Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng

Chọn đúng người, xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ

- Thứ Hai, 25/05/2020, 07:57 - Chia sẻ
Mọi sự chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng nhất thiết phải đạt được yêu cầu - phải đi đến kết quả “đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ”(1). Đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và các địa phương.

Đánh giá đúng cán bộ

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng thì, “đánh giá cán bộ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ, khoa bọc và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng và khách quan”. Trong quy trình đó có nhiều công đoạn mà các chủ thể phải chịu trách nhiệm, nhưng phải đặc biệt chú ý tới 4 chủ thể ở những công đoạn đầu của quy trình, đó là: Bản thân nhân sự; người giới thiệu; tổ chức Đảng có nhân sự được quy hoạch và Tiểu ban Nhân sự Đại hội. Cả 4 chủ thể này đều phải chịu trách nhiệm tuyệt đối với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì mới thực hiện được sự chỉ đạo nói trên.

Bản thân người được quy hoạch phải báo cáo xem tài của mình như thế nào, đức của mình ra sao; quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu có thuận lợi, khó khăn gì? Bản thân tự đánh giá và xác nhận có đạt các tiêu chuẩn làm Ủy viên Trung ương không? Báo cáo của bản thân nhân sự phải bảo đảm thông tin đúng đắn, rõ ràng, chính xác và tuyệt đối trung thực.

Người giới thiệu nhân sự phải báo cáo với tổ chức đảng ít nhất 3 nhóm vấn đề: một là, về bản thân nhân sự (công việc, sinh hoạt, tư tưởng chính trị...); hai là, về những điều cơ bản của gia đình nhân sự (hoạt động của cha, mẹ, vợ (chồng), con, anh chị em nội, ngoại có ảnh hưởng đến công việc, uy tín của nhân sự như thế nào); ba là, về quan hệ xã hội, nhất là ở nơi làm việc và ở nơi sinh sống (ở nơi làm việc có được tín nhiệm không; ở nơi sinh sống có quan hệ tốt với tổ dân phố, bản, làng, phum, sóc không; ý kiến của họ thế nào; có tham gia sinh hoạt chi bộ đều đặn “hai chiều” không...?). Nhận xét, đánh giá của người giới thiệu nhân sự phải chắc chắn, dứt khoát, cụ thể và mức độ đạt được của các tiêu chuẩn phải thật rõ ràng.

Tổ chức Đảng nơi có nhân sự phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự Đại hội bằng cách xem xét kỹ lưỡng, chi tiết báo cáo của nhân sự và báo cáo của người giới thiệu xem tính chính xác, minh bạch, tính trung thực và mức độ đạt được tiêu chuẩn của nhân sự đến đâu. Công đoạn này lâu nay thường được biết là có nhiều khó khăn vì có những người tuy không làm nghệ thuật, song lại rất có tài nghệ “ảo thuật”, “hóa trang”. Có lẽ vì thế nên Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước mới chỉ ra rằng, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”. Chỉ có tổ chức đảng “tai, mắt tinh tường”, giàu sức chiến đấu mới có thể nhìn thấu đáo, xác định được cả nội dung “bên trong” và cả hình thức thể hiện “bên ngoài” của con người.

Tiểu ban Nhân sự Đại hội là người xem xét cuối cùng mức độ đạt được các tiêu chuẩn rồi quyết định và chịu trách nhiệm chính trị về việc có giới thiệu nhân sự đó ra đại hội hay không. Các công việc trên đây vừa bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa bảo đảm phát huy dân chủ trực tiếp trong Đảng. Song những công việc đó phải được xem xét liên tục, liên hoàn với tinh thần trách nhiệm lớn nhất của tổ chức đảng ở mỗi cấp.

Lựa chọn đúng người

Lựa chọn đúng người có nghĩa là lựa chọn cho được những người có đức, có tài song song. Về đức, phải thể hiện được phẩm chất qua 2 tiêu chí: Một là, phẩm chất chính trị; hai là, phẩm chất cá nhân. Về phẩm chất chính trị, nói cho cùng, đó là, “có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc”(2a). Về phẩm chất cá nhân, nhất thiết phải có “lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng”(2b). Đương nhiên phẩm chất chính trị là cực kỳ quan trọng, nhưng không thể châm chước, xem nhẹ phẩm chất cá nhân (một lãnh đạo cấp cao mà tham nhũng, mất đoàn kết, sinh hoạt bê tha... thì còn nói đến quản lý, lãnh đạo ai).

Về tài, phải đánh giá qua 3 tiêu chí: kiến thức, trình độ và khả năng. Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư thì càng phải chú ý thích đáng đến chuyên môn, tri thức khoa học, trình độ nhận thức và khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành. Thời đại ngày nay, là lãnh đạo cấp cao thì chí ít phải có một chuyên môn chuyên sâu để có thể lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả, không thể nói chính trị chung chung. Thực tiễn cho thấy, nếu chuyên môn càng giỏi, chỉ đạo càng có hiệu quả thì càng tô thắm thêm “vẻ đẹp” của vị thế chính trị. Lựa chọn nhân sự có đức, tài song song còn phải qua một cuộc kiểm nghiệm của nhân dân, đó là mức độ “được quần chúng tín nhiệm, tin cậy”(2c) đến đâu. Cuộc kiểm nghiệm đó có nghĩa là rất cần thiết lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức thích hợp.

