hiện; hoặc quyết định thành lập đoàn giám sát. Hơn nữa, UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp, là cơ quan chấp hành nghị quyết của HĐND cùng cấp. Do vậy, HĐND các địa phương khi ban hành nghị quyết đều quy định: giao UBND cùng cấp triển khai thực hiện nghị quyết và báo cáo kết quả thực hiện vào kỳ họp gần nhất, hoặc yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện vào các kỳ họp cuối năm. Cuối nhiệm kỳ, HĐND tổ chức kỳ họp đánh giá kết quả công tác của cả nhiệm kỳ; có địa phương còn ra nghị quyết trong đó có nội dung chuyển giao các hoạt động của nhiệm kỳ trước cho nhiệm kỳ sau. Tức là, nghị quyết của HĐND ban hành, hàng năm và cuối nhiệm kỳ được HĐND xem xét, thảo luận, đánh giá làm cơ sở và bài học kinh nghiệm, HĐND khóa sau không phải đánh giá toàn bộ nghị quyết HĐND khóa trước đã ban hành.

Thực tế HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 kéo dài đến năm 2011, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nên có tỉnh HĐND ban hành khá nhiều nghị quyết chuyên đề mang tính quy phạm, thời gian thực hiện kéo dài sang nhiệm kỳ sau. Việc đánh giá thực hiện nghị quyết phải chuyển giao cho HĐND khóa sau. Thông lệ, việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết HĐND các địa phương thường gắn với chương trình ban hành nghị quyết mới (nếu cần thiết).

Với khối lượng lớn về các nghị quyết chuyên đề cần đánh giá khách quan, toàn diện, có địa phương Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo gồm Thường trực HĐND, đại diện UBND, trưởng các ban HĐND, lãnh đạo cơ quan chuyên môn UBND tham mưu ban hành nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết làm thành viên để tư vấn giúp Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá các nghị quyết; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành; thảo luận cho ý kiến về kết quả đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề.

Thành lập Ban chỉ đạo có ưu điểm: Thường trực HĐND có một tổ chức là những cán bộ, lãnh đạo chuyên sâu về chuyên môn, am hiểu tình hình thực tế để tư vấn cho việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đúng, trúng, chuyên sâu. Mặt khác, gắn thêm trách nhiệm của các tổ chức HĐND (Trưởng các ban) trực tiếp tham gia cùng cơ quan có trách nhiệm đánh giá các nghị quyết ngay từ khâu chuẩn bị đến tổng kết đánh giá; cung cấp thêm thông tin mang tính phản biện về kết quả đánh giá thực hiện nghị quyết. Tuy nhiên, quy trình đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề nên vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật về chức năng giám sát của HĐND để thực thi có hiệu quả, không phô trương hình thức, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị liên quan. Thường trực HĐND chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, các cơ quan liên quan thống nhất phân công cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá từng nghị quyết chuyên đề và giao cơ quan có trách nhiệm báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá; phân công các ban HĐND thẩm tra báo cáo đánh giá việc thực hiện nghị quyết. Sau đó, trình HĐND xem xét, thảo luận theo quy trình Luật Tổ chức HĐND và UBND về trình tự giám sát báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND.

Thực hiện được như vậy, vừa chấp hành đúng quy định của pháp luật, vừa linh hoạt trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND về việc thực hiện nghị quyết chuyên đề; đồng thời mở hướng để HĐND xem xét, quyết định chương trình ban hành nghị quyết chuyên đề trong thời gian tới cho phù hợp.

Văn Đức Sơn
Phó văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Vĩnh Phúc