Trò chuyện đầu tuần

Chọn đúng người xứng đáng

- Thứ Hai, 23/03/2020, 07:51 - Chia sẻ
Để chọn được cán bộ thực sự xứng đáng, có tâm, có tầm vào cấp ủy khóa mới, thì cần phát huy cao độ dân chủ trong Đảng và xã hội trong lựa chọn cán bộ. Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương VŨ VĂN PHÚC đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân xoay quanh công tác nhân sự đại hội đảng.

Phát huy cao độ dân chủ

- Cùng với văn kiện, thì nhân sự là hai trong số những vấn đề trọng yếu của mỗi kỳ Đại hội Đảng. Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, theo ông, yêu cầu đặt ra đối với công tác nhân sự như thế nào?

- Một câu hỏi không mới, qua nhiều nhiệm kỳ đại hội đến nay vẫn thời sự, đó là làm thế nào để lựa chọn, giới thiệu được những cán bộ thực sự có đức, có tài để bầu tham gia cấp ủy khóa mới. Đây cũng là yêu cầu cao của toàn Đảng cũng như toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Yêu cầu này xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi phải chọn cho đúng cán bộ vào cấp ủy khóa mới để thực hiện thành công nghị quyết đại hội, làm cho cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước tiếp tục phát triển, tiến lên. Do đó, theo tôi, yêu cầu ngày càng cao đặt ra với công tác cán bộ là chính đáng.

- Trong các văn bản hướng dẫn của Trung ương đã nêu rất rõ những yêu cầu, tiêu chuẩn với nhân sự đại hội các cấp. Theo ông, nếu nói ngắn gọn thì yêu cầu cần và đủ ở đây là gì?

- Theo tôi, vấn đề là làm thế nào để chọn được cán bộ đủ cả ba phẩm chất. Thứ nhất, phẩm chất chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng; có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào; kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Thứ hai, phẩm chất năng lực - phải đủ năng lực tổ chức thực hiện thành công nghị quyết đại hội. Phải là những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, như Bác Hồ dạy, đó là việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII cũng đã nêu rõ, đối với cán bộ cấp chiến lược, phải là những người ngang tầm nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thứ ba, theo tôi đây là phẩm chất quan trọng nhất, quyết định, chính là đạo đức. Người tham gia cấp ủy khóa mới phải là người có đạo đức trong sáng; lối sống lành mạnh, trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Như Bác Hồ nói: “Đức là gốc”. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, thì càng đòi hỏi yêu cầu cao về phẩm chất đạo đức của cán bộ quản lý, lãnh đạo, cụ thể là người được đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới.

Cho nên, cùng với việc bám sát những quy định, hướng dẫn của Trung ương, thì cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy cao độ dân chủ trong Đảng và xã hội. Trên cơ sở đó, mới có sự tập trung của cấp ủy để lựa chọn, giới thiệu cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài để đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới.

- Phát huy dân chủ trong Đảng và xã hội trong lựa chọn cán bộ nên hiểu như thế nào cho chuẩn xác, thưa ông?

- Ngay từ khâu đánh giá cán bộ, chúng ta cần phát huy dân chủ của cán bộ, đảng viên nơi công tác, nhân dân nơi cư trú cũng như cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân là đối tượng phục vụ của cán bộ, đảng viên được đưa ra giới thiệu, để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đánh giá người được giới thiệu đã thực hiện nhiệm vụ như thế nào, năng lực, phẩm chức đạo đức thế nào… Tôi tin là, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân là những người sáng suốt nhất, biết rõ cán bộ này hay vị lãnh đạo, quản lý kia có thực sự làm việc vì dân, vì nước không, có đặt lợi ích chung của đất nước, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân không, hay chỉ vun vén cho lợi ích cá nhân, lợi ích của gia đình hoặc nhóm của mình? Nói cách khác, anh ta có bộc lộ biểu hiện nào của chủ nghĩa cá nhân hay không? Nếu có thì nhất định không thể đưa họ vào cấp ủy khóa mới.

Cùng với đó, chúng ta cần đưa việc giới thiệu rộng rãi, công khai những cán bộ, đảng viên dự kiến sẽ đưa ra bầu vào cấp ủy khóa mới tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Ở những cơ quan, đơn vị, địa phương có số lượng đảng viên ít, thì có thể tiến hành lấy ý kiến trong đảng bộ về cán bộ, đảng viên được giới thiệu. Thậm chí, có thể đưa ra giới thiệu với quần chúng nhân dân ở nơi cư trú.

Với những cán bộ, đảng viên được dự kiến đưa ra bầu làm Bí thư cấp ủy cấp cao hơn, chúng ta có thể lấy phiếu giới thiệu từ cấp chi bộ xem ai thực sự xứng đáng làm bí thư quận ủy, huyện ủy; ai xứng đáng làm bí thư thành ủy, tỉnh ủy… Nếu lấy phiếu giới thiệu của đảng viên các chi bộ trong quá trình chuẩn bị tiến hành đại hội chi bộ, thì tôi tin rằng, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu đảng viên của một địa phương, sẽ đủ sáng suốt chọn ra người xứng đáng để bầu vào cấp ủy cấp trên khóa mới.