Sắp xếp đúng việc

Nói thì đơn giản, nhưng thực thi rất khó. Cái khó lâu dần thành “khuyết tật”. Ngay từ năm 1947, Bác Hồ đã chỉ ra rằng, “nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc” và “thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ, thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử cả hai người đều lúng túng”(3). Theo lời dạy của Bác, nhất là từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới, chúng ta đã khắc phục từng bước có hiệu quả tình trạng này. Trong công tác cán bộ, vào lúc này sắp xếp đúng người đúng việc nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực nói chung, nhân lực cấp cao (cấp chiến lược) nói riêng đang là vấn đề vô cùng cấp bách.

Mới đây, trong Quy định số 214 ngày 2.1.2020 của Bộ Chính trị về Khung tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý(4), trong đó có chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tại Điểm 1.3 đã xác định trình độ chung của các chức danh như sau: “Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp”. Còn tiêu chuẩn cụ thể của Ủy viên Trung ương, tại Điểm 2.1. đã nói rất rõ rằng, “Có kiến thức toàn diện... Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn đổi mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách...”. Tiêu chuẩn chung về lý luận chính trị, quản lý nhà nước... cơ bản là giống nhau, nhưng chuyên môn, nghiệp vụ chính, “sở trường, sở đoản” của mỗi người là khác nhau vì trường lớp đào tạo khác nhau, khả năng tiếp nhận kiến thức khác nhau, do đó, kết quả đào tạo cũng khác nhau; thâm niên nghề nghiệp ngắn dài càng khác nhau... Bởi vậy, yêu cầu là phải sắp xếp đúng người, đúng việc. Trước hết là để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo lời Bác dạy và khắc phục tình trạng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã chỉ rõ, “không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường”(5). Tiếp đó là tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ sớm ứng dụng, thực hành kiến thức đã có, phát huy sở trường trong môi trường quen thuộc, phải sắp xếp cán bộ đúng với chuyên môn, nghiệp vụ mà họ được đào tạo, đã kinh qua thực tiễn.

Bố trí đúng chỗ

Sắp xếp cán bộ đúng việc, đúng chuyên môn, nghiệp vụ rồi, nhưng đã thật đúng chỗ chưa cũng là vấn đề lớn. Cũng là lĩnh vực nông nghiệp, nhưng có người hoạt động ở cơ sở (tổ chức thực hiện) thì tốt; có người nghiên cứu ở tầm vĩ mô lại thuận lợi hơn là tác nghiệp ở địa bàn. Công tác cán bộ ở tầm vĩ mô đã có nhiều bài học về việc này. Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, một số cán bộ lãnh đạo giỏi ở lâm trường, ở xí nghiệp được điều lên lãnh đạo ngành, không lâu sau phải bố trí lại vì không đúng sở trường nên rất khó khăn trong công việc. Ở lâm trường, ở xí nghiệp, hiệu quả của lãnh đạo là làm ăn có lãi, đóng góp được cho ngân sách nhà nước, cải thiện được đời sống công nhân, từng bước tái mở rộng được sản xuất. Ở tầm vĩ mô (quản lý nhà nước về lĩnh vực), hiệu quả của lãnh đạo là tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền luật pháp, chính sách, chế độ đúng với thực tế, ăn nhập với cuộc sống, giúp cho ngành, lĩnh vực phát triển tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đi lên đúng hướng. Hai loại công việc rất khác nhau, đòi hỏi tư duy khác nhau, nếu muốn bố trí lại thì phải có điều kiện, có bước đi với thời gian hợp lý (không đốt cháy giai đoạn).

Nay cán bộ cấp chiến lược đã được quy hoạch (trong quy hoạch đã tính đến nhiều yếu tố ràng buộc), trong đó có cán bộ ngành, lĩnh vực; có cán bộ địa phương, cơ sở, có cán bộ thuộc các lực lượng vũ trang. Do đó, việc bố trí đúng chỗ có phần thuận lợi hơn trước đây khi chưa có quy hoạch. Cái khó là, mỗi cán bộ chỉ biết một, hai chuyên môn hẹp mà bộ, ngành thì cấu trúc đa lĩnh vực, địa phương thì đầu mối công việc cũng như Trung ương (khác nhau chỉ là phạm vi toàn quốc và một tỉnh, thành phố). Do đó khi nghiên cứu “đặt chỗ” phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố khác mà Quy định số 214 đã chỉ dẫn, đó là: Có kiến thức toàn diện; có tố chất lãnh đạo, quản lý; có năng lực dự báo và xử lý hợp lý những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập và đã kinh qua hoạt động có hiệu quả trước đó. Tổng hợp các yếu tố đó với chuyên môn, nghiệp vụ đã có, chắc chắn sẽ có được phương án bố trí chỗ làm việc của nhân sự có tính khả thi cao.

-------------------
(1), (5): Bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng; Báo Đại biểu Nhân dân ngày 27.4.2020.
(2a), (2b), (2c), (3): Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương, Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2.1.2020, về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
(4) Hồ Chí Minh Về vấn đề cán bộ, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1975, trang 34. 

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội