Cho ước vọng bay xa

- Thứ Bảy, 31/08/2019, 08:57 - Chia sẻ
Tuổi trẻ soi vào gương phản chiếu, sẽ không chỉ thấy hình bóng của mình, mà còn hiện diện hình ảnh biết bao thế hệ đi trước. Xuất phát từ cảm hứng đó, hành trình ngược về tương lai được mở ra, mượn những câu chuyện nhỏ, góc nhìn, chia sẻ trải nghiệm... giúp người trẻ nhận ra đâu là giá trị cốt lõi, để trân trọng truyền thống, kết nối quá khứ, tạo ra giá trị mới.

Câu chuyện khoảng cách

Bắt đầu bằng bài nhảy hiện đại với động tác uyển chuyển và dứt khoát, nhạc pop sôi động, không gian lặng đi, thanh âm của nhạc cụ dân tộc rung lên. Tiếp đến là điệu chèo đưa cảm xúc người nghe ngược dòng về với rêu phong cổ kính, với nếp sống bao đời của cha ông... Đó chính là cảm xúc “Back to the future” (Tương lai là đây) của dự án Viet Nam Innovation Summit 2019, do TeamX HaNoi thực hiện. Đêm Gala bế mạc chuỗi dự án diễn ra tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (giữa tháng 8 vừa qua) đã thông qua nghệ thuật, chia sẻ câu chuyện thế hệ, thúc đẩy ý tưởng mới cho giới trẻ.


Nhóm Lục Cầm Band trình diễn tiết mục âm nhạc cộng hưởng truyền thống trên sân khấu VIS 2019

Vietnam Innovation Summit 2019 là không gian kết hợp giữa mô hình trải nghiệm và diễn thuyết, trình diễn nghệ thuật nói lên những ý tưởng lan tỏa giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng. Thông điệp chính của dự án là những người trẻ tìm về cội nguồn, tìm kiếm giá trị định hình cốt lõi trong quá trình phát triển, từ đó có động lực để phát triển trong tương lai.

“Những thanh âm vang lên, bất chợt tôi nghĩ, hình như điều gắn kết các thế hệ là nghệ thuật. Theo dòng chảy thời gian, nó chạm vào trái tim mỗi người, đánh thức cảm xúc giúp ta dễ gần nhau hơn” - PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, nhà giáo dục và hoạt động xã hội, top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn, chia sẻ trước hàng trăm bạn trẻ tham dự. Đến Gala, chị mang theo tập thơ của gia đình, trong đó có một bài chị viết năm 19 tuổi. Cô gái ngày ấy rất nghịch ngợm, lúc nào cũng thấy mình khác mẹ, xa cách mẹ. Một ngày, 3 giờ sáng về nhà, cô thấy mẹ còn thức, ngồi trước cửa sổ, cô ngồi với mẹ, nghĩ về khoảng cách giữa hai mẹ con: Giữa mẹ và con bất ngờ có một khoảng cách/ Bao giờ có thể vượt qua?/ Từ nơi con rất xa/ Đêm nông nổi đo làm sao khoảng cách...

Chu Cẩm Thơ kể, những năm tháng ấu thơ, lúc nào chị cũng thấy mẹ bận bịu, ưu phiền. Mẹ thường than về những vất vả tuổi thơ phải trải qua, những khó khăn, trong đó có phần mẹ nghĩ đấy là bất công, khi tuổi trẻ phải chứng kiến chiến tranh, những biến thiên đảo lộn cuộc sống... “Nhưng cô gái 19 tuổi ấy lại nghĩ không phải vậy, cô luôn tin rằng mình có thể thay đổi cả thế giới, có điều muốn hay không. Là do mẹ không đủ ước mơ, không đủ dũng cảm bước qua khó khăn mẹ kể hàng ngày”.

Cây xanh thì lá cũng xanh/ Tay đã vin được cành, thì hái lấy hoa/ Cung đàn tì bà ai khéo nẩy xang xế hồ xừ xang... Nửa thế kỷ qua, NSND Minh Thu và nhiều người cùng thế hệ đã bao phen sống mái cùng nghệ thuật chèo, mang chiếu chèo đi nhiều nước trên thế giới, lan tỏa truyền thống Việt. Bao người đã vì cung đàn “xang xế hồ xừ xang” ấy mà đau đáu giữ gìn, trăn trở về tương lai, làm sao kết sợi tơ truyền thống, giữ nghiệp cha ông. Lời chèo bởi vậy, như nối tâm tư của người giữ nghiệp. “Lần nào biểu diễn nhìn xuống, chúng tôi cũng xót xa khi thấy khán giả đến với sân khấu chèo rất ít, lại đều là người trung tuổi, lớn tuổi. Cho nên, không ngạc nhiên khi khán phòng đầy bạn trẻ hôm nay, đếm chỉ 1 - 2 cánh tay giơ lên nói rằng đã từng đến với chiếu chèo cổ”.

