Phát triển cơ sở trợ giúp xã hội

Chính sách phải bình đẳng

- Thứ Tư, 02/10/2019, 08:25 - Chia sẻ
Trợ giúp xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia để trợ giúp người nghèo, nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để xây dựng hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội đáp ứng với yêu cầu. Tuy nhiên, đến nay cơ sở trợ giúp xã hội vẫn còn thiếu và yếu.

Thiếu và yếu

Trợ giúp xã hội được xem là chính sách xã hội cơ bản nhằm giúp đỡ và hỗ trợ những người yếu thế. Chính vì vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội ở nước ta đã từng bước được thể chế hóa và luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Cụ thể là đã xây dựng 6 luật, 9 nghị định và một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp xã hội. Đồng thời, đang triển khai một số đề án lớn về trợ giúp xã hội gồm: Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020 (Quyết định số 647/QĐ-TTg, ngày 26.4.2013, của Thủ tướng Chính phủ); Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 1215/QĐ-TTg, ngày 23.7.2013); Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 (Quyết định số 1019/QĐ-TTg); Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 25.3.2010)…

Cùng với đó, nguồn nhân lực công tác xã hội cũng phát triển, hiện có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội (so với năm 2010 chỉ có 1 - 2 cơ sở), thu hút khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân mỗi năm. Tuy nhiên, theo đánh giá, hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội vẫn còn thiếu và yếu. Về vấn đề này Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội còn chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng và thiếu chuyên nghiệp. Tính đến thời điểm này, trên cả nước có 418 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở trợ giúp xã hội công lập, 223 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, đạt tỷ lệ 53,3%. Trong số 223 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, có đến 50% cơ sở do các tổ chức tôn giáo thành lập, số còn lại do các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân thành lập.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách

Để thu hút cũng như khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào phát triển cơ sở trợ giúp xã hội, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi như cho thuê đất và miễn tiền thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất. Các cơ sở này còn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp, vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển ở địa phương. Bên cạnh đó, các cơ sở được miễn các khoản phí, lệ phí khác liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác liên quan đến hoạt động đầu tư cơ sở chăm sóc theo quy định của pháp luật về thuế…

Tuy nhiên, việc thực thi chính sách tại một số địa phương còn chưa triệt để. Nhiều cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập vẫn còn rất khó khăn trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là vấn đề thuê đất. Tại nhiều địa phương, do quỹ đất hạn hẹp nên nhiều tổ chức, cá nhân không thuê được mặt bằng để xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội. Cùng với đó, các cơ sở ngoài công lập cũng gặp khó khăn trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đảm bảo kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của công việc. Trong khi đó, hiện nay, số lượng người dân cần trợ giúp xã hội chiếm hơn 20% dân số. Do đó, rất cần có những giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực xã hội vào lĩnh vực trợ giúp xã hội. Theo đó, Nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ, đổi mới cơ chế trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường; tạo môi trường pháp lý bình đẳng, cạnh tranh giữa cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập.

Để có thể huy động được các tổ chức, cá nhân tham gia vào mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động tổ chức, cá nhân góp vốn dưới dạng góp cổ phần, hợp tác, liên kết và được ưu tiên vay vốn tại các ngân hàng, quỹ đầu tư phát triển để đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ ban hành các chính sách khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Bảo Anh