Do đó, nếu phát huy được nguyên tắc tập trung dân chủ cao độ, thì tôi tin là chúng ta sẽ bầu trúng và đúng người có đức, có tài, có tâm vào cấp ủy khóa mới.

Cạnh tranh lành mạnh

- Lâu nay, dư luận vẫn râm ran câu chuyện,“trước đại hội, đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên để... lấy phiếu”. Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?

- Tôi cho rằng, trước hết, phải công khai, minh bạch những nhân sự được quy hoạch vào cấp ủy khóa mới để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát quá trình thực hiện công việc cũng như lối sống hàng ngày của nhân sự được quy hoạch. Bởi trước sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân, những cán bộ được quy hoạch phải có ý thức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu thực sự, chứ không có chuyện “trước đại hội thì “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, “dĩ hòa vi quý”, “vo tròn mình” để lấy phiếu. Phải cung cấp thông tin liên quan đến nhân sự được quy hoạch vào cấp ủy cho các tổ chức đảng nơi nhân sự đó công tác, cư trú; thậm chí không dừng lại ở tổ chức đảng mà cả cơ quan cũng như nơi cư trú.

Về minh bạch, công khai tài sản, những nhân sự được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới, theo tôi cần có bản cam kết không tham nhũng. Đồng thời, cũng cần tiến hành thống kê tài sản của những nhân sự được quy hoạch vào cấp ủy. Theo đó, sau một thời gian, hoặc sau một nhiệm kỳ, chúng ta tiến hành kiểm kê tài sản để xem tài sản của những nhân sự được bầu vào cấp ủy đó tăng bao nhiêu và phần tăng ấy là chính đáng hay do tham nhũng, tiêu cực... mà có?

- Sự cạnh tranh luôn được xem là yếu tố cần thiết nhằm khuyến khích cán bộ phấn đấu rèn luyện mình. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Cạnh tranh là cần thiết, nhưng phải là cạnh tranh lành mạnh. Giữa những nhân sự được giới thiệu bầu vào cấp ủy khóa mới, cần khuyến khích sự cạnh trạnh lành mạnh để mỗi nhân sự có sự phấn đấu. Ví dụ, ở cấp tỉnh, nếu bầu 45 tỉnh ủy viên, chúng ta có thể để danh sách bầu là 90 người, tức cứ 2 người đưa ra giới thiệu thì đại hội chọn 1; thay vì bầu 45 tỉnh ủy viên, chúng ta đưa ra danh sách 50 người, tức là danh sách phải có số dư nhiều để đại hội chọn.

Cần có sự phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tố mới, không nằm trong quy hoạch. Danh sách bầu cử không chỉ là những người nằm trong quy hoạch mà cần có những nhân tố mới mà cán bộ, đảng viên thấy rằng đủ phẩm chất chính trị, năng lực, đạo đức để tiến cử. Tất nhiên, cần có điều kiện ràng buộc đối với người phát hiện, tiến cử là nếu phát hiện, tiến cử sau thì người tiến cử cũng phải chịu trách nhiệm trước đảng. Điều kiện ràng buộc này nhằm tránh các trường hợp vì thân quen, lợi ích nhóm hay vì tình đồng hương, dòng họ, thậm chí vì “chạy chọt” mà tiến cử, giới thiệu vào cấp ủy khóa mới.

- Thực tế, trước mỗi kỳ đại hội, cán bộ, đảng viên được quy hoạch vào cấp ủy các cấp, trong đó có cấp chiến lược, đều phải trải qua những cuộc “thử lửa” nghiêm túc, chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, có những người đã không vượt qua được cám dỗ, bị sa ngã, thậm chí phải nhận các mức kỷ luật nghiêm khắc?

- Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có rất nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị về công tác cán bộ như Nghị quyết Trung ương 4, 6, 7 Khóa XII; Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý… Những quy định của Đảng đã khá đầy đủ, nhưng trong thực tiễn đúng là có trường hợp diễn ra không như mong muốn.

Chúng ta có Quy định 205 của Bộ Chính trị về chống chạy chức, chạy quyền, nhưng dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền; thậm chí, ngày càng tinh vi, kín đáo, khéo léo, khó phát hiện, nặng hơn trước đây. Thời gian qua, các tổ chức đảng đều báo cáo đã làm đúng quy trình, nhưng đúng quy trình lại không chọn được cán bộ đúng - vậy quy trình đó có phải xem lại không? Đã thực sự chặt chẽ chưa? Có còn kẽ hở nào để cho chuyện chạy chức, chạy quyền lọt vào không? Quy trình có khách quan, phát huy dân chủ thực sự không, hay theo ý chí chủ quan của cá nhân nào đó? Ở đây tôi muốn quay lại câu chuyện cần phát huy dân chủ trong Đảng, xã hội trong lựa chọn cán bộ là vì thế. Nếu không phát huy dân chủ thực sự, sẽ khó chọn được cán bộ thực sự có tâm, có tầm.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An - Anh Thảo thực hiện