Chọn lọc vấn đề thiết thực, đưa ngay vào nghị quyết đại hội đảng để triển khai trong nhiệm kỳ tới

- Chủ Nhật, 13/09/2020, 14:47 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khai mạc Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững"

Hôm nay, tôi rất vui mừng được thay mặt đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” tại tỉnh Sơn La. Tôi xin gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất của đồng chí Chủ tịch Quốc hội đến toàn thể các đồng chí và gia đình, và tin rằng Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững"

Ảnh: Quang Khánh 

Tôi cho rằng, việc tổ chức Hội thảo này là việc làm thiết thực, là một hoạt động quan trọng triển khai Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Thời gian vừa qua, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị. Nhà nước đã ban hành chính sách, pháp luật, bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường vận động, tuyên truyền, động viên đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển; một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống.

Mặc dù Nhà nước ta đã tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng nhưng so với mức phát triển chung của nguồn nhân lực toàn quốc thì vẫn còn có sự cách biệt lớn. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cũng chưa thực sự gắn kết với đặc điểm vùng, miền và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng địa phương, từng vùng dân tộc. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ quản lý hợp tác xã, quản lý ngành dịch vụ, quản lý ngành nông, lâm nghiệp, quản lý thủy nông, rồi cán bộ làm tiếp thị, công thương… ở cơ sở cần phải gắn chặt hơn nữa và đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ khác nhau ở các vùng, các dân tộc khác nhau mà chúng ta rất cần bàn thảo, có suy nghĩ thống nhất, có chủ trương, việc làm thống nhất.

Thể chế hóa nghị quyết của Đảng, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, định hướng mục tiêu đến năm 2030, đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện cho được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; giao nhiệm vụ cho Chính phủ, các ngành và các cấp chính quyền địa phương. Tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên họp đã nhất trí thông qua Nghị quyết với Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đã có chủ trương, có chính sách, có pháp luật và đã được bố trí nguồn lực, do đó, chúng ta có trách nhiệm triển khai và sẽ thực hiện như thế nào để đạt yêu cầu đặt ra.

Ảnh: Quang Khánh

Với tinh thần trách nhiệm cao trước đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có mặt tại Hội thảo hôm nay là lãnh đạo của một số cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nguồn nhân lực, là 15 tỉnh miền núi phía Bắc, một số trường, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các bạn bè quốc tế thân thiết của chúng ta. Hội thảo sẽ nghe các tham luận và sẽ thảo luận để đánh giá cụ thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới để xác định nhu cầu và đề ra giải pháp cụ thể cho giai đoạn 2020-2025 và đến năm 2030 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Hội thảo cũng sẽ đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 76 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; đánh giá kỹ vai trò hợp tác xã, vai trò của các trường đại học, học viên tham gia đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đối với nội dung xây dựng nguồn nhân lực.

Tôi hy vọng rằng, kết thúc hội thảo, mỗi đại biểu chúng ta sẽ thấy được: ngay sau đây, cá nhân mình, cơ quan mình, địa phương mình cần phải làm gì, hướng tới mục tiêu kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương có thể chọn lọc những vấn đề thiết thực, đưa ngay vào nghị quyết đại hội đảng của cơ quan, địa phương mình, có hướng triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát của các cơ quan của Quốc hội, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân và có sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế, chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.  

______________

* Đầu đề do Báo Đại biểu nhân dân đặt

Trưởng đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chékou Oussouman:
Tính trước xu hướng thị trường và nhu cầu đối tác

Tôi cho rằng, đây là một cuộc hội thảo rất ý nghĩa và được tổ chức rất đúng lúc bởi vì chúng ta không thể nói đến phát triển mà không nói đến nguồn nhân lực. Qua hội thảo giúp định ra những chính sách chiến lược phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực trẻ cũng như nâng cao năng lực cho các thành phần tham gia vào nền kinh tế từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, các khâu quản lý và thương mại hóa sản phẩm. Đây là cơ hội hiếm có trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu vừa được ký kết, việc có thể chiếm lĩnh những thị phần quan trọng là rất cần thiết. Để có thể thực hiện điều đó thì từ khâu sản xuất chế biến, dịch vụ và quản lý đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ luôn sẵn sàng đồng hành với các cơ quan chức năng Việt Nam đặc biệt là lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La nhằm xác định các hoạt động có thể cùng thực hiện để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu phát triển của tỉnh. Điều này không chỉ cho nguồn lực hiện tại mà còn cho thế hệ trẻ trong tương lai bởi vì chúng ta cần phải đi trước, tính trước xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu của các đối tác thương mại.

Trước hết, chúng tôi dự định sẽ đồng hành với các lãnh đạo và cơ quan chức năng tỉnh Sơn La trong việc hiểu rõ hơn những cơ hội kinh tế của cộng đồng Pháp ngữ. Đặc biệt, trong các quan hệ kinh tế với liên minh châu Âu. Thứ hai là, giúp họ liên kết hợp tác với các đối tác các thị trường quốc tế. Thứ ba là, xây dựng chương trình đào tạo giảng viên chất lượng cao cho tỉnh Sơn La, đồng thời giúp kết nối các cơ sở đào tạo của tỉnh với các cơ sở đào tạo quốc tế tại châu Âu, châu Phi hoặc châu Mỹ, là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ.

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiessen:
Sẵn sàng đồng hành với Việt Nam 

Hội thảo này rất phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Trọng tâm của Mục tiêu phát triển bền vững là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong bối cảnh Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống ở vùng miền núi nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng nghèo đói. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng bào dân tộc cũng là nhóm bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch nhiều nhất. Nghiên cứu mới nhất của UNDP cho thấy vào tháng 4 năm nay, thu nhập của đồng bào giảm 70%, và tỷ lệ nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số có thể đã tăng lên 50%.

Vấn đề được đưa ra thảo luận là hỗ trợ ngân sách và kế hoạch ngân sách, nhưng cũng cần tìm cách để tận dụng những sáng kiến, quyết tâm của đồng bào, cung cấp những kỹ năng cần thiết, để họ có thể tiếp cận được những thế mạnh của internet như: Sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử và giúp họ có thể mở rộng thị trường không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng ra thế giới, từ đó thoát nghèo bền vững. Chúng tôi thấy rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, giúp đồng bào dân tộc tiếp tục sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường, ngay cả trong thời gian giãn cách do đại dịch, đồng thời giúp quá trình khôi phục sau đại dịch và giai đoạn chuyển đổi trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

UNDP rất sẵn lòng được hợp tác với Chính phủ và Quốc hội Việt Nam để phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng bào dân tộc, mở rộng thị trường và áp dụng rộng rãi những sáng kiến hay và tiếp tục tìm tòi những sáng kiến mới. Trọng tâm của các hoạt động của UNDP là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, bảo đảm rằng những nhóm bị tụt hậu nhất được tham gia vào quá trình phát triển, đồng thời cũng chú trọng đến phát triển bền vững, xanh và sạch.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ, với thành tựu giảm nghèo rất ấn tượng. Chúng tôi hy vọng Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, xanh và bền vững; đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số, với những vấn đề bất bình đẳng mới cần giải quyết.

Q. Khánh ghi

Q.Khánh