Ứng dụng KHCN phát triển nông nghiệp bền vững

Chỗ đứng nào cho công nghệ cao?

- Chủ Nhật, 05/05/2019, 08:02 - Chia sẻ
Đánh giá thực trạng và giải pháp cho nền nông nghiệp nước ta trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đa số đại biểu cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng nhanh khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ cao vào mọi quá trình sản xuất.

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo báo cáo tại Hội thảo khoa học “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng đồng bằng sông Hồng” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây: Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đạt nhiều thành tựu to lớn, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt được mốc kỷ lục 40,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Điển hình như Bắc Ninh, địa phương có sự thay đổi thành công trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với các sản phẩm chủ lực. Với sản phẩm gà giống, toàn tỉnh có 12 cơ sở chuyên sản xuất giống gà với hơn 500.000 con gà bố mẹ gồm các giống như JA 57, gà Mía, gà Nòi, gà Hồ, gà trứng xanh, gà lông màu... hàng năm sản xuất ra khoảng 30 triệu con giống thương phẩm. Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã hình thành sản phẩm lợn giống, vùng sản xuất rau an toàn quy mô khoảng 3.000ha. Tương tự, nông nghiệp công nghệ cao đang tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình. Hiện, Thái Bình có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong đó nổi bật nhất là nghiên cứu thành công về giống lúa công nghệ cao, cung ứng hơn 2 triệu tấn giống cho thị trường cả nước.


Mô hình áp dụng công nghệ cao trồng rau thủy canh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện không chỉ các địa phương nỗ lực đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mà nhiều tập đoàn, doanh nghiệp cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Dabaco. Đại diện doanh nghiệp VinEco cho biết, sau 6 tháng khởi công tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), giữa năm 2016, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup đã đón những sản phẩm rau sạch nhà kính đầu tiên gồm hơn 20 loại rau mầm và 12 loại rau thuỷ canh. Nhờ đầu tư công nghệ nhà kính hiện đại, VinEco đã sản xuất và cung ứng ra thị trường những chủng loại rau mầm và rau thuỷ canh như rau mầm bông cải xanh, rau mùi, cải đuôi phụng xanh/đỏ, mù tạt xanh/đỏ, cải xoăn, cải xoong, mùi Ý, húng xanh, húng đỏ, cần tây, tía tô xanh/đỏ, rau chua và cỏ thơm. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, VnEco đã đầu tư nhằm hoàn chỉnh chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến phân phối thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart và Vinmart+, bảo đảm đưa sản phẩm rau an toàn đến tận tay người tiêu dùng.

Xây dựng cơ chế hợp tác liên kết 5 nhà 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, mặc dù vùng đồng bằng sông Hồng đã và đang hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, song trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: Hình thức tổ chức sản xuất nhỏ, thiếu liên kết các khâu, các ngành theo chuỗi giá trị làm hạn chế quá trình phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó là tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp là vấn đề đặt ra đối với yêu cầu về giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho dân số nông nghiệp ở nông thôn khu vực đồng bằng sông Hồng từ nay đến năm 2020. Đặc biệt, chưa có cơ chế hợp tác liên kết 5 nhà (Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông và nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp từ đó thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở nông thôn trong vùng.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình Hoàng Trọng Lễ nhấn mạnh, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm về rau quả. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất rau lớn nhất cả nước nhưng sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn... Vì vậy, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực ứng dụng và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp an toàn trong vùng rất quan trọng. Đồng quan điểm, đại diện các địa phương Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu có lợi thế của vùng và địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng  quy mô manh mún, nhỏ lẻ, liên kết chưa tốt là các điểm yếu của ngành nông nghiệp. Năm 2013, ngành nông nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó nhấn mạnh tổ chức lại sản xuất và khoa học công nghệ là trụ cột hàng đầu. Do đó, trong thời gian tới, cần phải tổ chức lại sản xuất, phát triển đa dạng tùy theo từng sản phẩm, công nghệ, đặc biệt là tăng cường sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân.

CÁT THÀNH