Chính sách nhất quán mới thu hút đầu tư

- Thứ Ba, 18/09/2018, 08:14 - Chia sẻ
“Muốn doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Việt Nam, chính sách thuế và hải quan phải nhất quán”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon nêu ý kiến tại Hội nghị Đối thoại về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và hải quan với doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2018 do Bộ Tài chính phối hợp Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức chiều 17.9.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đánh giá, sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (từ năm 1992), về kinh tế “đã có những phát triển vượt bậc”. Theo đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam khi đầu tư tại 50 tỉnh, thành phố; trở thành nước có xếp hạng đầu tiên cả về số lượng và dự án tích luỹ trong đầu tư vào Việt Nam. Hiện, Hàn Quốc đang có 6.760 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD còn hiệu lực, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng trên 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu. Các dự án FDI từ Hàn Quốc thời gian qua đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tập trung ở các dự án lớn trong mảng công nghiệp chế tạo, kinh doanh bất động sản, năng lượng, cơ khí và điện.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn bổ sung, số doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, song đã có đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách. 2 năm qua, các doanh nghiệp này đã đóng góp khoảng 2 - 3% tổng thu ngân sách. Đây cũng là những đơn vị tiêu biểu trong kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, góp phần giúp quản lý thuế ở Việt Nam minh bạch, hiệu quả. Nhìn chung, đa phần doanh nghiệp Hàn Quốc đều tuân thủ chính sách pháp luật về thuế của Việt Nam. Tuy nhiên, do hạn chế trong hiểu biết cũng như cập nhật về thuế nên cơ quan thuế vẫn phát hiện có những kê khai sai, phải xử lý truy thu hay nhắc nhở doanh nghiệp điều chỉnh theo quy định.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chính sách thuế và hải quan ở Việt Nam vẫn chưa thật sự nhất quán. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon chia sẻ, “Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển cao hơn Hàn Quốc. Muốn vậy, chính sách và quy định pháp luật có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là chính sách thuế và hải quan nhất quán sẽ giúp doanh nghiệp quyết định có đầu tư hay không. Bởi thực tế, các nhà đầu tư khi cân nhắc quyết định đầu tư vào quốc gia nào sẽ căn cứ vào tự do hóa và sự nhất quán của chính sách”. Tuy nhiên, một số chính sách về thuế ở Việt Nam đang khiến doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc e ngại, như việc áp dụng hồi tố về thuế thu nhập cá nhân…

Tại hội nghị, quan điểm “sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách” của đại diện Bộ Tài chính đã nhận được sự chia sẻ của doanh nghiệp. Rất nhiều câu hỏi được đưa ra liên quan đến hóa đơn điện tử, chính sách thuế đối với phế liệu của hợp đồng gia công, việc chênh lệch số liệu tồn trên hồ sơ hải quan với tồn trên thực tế của doanh nghiệp được giải quyết thế nào... được doanh nghiệp đặt ra và đại diện Tổng cục Thuế giải đáp kịp thời. Mặc dù vậy, trong khoảng 1 tiếng hỏi đáp, dù “rất tích cực” như lời Thứ trưởng Vũ Thị Mai, song nhiều nội dung trả lời vẫn chưa làm hài lòng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, hội nghị này là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống, thông qua lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để cơ quan quản lý có điều chỉnh phù hợp. Bà Mai cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn, thắc mắc “cần gửi câu hỏi trực tiếp về Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời”.

Đan Thanh