Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học

- Thứ Tư, 08/08/2018, 17:43 - Chia sẻ
Chiều 8.8, dưới điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Lùi thời gian thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)

Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến UBTVQH về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Năm, các ĐBQH đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trên cơ sở xin ý kiến các ĐBQH, QH đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) coi giáo dục phổ thông (GDPT) là một trong những nội dung trọng tâm. Các quy định về GDPT được sửa đổi theo hướng luật hóa các quan điểm về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT của Đảng và QH, bảo đảm đây vừa là cấp học trang bị các kiến thức, kỹ năng, năng lực cơ bản, nền tảng, vừa định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho công tác phân luồng và chuẩn bị nguồn lao động tương lai. Trước yêu cầu của thực tiễn, GDPT đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh như thi tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp THPT và bằng tốt nghiệp trung cấp, về thời gian học tập của học sinh phổ thông. Đối với phát triển đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, bổ sung quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo, nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, quy định nhà giáo được ưu tiên xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ, hoàn thiện quy định về tín dụng sư phạm…

Cơ bản nhất trí với Báo cáo, các thành viên UBTVQH cho rằng, với nhiều dư âm về kỳ thi tốt nghiệp THPT thời gian gian qua, việc sửa đổi Luật Giáo dục cần rất thận trọng, cân nhắc kỹ và phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Vì đây là vấn đề tác động tới mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến chính sách cử tuyển, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách cử tuyển không hiệu quả. Nhiều địa phương không thể thực hiện chính sách này, vì học sinh cử tuyển về địa phương không bố trí được việc làm. Không ít trường hợp học sinh học cử tuyển có đầu vào thấp, chất lượng học thấp và đầu ra thấp. Một số học sinh cử tuyển cũng có tư tưởng ỷ lại vào chính sách cử tuyển. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nên có quy định thu hẹp phạm vi, đối tượng cử tuyển. Chỉ áp dụng chính sách cử tuyển đối với dân tộc thiểu số ít người và rất ít người ở những địa bàn đặc biệt khó khăn.

Cùng với việc chuyển từ “sửa đổi, bổ sung” sang sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục hiện hành, với nhiều chính sách lớn và mới, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị, Ban soạn thảo cần dành thêm thời gian để phân tích, tổng kết các chính sách, bảo đảm phù hợp với bối cảnh xã hội và có tính khả thi cao. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, lùi thời gian thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) từ Kỳ họp thứ Sáu sang Kỳ họp thứ Bảy.

Nên để trường đại học tự quyết định mức học phí?

Theo Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình trình bày, dự thảo đã quy định rõ mục đích quản lý nhà nước là nhằm bảo đảm tính hệ thống, thực hiện chính sách nhà nước đối với giáo dục đại học (GDĐH). Phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở GDĐH tham gia vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch, hợp tác quốc tế, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển GDĐH.

Dự thảo Luật cũng quy định một trong những điều kiện để cơ sở GDĐH công lập thực hiện tự chủ toàn diện là phải tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Trong đó, có thể bao gồm toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Các trường đại học công lập bảo đảm tự chủ toàn bộ về kinh phí thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm đối với các đơn vị này. Với trường tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở GDĐH, trong đó nhà đầu tư cam kết không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần tích lũy hàng năm phải được sử dụng để tái đầu tư và thuộc tài sản chung hợp nhất không phân chia, thì quy định không thu thuế doanh nghiệp.

Cho ý kiến về vấn đề này, các thành viên UBTVQH lưu ý, dự thảo Luật không nên quy định việc miễn thuế đối với doanh nghiệp. Theo đó, việc có hay không thu thuế đối với trường tư thục không vì lợi nhuận sẽ được xem xét khi sửa đổi các Luật về thuế.

Liên quan đến quy định về Hội đồng trường, dự thảo Luật quy định giao cho Hội đồng trường thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo, quản lý; quyết định nhân sự trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiễm, miễn nhiệm đối với chức danh Hiệu trưởng. Đồng thời không quy định số nhiệm kỳ được tái bổ nhiệm liên tiếp của Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường. Nhiều ý kiến UBTVQH đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ Năm về đề cao vai trò Hội đồng trường, thành phần và nhiệm kỳ của Hội đồng trường.


Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ sự băn khoăn về vị trí của Chủ tịch Hội đồng trường. Theo quy định của dự thảo, Chủ tịch Hội đồng trường chỉ có thể là Giáo sư, Phó Giáo sư không giữ chức vụ gì, nhưng lại có trách nhiệm rất cao, phải thông qua chính sách tuyển sinh đào tạo, phải bảo vệ đường lối phát triển của nhà trường - liệu rằng có khả thi? Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, quy định về chọn Chủ tịch Hội đồng trường phải thực sự thực chất, hiệu quả. Thực tế, 5 năm qua, việc thành lập Hội đồng trường rất hình thức, thậm chí nhiều trường trì hoãn việc thành lập Hội đồng trường. Dự thảo Luật phải khắc phục cho được vấn đề này.

Đối với mức trần học phí, dự thảo quy định mức học phí xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ; giao các nhà trường được tự chủ, quyết định mức học phí, công khai mức thu học phí, phí dịch vụ và các khoản thu khác cho từng năm học và cả khóa học. Có ý kiến UBTVQH cho rằng, chưa nên quy định mức trần học phí. Bởi lẽ chất lượng sẽ quyết định mức học phí của các trường giáo dục đại học. Học phí quá cao chưa chắc đã có sinh viên theo học. Các trường tự quyết định mức học phí và mỗi trường có chính sách riêng miễn giảm học phí cho học sinh có điều kiện khó khăn… Dự thảo nên mở ra thông thoáng hơn, tạo điều kiện tự chủ thực sự cho các trường đại học.

Hoàng Ngọc