Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

- Thứ Sáu, 12/04/2019, 15:31 - Chia sẻ
Sáng 12.4, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 33, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng điều khiển Phiên họp sáng 12.4 
Ảnh: Quang Khánh

Trình bày Báo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về tên gọi, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”; một số ý kiến đề nghị lấy các tên gọi khác như: “Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia”; “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” hoặc “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn”; “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia”; ‟Luật Kiểm soát rượu, bia”...

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh Trình bày Báo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
Ảnh: Quang Khánh

Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc sử dụng cụm từ “kiểm soát rượu, bia” hoặc “hạn chế rượu, bia” nhấn mạnh kiểm soát việc lưu hành, phân phối, kinh doanh sản phẩm mà chưa bao hàm biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông, giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi của rượu, bia và thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia. Các tên gọi sử dụng từ “lạm dụng” nhấn mạnh việc điều chỉnh hành vi của người sử dụng rượu, bia ở mức có hại nhưng không xác định được ngưỡng an toàn nên tính “dự phòng” không cao. Việc sử dụng cụm từ “đồ uống có cồn” tuy bao hàm được tất cả các loại đồ uống có cồn nhưng chưa được sử dụng phổ biến. Hơn nữa, rượu, bia chiếm phần lớn đồ uống có cồn, tác hại gây ra đối với sức khỏe và xã hội cũng chủ yếu từ rượu, bia.

Do đó, Thường trực Ủy ban đề xuất không sử dụng các từ “lạm dụng”, “hạn chế” hoặc cụm từ “đồ uống có cồn” và xin ý kiến UBTVQH hai phương án về tên gọi của dự thảo luật: Phương án 1: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phương án 2: Luật Phòng, chống tác động có hại và kiểm soát rượu, bia vì sức khỏe con người. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nghiêng về phương án 1 là phương án được nhiều ĐBQH lựa chọn và là phương án Chính phủ trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp 
Ảnh: Quang Khánh

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đều đồng tình với tên gọi của dự thảo là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các ý kiến đều cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật mà Chính phủ trình cũng là tên gọi mà QH đã thông qua khi dự án Luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, tên gọi của dự án Luật cũng đã khái quát, gọn và đầy đủ và rõ cả phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Đây là luật phòng, chống tác hại, những ảnh hưởng tiêu cực của rượu, bia đối với sức khỏe con người.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên họp sáng 12.4 
Ảnh: Quang Khánh

Trước những ý kiến còn khác nhau về tên gọi của dự luật, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nêu rõ, điều quan trọng là làm rõ nội hàm của việc phòng, chống tác hại cũng như kiểm soát tác hại của rượu, bia, vì sức khỏe con người, đúng với các cam kết quốc tế đã ký kết. Đặc biệt, dự án Luật này không được ảnh hưởng đến hoạt sản xuất, kinh doanh và quảng cáo. Do đó, tên gọi của dự thảo Luật ngắn gọn nhưng phải rõ nghĩa. Vì thế, nên đưa ra 2 phương án để QH thảo luận, bảo đảm tính thống nhất cao.

Phải bảo đảm quản lý được chất lượng của rượu thủ công

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến nhất trí quy định các biện pháp quản lý rượu thủ công nhưng cần bảo đảm tính khả thi, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ý kiến khác đề nghị điều chỉnh với cá nhân, hộ gia đình nấu rượu để bán cho những người xung quanh; tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát và hạn chế tối đa tác hại đối với sức khỏe.

Tiếp thu ý kiến, Điều 12 và Điều 14 dự thảo Luật đã quy định về các phương thức quản lý rượu thủ công khác nhau theo các mục đích. Trong đó, quy định bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm là điều kiện xuyên suốt trong việc cấp phép kinh doanh và quản lý rượu, bia, bao gồm rượu thủ công. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công với mục đích kinh doanh.

Thường trực Ủy ban thấy rằng, quy định chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh trong điều kiện hiện nay là chưa hợp lý, khó khả thi, nên đề nghị giữ quy định như dự thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Phiên họp sáng 12.4
Ảnh: Quang Khánh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, rượu thủ công hay không thủ công là vấn đề công nghệ, vì thế điều quan trọng nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, quan trọng là quản lý đầu ra của rượu thủ công để bảo đảm chất lượng, không có độc, không bị phát tán ra thị trường, gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp sáng 12.4 
Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình đề nghị, không đẩy xa khoảng cách, gây ra sự chênh lệch giữa rượu công nghiệp và rượu thủ công, thay vào đó nên kiểm soát đăng ký và chất lượng đầu ra. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Luật này ban hành không ảnh hưởng đến đến rượu thủ công truyền thống, tuy nhiên phải bảo đảm quản lý được chất lượng của rượu thủ công.

+ Cũng trong sáng nay, UBTVQH đã xem xét một số vấn đề liên quan đến công tác nhân sự.

Hà An