“Từ khi còn bé, bố mẹ, cô chú đều chơi nhạc cụ truyền thống, tôi nghe cải lương gần như hằng ngày. Khi học cấp II, cũng như các bạn, tôi không còn thích nhạc truyền thống, không muốn nghe thứ nhạc mà bố mẹ tôi, cô chú tôi chơi nữa. Tôi nghe nhạc hiện đại, thấy nó có sức sống hơn. Nhạc truyền thống, tôi tưởng tôi quên nó rồi”. Nhiều người như Lương Huệ Trinh, từng bỏ lại phía sau những điều cho là xưa cũ.

Để vượt thoát khỏi lối tư duy tưởng chừng lạc hậu, cổ hủ. Để chấp nhận khoanh mình trong vòng tròn khép kín ngăn cách của thời gian. Để tìm kiếm cái mới, cái lạ trong thời đại đánh đồng những sở thích... Từng câu chuyện được kể như mảnh ghép cho bức tranh khoảng cách, đã vô hình mà hữu hình ngăn trở giữa các thế hệ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai...

Những giá trị song hành

Khi một thế hệ soi vào tấm gương phản chiếu, sẽ không chỉ thấy hình bóng của mình mà còn thấy ở đó biết bao hình ảnh thế hệ đi trước. Thu hẹp khoảng cách ở đây không phải là xích lại về mặt địa lý, thời gian... mà là lấp đầy sự ngăn trở các giá trị. “Khoảng cách giữa các thế hệ hay bất cứ khoảng cách nào đều tồn tại tự nhiên. Hành trình thế hệ giống như con đường để ta bước đi, lấp đầy khoảng cách, từ lúc bắt đầu hiểu, đến khi cảm nhận được và tiếp nối những gì thế hệ trước để lại”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.

“Học nhạc hiện đại 12 năm, thực hành 20 năm, âm nhạc của tôi được giới thiệu ở nhiều nước, nhưng suốt năm tháng ấy, tôi không tự tin, không cảm thấy thứ gì mình sở hữu. Tôi nhận ra, phải đem ra ngoài thứ âm nhạc của mình chứ không phải nhạc jazz, nhạc cổ điển... sang trọng đấy nhưng không thuộc về mình”. Và Lương Huệ Trinh quyết định tìm về truyền thống, trở lại với âm nhạc mà ông bà, bố mẹ, cô chú đã chơi. Nhạc truyền thống, chị tưởng đã quên rồi, nhưng tìm về, tĩnh lại, lắng nghe quá khứ, thấy nó hóa ra vẫn ở trong mình.


VIS 2019 là dự án những người trẻ tìm về cội nguồn, tìm kiếm giá trị định hình cốt lõi trong quá trình phát triển

Tiếng gọi từ bên trong dẫn lối nghệ sĩ tìm về truyền thống, với những điều lắng đọng. Điều khác biệt trong âm nhạc Lương Huệ Trinh là khai thác nhạc truyền thống, và những thanh âm gắn với gia đình, từ giọng nói, đến tiếng giày dép, sự va chạm của vật dụng gia đình... Nhiều nghệ sĩ như Lương Huệ Trinh, tìm về truyền thống, tiếp cận sâu và sáng tạo, tạo ra màu sắc không giống ai. Theo Lương Huệ Trinh, quá trình ấy, họ sẽ cảm thấy văn hóa, nền tảng quá khứ trong mình rất mạnh. Bởi vì, âm nhạc cũng có tính kết nối thời gian, vì muốn đi ra ngoài thì phải vào trong mình trước, không quên cốt lõi trong mình.

Mỗi câu chuyện của Back to the future, vì vậy, chính là hành trình về quá khứ, đi vào bên trong mình, tìm giá trị cốt lõi, để rồi nhận ra giá trị của quá khứ luôn song hành với lựa chọn, trải nghiệm, sáng tạo trong hiện tại và tương lai. Ở đây, mối liên quan thế hệ, quá khứ và hiện tại, tương lai chưa hẳn hiện hữu nhưng tồn tại, gắn kết tất cả. Nhờ những người như NSND Minh Thu trăn trở đưa chèo đến với khán giả trẻ, như Lương Huệ Trinh sáng tạo dựa trên nhạc cổ truyền và âm thanh cuộc sống, cả những trải nghiệm về khoảng cách thế hệ trong gia đình như câu chuyện của PGS. TS. Chu Cẩm Thơ...

“Giờ đây, tôi vẫn thấy mẹ như thế, và bà cũng có cảm giác mình ở một thế hệ rất xa so với tôi, với con gái tôi. Nhưng chúng tôi có thể ngồi với nhau, cùng lo lắng cho thế hệ sau, nói về những ước mơ làm được nếu còn có thời gian”. PGS. TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, khoảng cách sẽ gần hơn khi mọi người cùng nhau thực hiện khát vọng làm nên giá trị mới. “Như nghệ thuật bây giờ đang thu hẹp khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại, khoảng cách giữa các thế hệ cũng như dòng chảy. Khi chúng ta cùng có khát vọng làm nên giá trị mới, nó sẽ trở thành động lực dồn từ nơi cao xuống nơi thấp, từ nơi xa đến nơi gần, lấp đầy những lỗ trống còn để lại mà chúng ta đã tạo ra khi trái tim chưa chạm đến…”.

Hải Đường