Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Chính sách nhiều, vào cuộc sống ít

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:14 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm “Tăng cường liên kết - Phát triển kinh tế hợp tác bền vững” ngày 10.9, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Hưng cho rằng, chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã được ban hành tương đối đầy đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả. “Thực tế cho thấy, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” còn hiện hữu, càng xuống địa phương, họ càng không quan tâm tới phát triển hợp tác xã”, ông Hưng nhận xét.

Chính sách không gắn với nguồn lực

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, cả nước hiện có gần 24.000 hợp tác xã, 80 liên hiệp hợp tác xã, trên 100 nghìn tổ hợp tác với sự tham gia của gần 8 triệu thành viên, giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động, hàng năm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10%... Kinh tế hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, việc thành lập phát triển hợp tác xã đang là xu thế. Ngày càng có nhiều mô hình hợp tác xã kinh doanh điển hình gắn với chuỗi giá trị, trong đó có nhiều hợp tác xã quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đem lại thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng/lao động.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN - PTNT) Lê Đức Thịnh đánh giá kinh tế hợp tác, hợp tác xã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển mới. Mô hình hoạt động của hợp tác xã đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thị trường. Nhiều hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kết quả đó chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh của đất nước. Một trong những nguyên nhân chính là do chính sách phát triển hợp tác xã chưa đi vào cuộc sống. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, Luật Hợp tác xã năm 2003, năm 2012 và các bản hướng dẫn quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hợp tác xã, tuy nhiên có chính sách tới năm 2018 mới bắt đầu thực hiện như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm… chưa bố trí được nguồn vốn. Thêm vào đó, một số cơ chế, chính sách ban hành chưa sát với tình hình thực tế, nhất là với địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách thì việc Trung ương ban hành chính sách nhưng giao cho địa phương cân đối nguồn lực sẽ rất khó thực hiện…


Toàn cảnh tọa đàm

Không hỗ trợ trên giấy

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Hưng cho rằng, cần sớm triển khai đánh giá kết quả thực hiện các chính sách về kinh tế hợp tác từ Trung ương đến địa phương và tổng kết xem khu vực hợp tác xã làm được gì, chưa làm được gì. “Thời gian qua, chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả. Thực tế cho thấy, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” còn hiện hữu, càng xuống địa phương, họ càng không quan tâm tới phát triển hợp tác xã” ông Hưng chia sẻ. Theo đó, ông đề nghị, Nhà nước cần quan tâm tới khu vực này, có cơ chế hỗ trợ hợp tác xã về vốn, đất đai... như cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, không hỗ trợ trên giấy, chính sách cần tạo đột phá hơn nữa.

“Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã như miễn, giảm chính sách hỗ trợ sau đầu tư thì chủ thể được thụ hưởng chính sách sẽ không ỷ lại”. Lý giải đề xuất này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang Đồng Mạnh Cường cho biết, hợp tác xã đang thiếu đầu kéo là các doanh nghiệp để có thể hội nhập nhưng Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Giám đốc HTX Thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) Lê Văn Việt cho hay, các hợp tác xã trước hết phải tập trung vào sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Nếu không có sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại thì việc quảng bá, xúc tiến sớm sản phẩm cũng không mang lại hiệu quả. Ông Việt cũng nhấn mạnh, cần có những chính sách “sát sườn”, cụ thể hơn. Ví dụ hiện nay, các hợp tác xã có trụ sở và đất đai để đầu tư nhà máy chế biến, khu nuôi trồng sản phẩm nhưng không thể dùng đất đó để thế chấp vay ngân hàng. Vì vậy, cần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, cơ sở vật chất cho các hợp tác xã để hoạt động hiệu quả hơn. 

Bài và ảnh: Tuệ Anh