Phiên họp thứ Hai mươi tám của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam

- Thứ Ba, 16/10/2018, 17:12 - Chia sẻ
Chiều 16.10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 28, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc ban hành nghị quyết của QH về việc thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành Phiên họp chiều 16.10  Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục thực hiện thí điểm…

Tờ trình dự thảo Nghị quyết của QH về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày cho biết: Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Qua 2 năm thực hiện cho thấy, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch; tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập…

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam
Ảnh: Quang Khánh

Chính phủ đề nghị cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện tác động của chính sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; có thêm thời gian triển khai trong thực tế, đánh giá toàn diện, đầy đủ, từ đó hoàn thiện quy định về cấp thị thực điện tử khi sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết: Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh, qua gần 2 năm Chính phủ tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước ta hiện nay.

Để bảo đảm hoạt động không bị gián đoạn cho đến khi QH có thể quyết định sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì việc ban hành Nghị quyết của QH về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là cần thiết.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, tại Tờ trình số 442/TTr-CP, Chính phủ đề nghị “cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện tác động của chính sách trên nhiều lĩnh vực KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại” là chưa thuyết phục và chưa thật sự khách quan, vì cho rằng thời gian 2 năm thực hiện thí điểm đã hết; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân được Chính phủ đánh giá trong Báo cáo tổng kết số 388/BC-CP cơ bản là vấn đề trong quá trình thực hiện, không phải là bất cập của chính sách đang thí điểm.

Tờ trình của Chính phủ chưa thể hiện rõ lý do bảo đảm thuyết phục để làm căn cứ cho QH xem xét, quyết định việc tiếp tục thí điểm. Ngoài ra, cũng có ý kiến khác đề nghị không ban hành Nghị quyết cho tiếp tục thí điểm mà nghiên cứu sửa Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để bổ sung chính sách về cấp thị thực điện tử vào Luật vì qua Báo cáo tổng kết của Chính phủ thì chính sách này đã cơ bản phát huy tác dụng tốt.

Nhưng không ban hành nghị quyết riêng

Về thời gian thực hiện Nghị quyết, Báo cáo thẩm tra cho biết, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định tại Điều 2 về thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm là 3 năm, vì cho rằng chính sách cấp thị thực điện tử vẫn đang ở giai đoạn thí điểm nên cần có đủ thời gian kiểm nghiệm trên thực tế để tổng kết, đánh giá một cách toàn diện mới đưa vào luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 2, vì năm 2016 Chính phủ trình QH quyết định thực hiện thí điểm trong 2 năm đã được tính toán kỹ để có thời gian nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nay Chính phủ đề nghị tiếp tục thí điểm thêm 3 năm, dài hơn thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 là chưa thuyết phục; do đó, đề nghị chỉ kéo dài việc thí điểm thêm một năm để sửa Luật.

Các ý kiến của UBTVQH đều đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 30 của QH về về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, ý kiến của UBTVQH đều cho rằng chủ trương cho phép cấp thị thực điện tử là đúng đắn, cần thiết, tiếp tục nên triển khai. UBTVQH đề nghị không ban hành Nghị quyết riêng mà QH nên cho phép kéo dài việc thí điểm và quy định trong Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Hà An